Bộ môn Công nghệ Hóa học – Dầu & Khí
12/10/2020 10:48
Được thành lập từ năm 1994 với khóa tuyển sinh đầu tiên vào năm 1995, Bộ môn Công nghệ Hóa học - Dầu & Khí (CNHH-D&K) tự hào là bộ môn đầu tiên của trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đào tạo theo chương trình song ngữ Việt - Pháp. Trải qua 27 năm hình thành và phát triển, với đội ngũ giảng viên giàu năng lực, nhiệt huyết và được đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ, sau Tiến sĩ tại các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng của Pháp, Bỉ, Anh, Hàn Quốc (ENSPM, IFPEN, IRCE-CNRS, UdS, ULille, DAU…). Bộ môn ngày càng lớn mạnh đáp ứng tốt các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ nghiên cứu khoa học của Khoa, Trường trong lĩnh vực Công nghệ hóa học, Công nghệ chế biến dầu khí, Khai thác dầu khí, Năng lượng tái tạo và Vật liệu tiến tiến. Hiện tại, Bộ môn có 11 cán bộ tham gia công tác giảng dạy và phục vụ giảng dạy, trong đó có 3 Phó giáo sư, 5 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ, 2 Kỹ sư. Ngoài việc tham gia công tác chuyên môn tại bộ môn, các giảng viên của bộ môn CNHH-D&K còn đảm nhận các vai trò lãnh đạo, quản lý khác nhau. Đội ngũ nhân lực của Bộ môn được tóm tắt trong Bảng 1.
Bảng 1. Đội ngũ nhân lực
Đội ngũ giảng viên của bộ môn Công nghệ Hóa học - Dầu & Khí
Cùng với đội ngũ giảng viên phụ trách các học phần chuyên ngành, các giảng viên đảm nhận các học phần cơ cở ngành là những nhà giáo giàu kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và được đào tạo tiến sĩ ở các nước phát triển như Pháp, Đức, Séc, Bỉ…
Chương trình đào tạo
Bộ môn CNHH-D&K đã xây dựng một chương trình đào tạo (CTĐT) hiện đại, đáp ứng yêu cầu của thị trường việc làm trong lĩnh vực công nghệ hóa học, lĩnh vực dầu khí trong nước cũng như trong khu vực. Chương trình đào tạo đã được xây dựng trên cơ sở khung trình độ Quốc gia (Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016), các quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 268/QĐ-ĐHBK về quy định đào tạo đại học hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHBK - ĐHĐN), và trên cơ sở tham khảo khung CTĐT của một số trường đại học trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt CTĐT Kỹ sư Lọc - Hóa dầu và Chế biến Khí của Trường Đại học Quốc gia Dầu mỏ và Động cơ (ENSPM) thuộc Viện Dầu khí Pháp (IFP).
Năm 2018, ngành Công nghệ dầu khí và khai thác dầu (CNDK&KTD) của bộ môn CNHH-D&K là một trong những ngành đào tạo đầu tiên của Trường ĐHBK - ĐHĐN đã được kiểm định chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA).
Trong 2 thập niên gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự ra đời của nhiều nhà máy lọc dầu, hóa dầu, chế biến khí, các nhà máy sản xuất hóa chất và phân bón, cùng với sự lớn mạnh của nhiều công ty khai thác, thiết kế, kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí. Nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường công việc trong lĩnh vực công nghệ hóa học và dầu khí nói riêng và thị trường lao động trong nền công nghiệp dựa trên cuộc cách mạng 4.0 với xu hướng toàn cầu hóa nói chung, CTĐT của ngành CNDK&KTD thường xuyên được cập nhật các kiến thức mới nhằm trang bị cho sinh viên từ kiến thức cơ bản, cơ sở kỹ thuật đến kiến thức chuyên ngành chuyên sâu trong lĩnh vực Công nghệ hóa học, Công nghệ dầu khí, Khai thác dầu và Sản phẩm dầu mỏ, đồng thời đảm bảo được cơ hội học tập suốt đời cho người học sau khi tốt nghiệp.
Từ năm 2020, CTĐT của ngành CNDK&KTD được thiết kế theo hình thức tích hợp cử nhân – kỹ sư, với tổng số tín chỉ tích lũy tương ứng 130 và 180, đây là CTĐT được xây dựng dựa trên các CTĐT kỹ sư trước đây kết hợp với CTĐT được triển khai theo mô hình học qua dự án (Project Base Leaning: PBL). Chương trình tích hợp này sẽ giúp người học có nhiều lựa chọn hơn, cụ thể sinh viên có thể lựa chọn chương trình đại học với thời gian đào tạo 4 năm để nhận bằng cử nhân trình độ bậc 6 theo khung năng lực trình độ quốc gia, hay theo học chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù để nhận bằng Kỹ sư. Chương trình đào tạo cấp Bằng Kỹ sư được thiết kế đáp ứng các yêu cầu của trình độ bậc 7 (tương đương Thạc sỹ) theo khung năng lực trình độ quốc gia với thời gian đào tạo 5 năm. Cách thức tổ chức đào tạo được trình bày trên Hình 2.
Hình 2. Cách thức tổ chức đào tạo
Các dự án – PBL trong CTĐT được thiết kế nhằm giúp người học không những vận dụng kiến thức được trang bị ở các học phần khác nhau mà còn có khả năng tìm kiếm các kiến thức liên quan đến ngành học để giải quyết các vấn đề được đặt ra. Một số hình ảnh của lớp học PBL và hoạt động của bộ môn được thể hiện trên Hình 3.
Thực nghiệm tổng hợp các sản phẩm của dự án Hóa học ứng dụng (PBL1) và buổi bảo vệ
Buổi học do chuyên gia của UOP phụ trách
|
GV Bộ môn phỏng vấn trao học bổng UOP
|
GV Bộ môn tham quan nhà máy BSR
|
Cựu sinh viên tăng hoa nhân ngày nhà giáo VN
|
Hình 3. Một số hình ảnh tại lớp học theo dự án lớp và hoạt động của bộ môn
Tổng số tín chỉ của CTĐT được chia theo 6 khối, với số lượng tín chỉ của mỗi trình độ đào tạo tương ứng được thể hiện trong Bảng 2.
Bảng 2. Số tín chỉ của các khối kiến thức tương ứng với mỗi trình độ đào tạo
Cơ hội việc làm
Sự ra đời của nhiều nhà máy với quy mô lớn về chế biến dầu khí, lọc dầu, hóa dầu, sản xuất hóa chất và phân bón… cũng như sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí, các công ty thiết kế dầu khí và các dịch vụ đi cùng, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Với CTĐT của Bộ môn CNHH-D&K được thiết kế bảo đảm cho sinh viên các kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành sát thực tế yêu cầu của thị trường lao động, những kỹ sư tốt nghiệp tại Bộ môn có khả năng học sau đại học hay ứng tuyển vào nhiều lĩnh vực khác nhau của thị trường lao động như:
- Công ty Xăng Dầu Khu vực 5;
- Công ty xăng dầu (Petrolimex) tại các Tỉnh, Thành Phố;
- Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec);
- Nhà máy LPG Đà Nẵng;
- Công ty TNHH Nhựa đường Petrolimex, Nhà máy Nhựa đường Thọ Quang;
- Cơ quan quản lý Nhà Nước (Hải quan), Trung tâm kiểm định chất sản phẩm, hàng hóa (Quatest);
- Nhà máy lọc dầu (BSR, NSRP);
- Tổng công ty khí (PV-GAS), Nhà máy chế biến khí (Dinh Cố, Cà Mau, Nam Côn Sơn...);
- Nhà máy sản xuất hóa chất và phân bón (Đạm Phú Mỹ; Đạm Cà Mau…);
- Nhà máy Hóa dầu Long Sơn, Dự án Nhà máy Polypropylene Phú Mỹ;
- Công ty thiết kế dầu khí (PTSC-MC, PVE…);
- Công ty khai thác dầu khí (Vietsovpetro, PVEP, Cửu Long JOC, Phú Quốc POC…);
- Công ty kinh doanh dầu khí, hóa chất dầu khí (PVN, Petrolimex, Nalco, CT Dầu nhờn…);
- Giảng viên, Nghiên cứu viên tại các trường đại học, Viện nghiên cứu;
- Các tập đoàn đa quốc gia hoạt động trong lĩnh vực dầu khí…
Cho đến nay, Bộ môn CNHH-D&K đã đào tạo hơn 800 kỹ sư, nhiều cựu sinh viên của Bộ môn đang giữ các chức vụ chủ chốt tại các nhà máy Lọc Dầu Dung Quất, nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, nhà máy đạm Phú Mỹ, nhà máy đạm Cà Mau, nhà máy chế biến khí Dinh cố, các công ty thiết kế dầu khí như PTSC-M&C, PVE, Axens tại Pháp… Một số cựu sinh viên của Bộ môn cũng đã và đang gặt hái nhiều thành công trong vai trò quản lý điều hành công ty trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, thương mại do chính mình xây dựng nên.
Kết quả khảo sát việc làm sau 1 năm tốt nghiệp cho 3 khóa tốt nghiệp gần nhất thể hiện trên Bảng 2.
Bảng 2. Kết quả khảo sát việc làm sau 1 năm tốt nghiệp
|
Tình hình việc làm
|
Thu nhập bình quân
|
Khóa
|
Lớp
|
Sau 6 tháng
|
Sau 1 năm
|
5-8 triệu
|
>8 triệu
|
2013-2018
|
13H5
|
85%
|
97%
|
21%
|
79%
|
2014-2019
|
14H5
|
85%
|
100%
|
33%
|
67%
|
2015-2020
|
15H5
|
78%
|
97%
|
11%
|
89%
|
Cơ sở vật chất
Năm 2012, Bộ môn CNHH-D&K thuộc Khoa Hóa Trường ĐHBK - ĐHĐN đã được Bộ Giáo dục và đào tạo phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm (PTN) Công nghệ chế biến dầu khí, tổng kinh phí dự án hơn 58 tỷ đồng, với mục đích: “Xây dựng ngành công nghệ dầu khí và khai thác dầu trở thành một trong những ngành mũi nhọm có đội ngũ cán bộ mạnh về chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, có phòng thí nghiệp được trang bị hiện đại, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo nhiệm vụ đào tạo chuyên gia, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đáp ứng có hiệu quả những nhu cầu về phát triển công nghệ Lọc Hóa dầu cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước”. Các thiết bị trong dự án được đầu tư với định hướng cho nghiên cứu và giảng dạy theo các lĩnh vực lọc dầu, hóa dầu, vật liệu tiến tiến và xúc tác.
Hiện tại, sinh viên thuộc Bộ môn CNHH-D&K có thể thực hành và nghiên cứu trong 05 PTN, tổng diện tích trên 500 m2 với khá đầy đủ các trang thiết bị hiện đại. Một số hình ảnh thiết bị được trình bày trên Hình 4.
Bên cạnh các thiết bị chuyên ngành, sinh viên ngành CNDK&KTD còn được sử dụng 05 PTN tại Khoa Hóa (PTN Hóa đại cương, PTN Hóa hữu cơ, PTN Hóa lý, PTN Hóa phân tích và PTN Quá trình và thiết bị trong công nghệ hóa học) cho các học phần cơ cở ngành. Ngoài ra sinh viên cũng được sử dụng các cơ hạ tầng chung của trường như PTN vật lý, phòng thực hành tin học cũng như hệ thống Wifi được phủ sóng ở tất cả các khu vực của Nhà trường.
Hệ phân tích khí dầu mỏ - Agilent 7890B GC
|
Thiết bị phân tích dầu thô C4-C100 và DHA
|
Máy sắc ký khối phổ GCMS
ISQ – GC Trace1300
|
Đo hấp phụ vật lý - ASAP2020
|
SEM (JEOL JSM-6010PLUS)
|
XRD (RIGAKU)
|
Xác định hàm lượng lưu huỳnh - XRF
|
FT-IR Nicolet IS10
|
UV-VIS (Cary 60)
|
Hình 4. Hình ảnh một số thiết bị tại bộ môn CNHH-D&K – Khoa Hóa – Trường ĐHBK
Hợp tác đào tạo
Ngay từ ngày đầu được thành lập, với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy Lọc dầu đầu tiên của Việt Nam (Nhà máy lọc dầu Dung Quất - BSR), Bộ môn CNHH-D&K đã nhận được hỗ trợ và hợp tác với nhiều tổ chức và trường Đại học tại Cộng hòa Pháp như:
- Viện Dầu Mỏ - Cộng Hòa Pháp (IFP);
- Đại sứ quán Cộng Hòa Pháp tại Việt Nam;
- Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF);
- Các trường Đại học ở Pháp (Đại học Lille, Đại học Nam Toulon du Var, Đại học Strasbourg, Viện nghiên cứu xúc tác Lyon (IRC – Lyon))…
Với nhiều nổ lực trong hợp tác quốc tế của cán bộ, giảng viên của Bộ môn, nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được nhận học bổng theo học các chương trình đạo tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Cộng hòa Pháp và các quốc gia khác. Đến nay đã có hơn 64 sinh viên tốt nghiệp từ Bộ môn nhận được học bổng để theo học Thạc sĩ tại các trường đại học tại Pháp trong đó có đến 42 sinh viên đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Pháp và các nước phát triển khác.
Từ 2017, trên cơ sở đề xuất của Bộ môn, trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN đã ký kết văn bản hợp tác với công ty UOP Honeywell - Hoa Kỳ. Thông qua hợp tác này, hàng năm sinh viên suất xắc của Bộ môn có cơ hội giao lưu, học tập dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia của UOP Honeywell, nhận học bổng và 01 sinh viên suất sắc nhất sẽ có cơ hội trải nghiệm kỳ thực tập hè tại trụ sở công ty UOP Honeywell - Hoa Kỳ trong dịp hè.
Cùng với các hợp tác quốc tế, hợp tác trong nước cũng được Bộ môn chú trọng:
Từ năm 2014, Bộ môn CNHH-D&K là thành viên của Chi hội Dầu khí Quãng Ngãi;
Ký kết hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Chế biến Dầu khí (PVPro) - Viện Dầu khí Việt Nam, Công ty Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR);
Bộ môn CNHH-D&K cũng có quan hệ hợp tác tốt với nhiều Công ty, Nhà máy như: Tổng kho Xăng Dầu khu vực 5, Nhà máy Nhựa đường Thọ Quang Đà Nẵng, Nhà máy LPG Đà Nẵng, Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR), Nhà máy Chế biến Khí Dinh Cố, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cơ khí Hàng hải (PTSC M&C), Tổng Công ty Tư vấn thiết kế Dầu khí (PVE).
Những mối quan hệ hợp tác này đã giúp sinh viên trong quá trình đào tạo có cơ hội được tiếp cận thực tế, gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn sản xuất đồng thời có cơ hội phát triển bản thân ở lĩnh vực nghề nghiệp hay học thuật sau đại học.
Nghiên cứu khoa học
Ngoài công tác giảng dạy, công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ bắt buộc đối với các giảng viên. Tất cả các Giảng viên của Bộ môn đã có nhiều năm học tập, nghiên cứu tại các nước phát triển Pháp, Anh, Bỉ… và tích lũy được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Các hướng nghiên cứu đã và đang được các giảng viên bộ môn chú trọng:
Nghiên cứu ứng dụng xúc tác trong công nghệ hóa học;
-Ứng dụng vật liệu tiên tiến, vật liệu carbon nano trong công nghệ hóa học, công nghiệp dầu khí và xử lý môi trường;
-Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng nhiên liệu mới (nhiên liệu sinh học, hydrogen);
-Nghiên cứu mô phỏng các quá trình trong công nghiệp lọc hóa dầu và chế biến khí;
-Phát triển các mô hình nhiệt động học ứng dụng đối với các lưu chất phức tạp (dầu thô, nhiên liệu sinh học).
Sự nỗ lực của các giảng viên thuộc Bộ môn trong nghiên cứu được thể hiện qua các số liệu:
-05 bằng phát minh sáng chế;
-06 đề tài cấp nhà nước;
-10 đề tài cấp bộ;
-Hơn 25 đề tài cấp cơ sở;
-Hơn 10 đề tài khác;
-03 giải thưởng VIFOTEC;
-110 bài báo quốc tế uy tín;
-120 bài báo trên các tạp chí uy tín trong nước.
Nhiều kết quả nghiên cứu của giảng viên thuộc Bộ môn CNHH-D&K đã được công bố trên những tạp chí uy tín quốc tế với chỉ số ảnh hưởng IF cao như (Applied Catalysis B (IF=19.503), Applied Catalysis A (IF=5.706), Journal of Hazardous Materials (IF=10.599), Catalysis Today (IF=6.766), Journal of Catalysis (IF=7.920), Material Letter (IF=3.422), International Heat and Mass Transfer (IF=5.584), Fluid Phase Equilibria (IF=5.584), …).
Thay lời kết
Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, Bộ môn CNHH-D&K - Trường DHBK - ĐHĐN đã lớn mạnh hơn về mọi mặt, các phòng thí nghiệm đã được đầu tư xây dựng với nhiều trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng được công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng như giảng viên; đội ngũ giảng viên được đào tạo tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Anh … đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ngày càng đáp ứng tốt các yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ nghiên cứu khoa học của Khoa, Trường và xã hội trong lĩnh vực Công nghệ hóa học, Công nghệ chế biến dầu khí, Khai thác dầu khí, Năng lượng tái tạo và Vật liệu tiến tiến. Chương trình đào tạo ngành CNDK&KTD luôn được cập nhật nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động trong nước cũng như khu vực. Những thế hệ sinh viên tốt nghiệp từ Bộ môn đã có những thành công trên con đường nghề nghiệp và đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.