DHBK

Cơ hội thực tập và làm việc tại Nhật Bản của sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ khí – Chuyên ngành Cơ khí Động lực

04/06/2020 14:52

         Kỹ thuật Cơ khí - chuyên ngành Cơ khí Động lực là ngành học tích hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực: ngoài kiến thức cơ bản và cơ sở ngành, sinh viên được trang bị về lĩnh vực cơ khí, tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ thông tin, mô hình hóa, công nghệ chế tạo máy, chuyên về khai thác, sử dụng và quản lý dịch vụ kỹ thuật ô tô như điều hành sản xuất phụ tùng, lắp ráp, sửa chữa, cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng.

Đặc trưng ngành Kỹ thuật Cơ khí - chuyên ngành Cơ khí Động lực tại Khoa Cơ khí Giao Thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

Ngành Kỹ thuật Cơ khí - chuyên ngành Cơ khí Động lực là một trong những ngành học có truyền thống lâu đời nhất của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (DUT). Đặc trưng của ngành:

- Bắt đầu đào tạo ngành rộng từ năm 1975 và chính thức đào tạo kỹ sư chuyên ngành Động lực từ năm 1977;

- Là một trong ba trường đại học của Việt Nam có đào tạo đại học (kỹ sư), thạc sĩ và tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí Động lực;

- Có đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên có trình độ cao (2GS, 2 PGS, 10 TS) được đào tạo từ các nước tiên tiến: Pháp, Áo, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hiện đại, chương trình đào tạo tiên tiến (tham khảo từ các đại học Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Việt Nam và doanh nghiệp sản xuất ô tô);

- Đặc trưng của sinh viên tốt nghiệp ngành Cơ khí Ô tô tại DUT là kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành vững vàng, giỏi thực hành, nên thích ứng nhanh với thực tế sản xuất và dễ dàng nghiên cứu phát triển và tiếp cận kỹ thuật mới trong quá trình làm việc;

- Cựu sinh viên của ngành Động lực DUT đang làm việc ở hầu hết các Tỉnh/Thành trong cả nước, giữ những vị trí chủ chốt hay kỹ sư tại các Tổng công ty, Công ty, doanh nghiệp sản xuất hay kinh doanh, khai thác, bảo hiểm có liên quan đến ô tô, máy nông nghiệp ở Việt Nam cũng như thành công trong các dự án khởi nghiệp;

- Sinh viên tốt nghiệp sẽ có những kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu đối với lĩnh vực công nghệ ô tô hiện đại: tính toán, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo, mô hình hóa (simulation), lắp ráp; tư vấn về vận hành, khai thác, bảo trì các thiết bị động lực; thiết lập quy trình kiểm tra, chẩn đoán, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô; nghiên cứu và tiếp nhận chuyển giao công nghệ; quản lý và chỉ đạo sản xuất trong các doanh nghiệp ô tô, máy nông nghiệp, cơ khí, kỹ năng mềm.

Cơ hội việc làm với sinh viên ngành Cơ khí Động lực

- Học lên Thạc sĩ, Tiến sĩ để trở thành giảng viên các trường Cao đẳng, Đại học hay nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu, tập đoàn sản xuất ô tô;

- Kỹ sư ở các tập đoàn, công ty nghiên cứu, thiết kế sản xuất ô tô: Trưởng phòng kỹ thuật, Trưởng phòng sản xuất, Trưởng phòng kế hoạch và chiến lược, Trưởng phòng thiết kế, kỹ thuật viên, kỹ sư trưởng…

- Đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa, gara ô tô: giám sát các nhân viên kỹ thuật, tiếp nhận khách hàng, trực tiếp sửa chữa, bảo trì, tư vấn khách hàng, dịch vụ bảo dưỡng,…

- Đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ: quản lý, đăng kiểm viên.

- Lĩnh vực khác: bảo hiểm, dầu khí, trạm phát điện, máy công trình, tàu thủy,…

- Doanh nghiệp liên quan đến ô tô tại Nhật Bản, Hàn Quốc….

- Khởi nghiệp và tạo thành nhóm dự án khởi nghiệp.

Sinh viên có thể chọn học ngoại ngữ bằng tiếng Anh hay tiếng Nhật. Nếu học tiếng Nhật thì trong thời gian học đại học sẽ đi thực tập tại Nhật Bản và khi tốt nghiệp có thể làm tại Nhật Bản với mức lương như sinh viên Nhật vừa tốt nghiêp.

 

(Tác giả: GS. TS. Trần Văn Nam, Giảng viên Khoa Cơ khí Giao thông)