DHBK

Giới thiệu chung

06/04/2017 13:24

Tháng 10 năm 1975 trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được thành lập và tuyển khóa sinh viên đầu tiên, lúc đó chỉ có bốn khoa Cơ khí, Điện, Xây dựng và Kinh tế. Ngày 9 tháng 2 năm 1978 Bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp đã ký quyết định thành lập khoa Hóa thuộc trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (Quyết định số 219/QĐ-TC). Quyết định này đã đánh dấu sự ra đời, trưởng thành và phát triển của khoa Hóa ngày nay, khẳng định vai trò của cán bộ khoa học kỹ thuật các ngành Kỹ thuật hóa học, Công nghệ Hóa học – Dầu và Khí, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ sinh học ở miền Trung - Tây Nguyên trong công cuộc xây dựng đất nước, đưa đất nước ta tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ngay trong năm thành lập, khoa Hóa đã tuyển sinh khóa đầu tiên với 50 sinh viên (lớp 78H) gồm hai ngành Kỹ thuật Hóa học silicat và Công nghệ Thực phẩm.

Từ hai ngành đào tạo hệ chính qui ban đầu, ngày nay khoa Hóa đã mở rộng qui mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo, các ngành học mới lần lượt ra đời như Công nghệ Điện hóa (1987), Kỹ thuật Hóa học Polymer (1990), Công nghệ Dầu khí và Khai thác dầu (1994), Công nghệ Sinh học (2001), Công nghệ Sinh học - Chuyên ngành Y - Dược (2022). Ngoài đào tạo đại học, khoa Hóa hiện nay đang đào tạo cao học và nghiên cứu sinh các chuyên ngành Công nghệ thực phẩm và đồ uống, Kỹ thuật hóa học, Công nghệ sinh học. Việc đảm nhận tốt các chương trình đào tạo sau đại học đã chứng tỏ sự trưởng thành vượt bậc về nguồn nhân lực, năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên khoa Hóa.

Hơn 45 năm qua khoa Hóa đã đào tạo hơn 6000 kỹ sư, 460 thạc sĩ và tiến sĩ. Các kỹ sư ra trường đã và đang phát huy tốt khả năng của mình, làm tốt công tác nghiên cứu, sản xuất, quản lý, kinh doanh tại các cơ quan, doanh nghiệp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Nam cũng như trên cả nước. Kỹ sư do khoa đào tạo được các cơ quan, công ty đánh giá cao, có đủ năng lực tiếp cận công nghệ nước ngoài hiện đại nhất, chẳng hạn trong các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, lọc dầu, sinh học… Rất nhiều cựu sinh viên của khoa hiện nay đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các công ty, nhà máy, cơ quan quản lý, các trường đại học cao đẳng, viện nghiên cứu v.v…

Đội ngũ cán bộ giảng dạy lý thuyết và thực hành trong hơn 45 năm qua đã phát triển không ngừng. Từ một bộ môn nhỏ chỉ có 5 cán bộ giảng dạy có trình độ đại học, đến nay khoa Hóa có 48 cán bộ, trong đó có 10 Phó Giáo sư, 26 Tiến sĩ, 5 Thạc sĩ. Hầu hết các giảng viên được đào tạo tại các nước phát triển như Pháp, Đức, Ý, Cộng hòa Séc, Úc, Nhật, Đài Loan… Nhiều giảng viên từ khoa Hóa đã trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của trường Đại học Bách khoa và Đại học Đà Nẵng.

Hiện nay Khoa Hóa được chia thành 4 Bộ môn:

- Bộ môn Công nghệ hóa học và vật liệu

- Bộ môn Công nghệ hóa học – Dầu và khí

- Bộ môn Công nghệ thực phẩm

- Bộ môn Công nghệ sinh học

Các thầy cô trong khoa đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, áp dụng phương pháp học tập tích cực, viết đầy đủ giáo trình, sách tham khảo cho sinh viên. Chương trình đào tạo được thiết kế hiện đại, có đối sánh quốc tế, đáp ứng nhu cầu xã hội, có mục tiêu và chuẩn đầu ra cụ thể. Khoa cũng thường xuyên lấy ý kiến doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực do khoa đào tạo, gặp gỡ cựu sinh viên để có phản hồi về nội dung, chất lượng chương trình. Cán bộ trong khoa đã tích cực tham gia các đợt tập huấn về xây dựng chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng giáo dục do nhà trường phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện. Đặc biệt, ngành Công nghệ Dầu khí và Khai thác dầu đã hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA (ASEAN University Network-Quality Assessment) vào tháng 04 năm 2018, ngành Công nghệ Thực phẩm hoàn thành đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA vào tháng 11 năm 2020. Các chương trình đào tạo Ngành Kỹ thuật Hóa học và Công nghệ Sinh học được kiểm định AUN-QA vào năm 2023.

Những kỹ sư khi tốt nghiệp được trang bị không những kiến thức lý thuyết chuyên sâu, kỹ năng thực hành tốt mà còn có khả năng hợp tác, làm việc nhóm, tinh thần vượt khó, tinh thần doanh chủ và khả năng khởi nghiệp để phù hợp với sự hội nhập ngày càng cao của nền kinh tế Việt Nam vào môi trường khu vực ASEAN và quốc tế.

Với đặc điểm của ngành Hóa là khoa học thực nghiệm, với phương châm đào tạo lý thuyết gắn với thực hành, được sự hỗ trợ của trường Đại học Bách khoa và Đại học Đà Nẵng, khoa Hóa đã được trang bị ngày càng nhiều các phòng thí nghiệm hiện đại. Đến nay khoa đã có 10 phòng thí nghiệm chuyên ngành và 01 xưởng thực hành được trang bị nhiều thiết bị mới như các Phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Kỹ thuật Hóa học polymer và đặc biệt là Phòng thí nghiệm Công nghệ Dầu khí và Khai thác dầu thuộc dự án tăng cường năng lực nghiên cứu và đào tạo với tổng giá trị đầu tư khoảng 60 tỷ đồng.

Ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cán bộ trong khoa rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học và nhiều thầy cô được giải thưởng NCKH cấp Bộ, cấp thành phố. Nhiều đề tài cấp Nhà nước, Nafosted, cấp Bộ, cấp Thành phố, cấp Đại học Đà Nẵng, cấp cơ sở đã được nghiệm thu và đánh giá cao. Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong khoa, nhiều đề tài sinh viên được giải Vifotec, giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ kết quả của các đề tài nghiên cứu, nhiều bài báo khoa học đã được chọn đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế trong danh mục ISI, SCI, SCIE, SCOPUS.

Các hoạt động của Công đoàn và Liên chi đoàn khoa Hóa cũng là những điểm sáng trong nhà trường với nhiều hoạt động thiết thực như văn thể mỹ, vận động đóng góp quỹ tình thương, quỹ vì người nghèo, chương trình từ thiện ở các huyện miền núi Quảng Nam, tổ chức Lễ đón tân sinh viên, tổ chức Lễ 20-11 v.v…

Hơn 45 năm với biết bao thay đổi, từ những khó khăn rất lớn của buổi đầu thành lập, qua từng thời kỳ, cán bộ viên chức trong khoa đã nỗ lực, quyết tâm xây dựng khoa Hóa thành một trong những khoa có kết quả đào tạo tốt, có phong trào nghiên cứu khoa học và mạng lưới cựu sinh viên mạnh trong trường. Với những thành tích đạt được, khoa đã hai lần vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

BAN LÃNH ĐẠO KHOA HÓA QUA CÁC THỜI KỲ

1978-1980:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. PHẠM NGỌC ANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. LÊ THỨC

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. THÂN CƯU

1980-1985: 

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. PHẠM NGỌC ANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. LÊ THỨC

PHÓ TRƯỞNG KHOA: GS.TSKH.GVCC. LÊ VĂN HOÀNG

1985-1988:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. PHẠM NGỌC ANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. LIỂU ĐÌNH ĐỒNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS. NGUYỄN THỌ

1988-1990:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. PHẠM NGỌC ANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN THỌ

PHÓ TRƯỞNG KHOA: TS.GVC. NGUYỄN KÍNH

1990-1993:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. PHẠM NGỌC ANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN THỌ

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. PHẠM HỮU HÙNG

1993-1996:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. TRẦN THỊ XÔ

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. PHẠM HỮU HÙNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. TRẦN VĂN TIẾN

1996-2001:

TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. TRẦN VĂN TIẾN

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. LÊ THỊ LIÊN THANH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. TRẦN THẾ TRUYỀN

2001-2005:

TRƯỞNG KHOA: TS.GVC. PHẠM NGỌC THẠCH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. NGUYỄN THỊ HUYỀN

2005-2007:

TRƯỞNG KHOA: TS.GVC. PHẠM NGỌC THẠCH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. NGUYỄN THỊ HUYỀN

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN VĂN DŨNG

2007-2009:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN VĂN DŨNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: KS.GVC. NGUYỄN THỊ HUYỀN

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN ĐÌNH LÂM

2009-2010:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN VĂN DŨNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: GVC.ThS. PHAN THỊ BÍCH NGỌC

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN ĐÌNH LÂM

2010-2015:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN VĂN DŨNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS. TRƯƠNG THỊ MINH HẠNH

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. LÊ NGỌC TRUNG

2015-2020:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. NGUYỄN VĂN DŨNG

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. ĐĂNG MINH NHẬT

PHÓ TRƯỞNG KHOA: ThS.GVC. LÊ NGỌC TRUNG

2020-2025:

TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. ĐẶNG MINH NHẬT

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. ĐOÀN THỊ THU LOAN

PHÓ TRƯỞNG KHOA: TS.GVC. ĐẶNG KIM HOÀNG (2020-2022)

PHÓ TRƯỞNG KHOA: PGS.TS.GVCC. HỒ VIẾT THẮNG