Khung hình thời gian
28/04/2017 14:44
CÓ MỘT LỚP 77C3
Năm 1977 Trường Đại học Bách khoa Đà nẵng tuyển sinh khóa 3, Khoa cơ khí tuyển 3 lớp Cơ khí trong đó có lớp Cơ khí Động lực - được đặt tên là lớp 77C3. Đây là lớp Cơ khí Động lực đầu tiên của Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng, nay đã là Khoa Cơ khí Giao thông. Ngành Động lực của trường đã phát triển nhanh trong giai đoạn đầu cả về số lượng và chất lượng. Giai đoạn sau ổn định về số lượng nhưng phát triển về quy mô cũng như chất lượng. Lớp có gần 60 sinh viên gồm các học sinh ưu tú của các trường Trung học Phổ thông Miền trung cùng với một số bộ đội quân Giải phóng Miền nam đã hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội được phục viên và bộ đội tại ngũ.
Cơ sở vật chất của trường cũng như cơ sở vật chất để đào tạo kỹ sư ngành động lực so với ngày nay thì ít người hình dung ra được sự thiếu thốn và trình độ công nghệ còn ở mức rất thấp so với khu vực và thế giới lúc bấy giờ. Nhưng nhà nước và nhân dân cũng đã dành sự ưu đãi nhiều cho lớp sinh viên này vì đây là sự đầu tư cho tương lai. Khu giảng đường và khu ký túc xá sinh viên rất tốt so với điều kiện của các trường trong nước lúc bây giờ, sinh viên được cấp học bổng 100%.
Nếp sống sinh hoạt của sinh viên thời ấy được hướng theo nếp sống quân đội nên có phần gò bó đối với đa sô sinh viên còn ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, các bạn sinh viên bây giờ không thể hình dung ra được, để duy trì nếp sống này nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra, nhưng không có ai phản ứng tiêu cực. Nhờ nếp sống này mà các thành viên trong lớp có nhiều chia sẻ, đoàn kết tốt mà thế hệ sinh viên ngày nay không có được.
Ngành động lực cũng như khoa cơ khí của trường lúc bấy giờ nặng về lý thuyết hàn lâm, sinh viên phải tiếp thu một khối lượng kiến thức hàn lâm rất lớn, nhưng không được chứng minh bằng thực nghiệm nên việc học của sinh viên gặp nhiều khó khăn, có những sự vật khi mô tả bằng lý thuyết mất nhiều trang sách mà sinh viên vẫn không hình dung được, nếu được trực quan thì vấn đề dễ hơn nhiều.
Học về cấu tạo máy nhưng nhiều chi tiết máy khi mô tả qua chữ viết và hình vẽ rất khó để hiểu, hình dung đúng sự vật là cả một thách thức mà kết cấu của một động cơ đốt trong hay một hệ thống chuyển động, hệ thống lái, hệ thống phanh ô tô rất phức tạp. Ngày nay sinh viên có đầy đủ mô hình cấu tạo cắt bổ dễ dàng quan sát mọi chi tiết. Mô hình nguyên lý hoạt động rất sinh động dễ hiểu.
Học về thiết kế các dụng cụ hỗ trợ để tính toán lúc đó phổ biến là sử dụng thước tính Liên Xô, cong vênh đến khổ sở, hiếm người có được thước tính Đức, nói về hình thức và độ chính xác thước tính Đức cao hơn thước tính liên xô nhiều, còn máy tính điện tử cầm tay là của hiếm. Vẽ hoàn toàn thủ công, bút chì và tẩy là thứ dụng cụ chủ công. Hiện nay công việc thiết kế đã có sự hỗ trợ của máy tính từ vẽ, tính toán đến viết thuyết minh nên việc kể chuyện xưa với sinh viên ngày nay thực sự là chuyện cổ tích.
Thực tập tay nghề cũng như thực tập tốt nghiệm cũng có thể nói là cưỡi ngựa xem hoa vì các xí nghiệp cơ khí động lực, xí nghiệp sửa chữa ô tô hầu hết đều nhỏ, chắp vá, thiếu đồng bộ. Nhưng điều kỳ diệu và cái kết có hậu cũng đã xẩy ra, sinh viên lớp 77C3 đã vượt qua khó khăn phát huy tối đa các thuận lợi có được để hoàn thành khóa học một cách tốt nhất, khi nhận bằng tốt nghiệp các thành viên lớp động lực đầu tiên của Trường Đại học bách khoa Đà Nẵng đã về nhận công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị đào tạo, xí nghiệp trên nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, họ nhanh chóng hoàn thiện năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp, lối sống văn minh, đi đầu mở đường, và làm nền tảng cho sự phát triển ngành động lực nước nhà trong gần bốn mươi năm qua.
Thay mặt toàn thể cựu sinh viên ngành động lực, một lần nữa xin cảm ơn quý thầy cô Bộ môn Động lực, khoa Cơ khí Giao thông, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã dày công vun đắp và bồi dưỡng kiến thức khoa học công nghệ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên ngành động lực; góp phần nhỏ vào công cuộc kiến thiết và hiện đại hóa đất nước.
TS. Đào Hữu Đoàn - LT
Hình ảnh kỷ niệm các khóa (chưa cập nhật đầy đủ):