DHBK

Hội thảo các bên liên quan góp ý xây dựng Chương trình đào tạo ngành Cơ khí Hàng không

15/12/2019 05:07

Ngày 12/12/2019, khoa Cơ khí – Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các bên liên quan bao gồm: Nhà trường, Doanh nghiệp, Cựu sinh viên, Nghiên cứu sinh, Học viên Cao học, Sinh viên về việc xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí Hàng không. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch xây dựng đề án mở chuyên ngành Cơ khí Hàng không trình độ đại học, dự kiến sẽ tuyển sinh năm 2020 của Nhà trường.


Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của TS. Phan Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Hằng – Phó Trưởng phòng Đào tạo; PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí & Đảm bảo chất lượng giáo dục; TS. Nguyễn Văn Đông – Trưởng phòng CTSV; PGS.TS Lưu Đức Bình – Trưởng khoa Cơ khí; TS. Tào Quang Bảng – Phó Trưởng khoa, phụ trách CTĐT chuyên ngành Cơ khí Hàng không; các giảng viên của khoa Cơ khí, Cơ khí Giao thông, giảng viên các khoa tham gia chương trình đào tạo; đặc biệt là sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO), Công ty UAC Việt Nam, Công ty Quản lý bay miền Trung, Công ty TNHH Châu Đà,…. đang hoạt động trên lĩnh vực Cơ khí tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và sinh viên, cựu sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học của Khoa; 


TS Phan Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Phan Minh Đức– Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết Nhà trường nhận được phản ánh của các doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói riêng về nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao trong lĩnh vực Cơ khí. Vì vậy, Nhà trường dự kiến sẽ mở chuyên ngành Cơ khí Hàng không để đáp ứng nhân lực cho thị trường. Qua đây, Thầy đã cảm ơn và nhấn mạnh vai trò quan trọng của các bên liên quan trong công tác xây dựng chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo mới cần chú trọng đến chất lượng cho người học, đảm bảo đầu ra cho sinh viên và đặc biệt phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của xã hội.


TS. Tào Quang Bảng – Phụ trách CTĐT

Tiếp sau đó, TS. Tào Quang Bảng – Phụ trách CTĐT, đại diện cho nhóm soạn thảo cho biết mục tiêu của CTĐT CLC ngành Kỹ thuật Cơ khí, chuyên ngành Cơ khí Hàng không là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức chuyên môn vững chắc, kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, thái độ và tác phong làm việc chuyên nghiệp để đảm nhận những vị trí nghề nghiệp khác nhau trong lĩnh vực Cơ khí nói chung và Cơ khí Hàng không nói riêng; có khả năng giải quyết vấn đề, khả năng làm việc nhóm và kỹ năng giao tiếp tốt. Cụ thể, chương trình nhằm trang bị cho người học kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành để thiết kế, chế tạo, bảo dưỡng, vận hành và triển khai các hệ thống, thiết bị trong công tác chuyên môn; tiếp cận cũng như thích ứng tốt với những thay đổi không ngừng của công nghệ; khả năng làm việc độc lập và theo nhóm; khả năng tự học, tự nghiên cứu, thích ứng với những thay đổi của môi trường nghề nghiệp và xã hội; khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh trong môi trường đa ngành, đa văn hóa và đa quốc gia.

Theo dự kiến, Chương trình đào tạo sẽ bắt đầu tuyển sinh vào năm 2020 và mỗi năm chỉ tuyển sinh từ 30-40 sinh viên, thời gian đào tạo trong vòng 4 năm với 120 tín chỉ.  Sinh viên được học tập trong môi trường được trang bị hiện đại, 100% các học phần lý thuyết được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên có học hàm, học vị là PGS, TS, ThS-GVC. Ngoài ra còn mời thêm GS từ các trường đại học đối tác và các chuyên gia từ doanh nghiệp làm thỉnh giảng.


TS. Phan Minh Đức – Phó Hiệu trưởng Nhà trường trao đổi cùng ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO)

Tại Hội thảo ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật Máy bay (VAECO)  đã có những ý kiến thiết thực về phân bổ học phần trong chương trình đào tạo và ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị tiếng Anh cho sinh viên để có thể đọc hiểu tài liệu chuyên ngành và ông hứa sẽ cung cấp tài liệu cho Khoa để sinh viên có thể học tập và nghiên cứu. 


Bà Nguyễn Thị Thu Sương – Phụ trách Đào tạo, Công ty UAC Việt Nam

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Sương – Phụ trách Đào tạo, Công ty UAC Việt Nam cho   biết chắc chắn kỹ sư ra trường từ chuyên ngành này sẽ rất dễ tìm được việc tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia. Vì vậy, ngoài các kiến thức chuyên ngành thì nhà trường nên chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Tất cả các quy trình trong các công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia đều được đào tạo thêm các kiến thức phù hợp với công ty họ nên khả năng thể hiện kiến thức, trình độ bản thân bằng tiếng Anh là cần thiết.  Bà cũng cho biết nhân sự có trình độ tiếng Anh có cơ hội thăng tiến lớn hơn,  có lương cao gấp 1,5 lần so với nhân sự không có  trình độ tiếng Anh, mặc dù nhân sự đó có trình độ chuyên ngành tốt hơn, kinh nghiệm làm việc nhiều hơn.


PGS.TS Lưu Đức Bình – Trưởng khoa Cơ khí 

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã ghi nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan về nội dung CTĐT. Thay mặt tổ soạn thảo, PGS.TS Lưu Đức Bình – Trưởng khoa Cơ khí đã giải trình cũng như tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bên liên quan về những nội dung trong CTĐT góp phần hoàn thiện đề án mở chuyên ngành Cơ khí Hàng không.

Một số hình ảnh khác:

 

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN.