DHBK

Ngành ô tô tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0!

28/05/2020 17:33

Ngày nay, ô tô đã ngày càng trở thành phương tiện đi lại phổ biến và không thể thiếu của nhiều người dân, vì vậy nhu cầu về nhân lực chất lượng cao cũng tăng vọt. Hiện nay, việc bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu, cải tiến công nghệ mới theo xu hướng thị trường đều đòi hỏi vai trò quan trọng của các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có kỹ thuật cao. Giữa thế giới ngành nghề đang ngày một đa dạng hơn, sức hút bền vững của ngành Ô tô và đam mê “làm chủ công nghệ” của người trẻ Việt là rất lớn.

Công nghệ AR và AI kết hợp trong xe ô tô tự lái (Sài Gòn Giải phóng)

Học ngành ô tô có gì thú vị?

Công nghệ sử dụng trên ô tô luôn được đánh giá rất cao do tính ứng dụng phổ biến trong mọi ngành công nghiệp, dịch vụ. Học ngành Ô tô, sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về cơ khí ô tô – máy động lực, hệ thống truyền động – lực, điều khiển, cơ cấu khí,… để có thể áp dụng những nguyên lý kỹ thuật cơ bản, kỹ năng thực hành ô tô cao.

Điều thú vị ở ngành học này là trên một chiếc ô tô có hàng trăm ngàn chi tiết máy được lắp ráp và khớp nối với nhau thành hoàn chỉnh. Quá trình chế tạo một chiếc ôtô phải trải qua nhiều công đoạn và không ít nhân lực. Tuy công việc khá vất vả và đòi hỏi tính tỉ mỉ cao, nhưng khi một chiếc ô tô được ra đời và vận hành thì chắc chắn bạn sẽ rất hãnh diện khi góp phần không nhỏ trong hành trình tạo ra nó.

Nhà máy THACO KIA

Tố chất phù hợp để học ngành Ô tô?

  • Đam mê khám phá và yêu thích ô tô
  • Thích kinh doanh, sáng tạo!

Học ngành Ô tô ở đâu?

Có thể nói ngày nay nền công nghiệp ngày càng phát triển, việc đi lại của con người cũng ngày càng nâng cao, trong đó ô tô là phương tiện thông dụng và được ưa chuộng khá nhiều, do đó ngành Công nghệ Ô tô hiện đang được đào tạo rất nhiều tại trường đại học, cao đẳng. Hiện nay đối với trình độ đại học, có thể kể ra một số trường đại học uy tín đào tạo ngành ô tô sau đây: Trường Đại Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng (ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí Động lực); Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp.HCM; Trường Đại học Giao thông vận tải Tp.HCM; Trường Đại học Công nghệ Tp.HCM; Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM;…

Điểm nổi bật của ngành Kỹ thuật Cơ khí - chuyên ngành Cơ khí Động lực tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng là gì?

Với đặc trưng của một trường đại học kỹ thuật với truyền thống 45 năm đào tạo, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng chú trọng các học phần thực hành và thực tập doanh nghiệp. Học phần thực hành được Trường bố trí ở các phòng thực hành cơ khí, phòng thực hành điện – điện tử, phòng thực hành ô tô. Trong học kỳ cuối, sinh viên thực tập ở doanh nghiệp trong 8 tuần, Khoa Cơ khí Giao thông – Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng thường xuyên liên kết với các doanh nghiệp ô tô như THACO, VINFAST tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên thực tập, nghiên cứu khoa học và làm đồ án tốt nghiệp tại các doanh nghiệp này.

Trong thời gian 3,5-4 năm, sinh viên được đào tạo để làm chủ:

      - Kiến thức cơ sở ngành và kiến thức chuyên ngành để phân tích và đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật trong lĩnh vực ô tô.

      - Kiến thức về tổ chức và quản lý trong điều hành sản xuất doanh nghiệp, lắp ráp, chế tạo, sửa chữa và khai thác ô tô.

Từ đó, sinh viên tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại: thiết lập quy trình kiểm tra, chẩn đoán, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô; tính toán, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo, lắp ráp; tư vấn về vận hành, khai thác, bảo trì các thiết bị động lực; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; quản lý và chỉ đạo sản xuất trong các doanh nghiệp ô tô, cơ khí.

Chương trình ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí Động lực đào tạo những gì?

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí Động lực được thực hiện trong 3,5-4 năm (8 học kỳ chính và 4 học kỳ hè). Học kỳ cuối cùng, sinh viên làm Khóa luận tốt nghiệp.

Chương trình bao gồm các học phần thuộc:

        + Khối kiến thức giáo dục đại cương như: các môn thuộc lĩnh vực chính trị, pháp luật, quản lý kinh tế, môi trường, phát luật và định hướng nghề nghiệp, toán, khoa học tự nhiên. Đây là các môn nền của chương trình.

          + Khối học phần ngoại ngữ.

          + Khối kiến thức cơ sở ngành, bao gồm các môn thuộc nhóm cơ khí, nhóm động lực và nhóm điện – tự động.

        + Khối kiến thức chuyên ngành, bao gồm các môn thuộc nhóm khung gầm ô tô, nhóm động lực ô tô, nhóm điện – điện tử – tự động ô tô.

           + Thực tập kỹ thuật, thực tập tốt nghiệp và đồ án tốt nghiệp.

Cơ hội việc làm với sinh viên học ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí Động lực?

         + Công việc ở các nhà máy sản xuất ô tô: Trưởng phòng kỹ thuật, Trưởng phòng sản xuât, Trưởng phòng kế hoạch và chiến lược, Trưởng phòng thiết kế,…

          + Công việc ở các trạm bảo dưỡng, sửa chữa: giám sát các nhân viên kỹ thuật, tiếp nhận khách hàng, trực tiếp sữa chữa, bảo trì, tư vấn khách hàng về kỹ thuật, dịch vụ bảo dưỡng,…

          + Công việc ở các trạm đăng kiểm: làm công tác quản lý, trực tiếp đóng vai trò đăng kiểm viên

          + Công việc giảng dạy kỹ thuật: do đặc thù của ngành, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia công tác giảng dạy kỹ thuật ở các trường dạy nghề, cao đẳng kỹ thuật, trợ giảng ở các trường đại học kỹ thuật, v.v… Sau khi học sau đại học thạc sĩ ô tô có thể giảng dạy ở các trường đại học kỹ thuật.

          + Công việc ở các lĩnh vực khác: dầu khí, trạm phát điện, máy công trình, tàu thủy,…

Nhu cầu thị trường, xu hướng việc làm với Kỹ sư Cơ khí Động lực?

Triển vọng nghề nghiệp của ngành Ô tô nói riêng và Cơ khí Động lực nói chung hiện nay là một điều tất yếu. Những kỹ sư được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng nói chung và Khoa Cơ khí Giao thông nói riêng được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn vững vàng luôn là mục tiêu săn đón của các doanh nghiệp.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngành công nghệ ô tô sẽ là đối tượng ứng dụng mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực từ công nghệ thiết kế, công nghệ sản xuất, đến dịch vụ giao thông vận tải, dịch vụ chăm sóc, sửa chữa sau bán hàng…

Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, trong thời kỳ này sẽ được ứng dụng mạnh mẽ các robot thông minh và các siêu máy tính để đưa ra các phép tính cho phép sản xuất, lắp ráp đạt độ chính xác cao và cho năng suất gấp nhiều lần con người. Trong các nhà máy gần như mọi thứ đều tự động và rất hiếm hoi thấy bóng dáng con người. Lúc này con người chỉ còn số ít ngồi ở văn phòng bấm nút mà thôi.

Để tra cứu về chương trình học tập, khối lượng kiến thức của khóa học mà bạn cần tích lũy và tra cứu các thông tin về học phần bạn có thể tham khảo tại đây.

Bao nhiêu điểm có thể trúng tuyển ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí Động lực tại Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng?

Chuyên ngành Cơ khí động lực đã được đào tạo tại Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng từ năm 1977. Với đội ngũ giảng viên hùng hậu và cơ sở vật chất hiện đại, Khoa Cơ khí Giao thông được Nhà trường giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm khoảng 200 chỉ tiêu. Năm 2020, ngành Kỹ thuật Cơ khí – chuyên ngành Cơ khí động lực tuyển sinh 180 chỉ tiêu, lớp truyền thống có 75 chỉ tiêu (điểm đầu vào năm 2018 là 19,75đ, năm 2017 là 22,25đ), lớp chất lượng cao có 105 chỉ tiêu (điểm đầu vào năm 2019 là 16,5đ, năm 2018 là 15đ).

Thông tin tuyển sinh chi tiết vui lòng truy cập vào đây