Thời đại 4.0, SV học Kỹ thuật hệ thống công nghiệp có nhiều cơ hội phát triển
03/05/2024 17:05
Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp là ngành kỹ thuật lâu đời và phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới. Tại Việt Nam, khi xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá ngày càng được đẩy mạnh, nhu cầu nhân sự ngành kỹ thuật ngày càng đòi hỏi chất lượng cùng trình độ chuyên môn cao.
Do đó, ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp được đánh giá có nhiều tiềm năng và giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp nói chung, trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng.
Ngành học có phạm vi ứng dụng rất rộng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Anh Duy, Trưởng ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp là ngành đào tạo ra những kỹ sư chuyên đảm nhận việc thiết kế, lắp đặt, quản lý hệ thống tích hợp giữa con người, thiết bị, phương pháp và năng lượng.
Theo đó, kiến thức ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp giúp thiết kế quản lý các hệ thống công nghiệp và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu quả với chi phí hợp lý. Ngành học này đào tạo ra các quản đốc phân xưởng, các giám đốc quản lý sản xuất, các kỹ sư kế hoạch, quản lý điều hành nhà máy, công ty, hay nhà quản lý sản xuất và dịch vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Anh Duy (thứ 2 từ bên phải sang) - Trưởng ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NVCC
Thầy Duy đặc biệt nhấn mạnh vai trò Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp trong bối cảnh đất nước hiện nay, bởi phạm vi ứng dụng ngành học rất rộng, có thể áp dụng ở bất cứ địa điểm khu vực nào, hỗ trợ tối đa hiệu suất và chất lượng cho doanh nghiệp.
Thầy Duy cho biết, đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành học này sẽ đưa ra các chiến lược nhằm tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí của một doanh nghiệp thông qua việc sắp xếp điều độ và hoạch định hoạt động sản xuất và kinh doanh; Thiết kế kế hoạch bảo trì cho hệ thống sản xuất; Đảm bảo chất lượng; Hoạch định nguồn năng lực cho doanh nghiệp; Thiết kế và đo lường lao động.
Theo đó, việc sắp xếp các đơn hàng, sắp xếp các hoạt động, quy trình sản xuất kinh doanh với mục tiêu là giảm tỷ lệ đơn hàng bị trễ, tăng hiệu quả của nguồn lực doanh nghiệp, tăng năng suất thực tế của doanh nghiệp hay bố trí, phân bố, lên kế hoạch chuẩn bị cho việc sản xuất, kinh doanh với mục tiêu tăng tối đa lợi nhuận của doanh nghiệp là nhiệm vụ tiên quyết.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Vũ Anh Duy, bất kỳ một hệ thống nào cũng đều cần được bảo trì và ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp sẽ nghiên cứu một kế hoạch cho việc bảo trì đó để đảm bảo độ tin cậy của hệ thống, giảm thiểu tối đa các chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả cho việc bảo trì hệ thống cũng như những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải khi hệ thống không thể vận hành.
Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cho biết, trong bối cảnh đất nước đang tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa, khi nhìn vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại Việt Nam, có thể nhận thấy ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực, thông qua nhiều khu công nghiệp lớn đã và đang hình thành.
Ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp có nhiều vai trò, triển vọng và cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Việc phát triển ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững cho nhiều khu vực tại Việt Nam.
Cụ thể, trong các hệ thống công nghiệp, ngành đóng vai trò hỗ trợ xây dựng và duy trì các hệ thống sản xuất, quản lý và điều hành hiệu quả quá trình sản xuất của các doanh nghiệp trong khu vực. Bên cạnh đó, việc nắm vững chuyên môn về kỹ thuật hệ thống công nghiệp giúp các doanh nghiệp có thể tối ưu hóa sản xuất, nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay, việc đầu tư vào đào tạo ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp tại Việt Nam nói chung và miền Trung và Tây Nguyên nói riêng sẽ tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các sinh viên và người lao động. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng sẽ có cơ hội thu hút nhân tài và phát triển công nghiệp hiện đại ở từng vùng.
Nhiều vị trí việc làm cho ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp
Là ngành học đòi hỏi cả kiến thức chuyên môn toàn diện về tối ưu hóa, quản lý hệ thống sản xuất và dịch vụ, kinh tế, kỹ thuật, có kiến thức khoa học kỹ thuật liên ngành nhằm phân tích, đánh giá, thiết kế, triển khai và vận hành hệ thống hiệu quả, vừa yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp tại các trường đại học đào tạo chính quy được xây dựng với những yêu cầu cao.
Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh cho biết, chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp tại Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng được thiết kế, kế thừa và phát triển từ các chương trình đào tạo của các trường đại học lớn trong và ngoài nước, phù hợp với tình hình phát triển công nghiệp tại Việt Nam, được tổ chức cụ thể và hợp lý để đảm bảo sinh viên phát triển các kỹ năng nghề nghiệp một cách toàn diện, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Theo đó, nội dung chương trình đào tạo tập trung vào việc kết hợp kiến thức và kỹ năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học tự nhiên, quản lý, kinh tế và kỹ thuật. Sinh viên được trang bị kiến thức về thiết kế, điều hành và quản lý các hệ thống công nghiệp, bao gồm cả quản lý nguồn lực doanh nghiệp, quản lý chất lượng và quản lý logistics.
Mặt khác, nhà trường đang nhấn mạnh vào việc phát triển năng lực và kỹ năng thiết yếu cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện để sinh viên có thể thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc đa dạng với yêu cầu ngày càng cao.
Điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp của trường chính là việc sinh viên được sử dụng các phần mềm và công cụ chuyên ngành trong suốt quá trình học tập và thực hành. Việc cập nhật và sử dụng các phần mềm này giúp sinh viên làm quen với công nghệ mới và thực hành trên môi trường gần gũi với thực tế của ngành công nghiệp.
Trong quá trình đào tạo, chương trình được cải tiến liên tục, trên cơ sở phản hồi của cựu sinh viên và nhà tuyển dụng, đảm bảo sinh viên có cơ hội học tập và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp một cách hiệu quả thông qua các dự án, thực tập và sử dụng các công cụ, phần mềm chuyên ngành.
Điều này giúp sinh viên trang bị hành trang vững vàng cho sự thành công trong ngành công nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Sinh viên Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC
Trong quá trình học, sinh viên được tham gia vào 6 dự án cơ sở với độ phức tạp tăng dần. Thông qua các dự án, sinh viên sẽ có cơ hội áp dụng và phát triển các kỹ năng và kiến thức đã học nhờ việc giải quyết các bài toán thực tế tại các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ. Điều này giúp các bạn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và áp dụng kiến thức vào thực tế.
Với các tín chỉ thực tập, sinh viên trải qua 3 đợt thực tập tại doanh nghiệp, cụ thể bao gồm: 1 tuần thực tập nhận thức để tìm hiểu và tiếp cận môi trường làm việc cũng như quy trình hoạt động của doanh nghiệp; 4 tuần thực tập kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ kỹ thuật cụ thể dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia trong ngành của doanh nghiệp và 15 tuần thực tập và làm đồ án tốt nghiệp.
Trong thời gian này, sinh viên tiếp tục làm việc tại doanh nghiệp, đồng thời thực hiện đồ án tốt nghiệp dưới sự đồng hướng dẫn của kỹ sư nhà máy và giảng viên tại trường. Đây là giai đoạn quan trọng giúp sinh viên thực tập các công việc thực tế của kỹ sư Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã được trang bị vào thực tế sản xuất và nắm vững quy trình làm việc.
Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc khác nhau như: Phân tích tối ưu hóa trong sản xuất và dịch vụ; Thiết kế hệ thống quản lý nguồn lực; Quản lý, kiểm soát, cải tiến chất lượng sản phẩm/dịch vụ và hệ thống; Quản lý và điều hành các hệ thống sản xuất; Quản lý logistics và chuỗi cung ứng; Quản lý các dự án công nghiệp; Quản lý và điều hành các hệ thống kho vận, vật tư và giao nhận.
Cô Hạnh cho hay, nhiều khóa sinh viên ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp của trường sau khi tốt nghiệp đủ khả năng đảm nhận được các vị trí trong các công ty lớn như: Thaco, Scavi, LG, Premo, Draexlmaier,…
Trước quan niệm học khối ngành kỹ thuật là “khó, khô, khổ”, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Anh Duy cho rằng, với tính chất kết hợp đa dạng giữa kỹ thuật và kiến thức quản lý, kết hợp giữa con người và máy móc, đặc biệt chủ yếu dùng kỹ thuật để quản lý nên khi so sánh với các ngành trong cùng lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp thì ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp có thiên hướng mềm mại hơn.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành gặp mặt và trao đổi với Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam nhằm mở rộng cơ hội hợp tác, việc làm, nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trong lĩnh vực Kỹ thuật - Công nghệ. Ảnh website nhà trường
Theo đó, với những đặc trưng trong lĩnh vực này, đòi hỏi từ người học sự chịu khó và tư duy logic.
Vượt qua mặc cảm học khối ngành kỹ thuật sẽ vất vả và “chỉ phù hợp" với nam giới, bạn Phan Thanh Thúy Vy là một trong số ít nữ sinh khoá 2018, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã theo đuổi ước mơ thành công nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ.
Hiện tại, Thuý Vy đang làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sailun Việt Nam với vị trí kỹ sư công nghiệp.
Chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong quá trình học tập, Thuý Vy cho biết, học ngành kỹ thuật sẽ không hề nhẹ nhàng và dễ dàng. Với những người không có đam mê và thiếu sự quyết tâm khi theo học ngành này sẽ dễ cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ.
Tuy nhiên, trong quá trình học tập, sinh viên ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp sẽ được rèn luyện rất nhiều kỹ năng và ý chí làm việc. Một trong những kỹ năng giúp Vy có công việc hiện tại chính là “nhìn nhận và phân tích vấn đề mọi lúc, mọi nơi".
Theo Vy, đó là kỹ năng cực kỳ quan trọng của 1 kỹ sư Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp bởi vai trò và nhiệm vụ của ngành học chính là phát hiện vấn đề kịp thời và ngăn chặn không cho nó tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất.
Chia sẻ về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Anh Nguyễn Đức An (Cựu sinh viên lớp 19 Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) - hiện đang là Chuyên viên quản lý quy trình công nghệ, Thaco Industries - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Công nghiệp Trường Hải cho biết: Ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp là 1 ngành học có tính thực tế cao, hầu như các công ty, doanh nghiệp sản xuất hay dịch vụ đều cần đến các kỹ sư của Hệ thống công nghiệp nên cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp tương đối cao.
Ở khu vực miền Trung, tên ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp có thể còn mới, chưa được chú ý nhiều nên trong các yêu cầu tuyển dụng chưa đề cập đến ngành học này, tuy nhiên, các vị trí làm việc và mô tả công việc của vị trí đó sẽ liên quan đến những kiến thức được học ở ngành như 5S, TPM, tối ưu hóa quy trình sản xuất, xây dựng, quản lý, cải tiến layout,...
Thách thức trong công tác đào tạo trong thời đại 4.0
Tiến sĩ Vũ Thị Hạnh cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và dây chuyền sản xuất là một thách thức lớn đối với các ngành kỹ thuật nói chung và ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp nói riêng.
Các công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa đang thay đổi cách thức hoạt động của các hệ thống sản xuất và quản lý. Trên cơ sở đó, ngành cần tiếp tục nâng cao kiến thức và kỹ năng để triển khai và quản lý các công nghệ mới này.
Mặt khác, số lượng dữ liệu sinh ra từ các cảm biến và thiết bị trong quá trình sản xuất ngày càng lớn với sự kết nối ngày càng tăng giữa các thiết bị và hệ thống, an ninh mạng trở thành một vấn đề quan trọng. Do đó, thách thức đặt ra với ngành là cần có kiến thức sâu về bảo mật để đảm bảo an toàn cho các hệ thống và dữ liệu sản xuất, phân tích và sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả trên cơ sở đòi hỏi kiến thức vững về phân tích dữ liệu và học máy.
Dù còn nhiều thách thức song theo cô Hạnh đánh giá, đây cũng là cơ hội để ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Theo đó, các chuyên gia có thể tận dụng công nghệ mới để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường hiệu suất. Đồng thời, việc đào tạo và phát triển nhân lực có kiến thức và kỹ năng phù hợp sẽ giúp ngành vượt qua thách thức và phát triển bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0.
Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, sự đa dạng của kiến thức và kỹ năng trong ngành Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp tạo ra một môi trường học tập đa dạng và thú vị, không chỉ là lý thuyết mà còn là thực hành và ứng dụng. Điều này giúp sinh viên phát triển một cách toàn diện và sẵn sàng cho thị trường lao động.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thường phát triển nhanh chóng với sự tiến bộ không ngừng của công nghệ đã đặt ra thách thức cho giảng viên trong quá trình cập nhật và áp dụng những kiến thức mới nhất vào chương trình giảng dạy.
Mặt khác, tính chuyên sâu và phức tạp của nội dung ngành Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp khi liên quan đến nhiều lĩnh vực kỹ thuật và quản lý khác nhau, từ tự động hóa, quản lý sản xuất đến logistics và chuỗi cung ứng và, do đó, giảng viên cần phải có kiến thức sâu rộng và kỹ năng giảng dạy hiệu quả để truyền đạt một cách dễ hiểu cho sinh viên.
Để phục vụ công tác học tập và thực hành cho sinh viên, cần trang bị hệ thống công nghệ với những thiết bị hiện đại, nhưng ở thời điểm hiện tại, việc tiếp cận và sử dụng những thiết bị này đòi hỏi nguồn lực và kinh phí đáng kể.
Theo đó, cô Hạnh cho biết, nhà trường đã và đang có những chính sách khắc phục những khó khăn hiện tại như tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để có được nguồn lực và kinh phí hỗ trợ, phát triển các chương trình học phù hợp với yêu cầu của ngành công nghiệp và cung cấp cơ hội thực hành.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo và hỗ trợ giảng viên trong việc cập nhật kiến thức và kỹ năng giảng dạy mới nhất nhằm tạo ra môi trường học tập linh hoạt và sáng tạo, khuyến khích sự tương tác và học hỏi giữa sinh viên và giảng viên.
Với công tác truyền thông ngành học, nhà trường hiện đang tăng cường quảng bá qua các hoạt động quảng bá tích cực như buổi tham quan trường, hội thảo ngành nghề, và các chương trình giao lưu với các doanh nghiệp liên quan để giới thiệu về ngành và cơ hội nghề nghiệp.
So với các ngành cùng lĩnh vực, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp vẫn còn khá non trẻ trong nhận thức của thí sinh và phụ huynh. Do đó, nhà trường đang cố gắng xây dựng và tạo ra các tài liệu và thông tin chi tiết về ngành, bao gồm thông tin về khả năng việc làm và lợi ích của việc học ngành để giúp thí sinh và gia đình hiểu rõ hơn.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp trong ngành để cung cấp cơ hội thực tập, việc làm, các chương trình hợp tác giáo dục để tăng cường kết nối giữa học thuật và thực tiễn.
Theo Báo Giáo dục Việt Nam