DHBK

Những "Kỷ lục" Singapore (Phần 1: Nhà ở)

06/01/2018 14:13

housing-singapore (Copy)

Nhân truyền thông đang trưng rất nhiều kỷ lục mới vừa được và sẽ được lập tại Việt Nam về quy mô các loại tượng đài và tháp tôi thử tìm hiểu xem đảo quốc Singapore, quốc gia bé nhỏ có dân số bằng 5%, diện tích bằng 2% nhưng có tổng sản phẩm quốc nội gấp 1,7 lần và thu nhập đầu người gấp 27 lần Việt Nam, đã đạt được những kỷ lục gì.  Tuy không có tượng đài nào lớn (bức nổi tiếng nhất là tượng ông Stamford Raffles, người lập ra thành phố Singapore, có kích thước chỉ bằng người thật) và tháp nào quá cao (do có tới 5 sân bay hoạt động trong Singpore), sau 50 lập quốc, chính phủ Singapore đã đầu tư vào nhiều công trình chiến lược, tuy có thể không hoành tráng nhất nhưng đã giúp thành phố này lập nhiều ‘kỷ lục’:

1. Tỷ lệ người dân sở hữu nhà ở cao nhất: Hơn 90% người dân Singapore được sống trong ngôi nhà do mình sở hữu, một tỷ lệ cao thứ ba thế giới và vượt xa các quốc gia có cùng trình độ phát triển khác. Tỷ lệ này đạt được là do vai trò của chính phủ Singapore, thông qua Ban Phát triển nhà ở (Housing Development Board – HDB), đã cung cấp nhà ở chất lượng cao cho hơn 80% người dân với mức giá thấp hơn nhiều giá thị trường để đảm bảo rằng hầu hết các cặp vợ chồng trẻ ở Singapore sau khi lập gia đình đều có thể sở hữu ngôi nhà riêng cho mình. Theo thống kể của HDB (2009), tiền trả góp để mua nhà chỉ chiếm 21% thu nhập hàng tháng của các hộ gia đình. Tỷ lệ sở hữu nhà ở nhóm 20% nghèo nhất là 87% theo Cục Thống Kê Singapore (2005).

Singapore có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Nguồn: Tan et al 2009
Singapore có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất trong số các quốc gia phát triển. Nguồn: Tan et al 2009

image_61 (Copy)

Cốt lõi của chương trình nhà ở này là giúp cho người dân, cả những người nghèo nhất, sở hữu thay vì thuê nhà của nhà nước như tại nhiều quốc gia khác để họ có một khoản đầu tư lớn tăng giá trị theo sự phát triển của Singapore thay vì đứng ngoài cuộc. Sâu sa hơn, chương trình nhà ở thực sự biến Singapore trở thành ‘nhà’ cho những người nhập cư để họ trở thành những công dân có trách nhiệm đối với một nước Singapore non trẻ và nhỏ bé.

slide1 (Copy)
Các giai đoạn phát triển nhà ở HDB tại Singapore. Nguồn: CPG Consultants

Các khu nhà HDB còn giúp nhà nước đạt được mục tiêu tích hợp xã hội và thực hiện quy hoạch chung bằng cắch đảm bảo một tỷ lệ cư dân từ các nhóm sắc tộc (Hoa, Mã Lai, Ấn Độ), kiểm soát và điều tiết phát triển theo kế hoạch của chính phủ cũng như tạo thành các cụm dân cư mật độ cao xung quanh các hành lang giao thông đã được xây dựng.

Các khu nhà ở HDB được phát triển dọc theo các hành lang giao thông công cộng (màu đỏ) đã được quy hoạch từ trước để cư dân (vốn thuộc nhóm có thu nhập thấp hơn trong xã hội) có để tiếp cận dịch vụ và việc làm dễ dàng.

Các khu nhà ở HDB được phát triển dọc theo các hành lang giao thông công cộng (màu đỏ) đã được quy hoạch từ trước để cư dân (vốn thuộc nhóm có thu nhập thấp hơn trong xã hội) có để tiếp cận dịch vụ và việc làm dễ dàng.

Một bài học quan trọng trong phát triển nhà ở tại Singapore là chỉ xây nhà cho người dân là không đủ, quan trọng hơn là cung cấp kế sinh nhai và dịch vụ xã hội cho họ. Do đó trong các khu HDB đều có xen kẽ đất công nghiệp nhẹ/văn phòng doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm đồng thời giảm nhau cầu di chuyển xuyên thành phố (khái niệm này trong quy hoạch gọi là ‘job – housing balance’). Ngoài những dịch vụ xã hội cơ bản như trường học, nhà trẻ, y tế, công viên, chính quyền Singapore còn bố trí chợ ướt và các khu ăn uống bình dân (hawker center) trong lòng khu ở nhằm cung cấp thực phẩm giá rẻ cho người, tạo điều kiện làm ăn cho các hộ kinh doanh nhỏ và phần nào tiếp tục hỗ trợ một lối sống quần cư, những không gian công cộng sôi động và đề cao tính cộng đồng truyền thống Á Châu – những nhân tố mà nhiều khu đô thị mới tại các nước phát triển và đang phát triển khác thiếu vắng. Các khu ăn uống bình dân này là giải pháp thay thế cho các gánh hàng rong mà chính phủ Singapore giải tán vào thời kỳ đầu của phát triển đất nước. Mặc dù đây vẫn còn là một thảo luận dài hơn về tính công bằng (đối với người bán hàng rong) và sự mất đi ‘bản sắc châu Á’ trên đường phố do sự biến mất của những gánh hàng rong, chắc chắn là chính phủ Singapore đã thành công trong việc đưa ra giải pháp thay thế cho cả người bán và người mua và giúp đảm bảo đời sống cho cả hai bên.

biz-industry-landuse (Copy)

Bản quy hoạch chiến lược năm 2001 (điều chỉnh 10 năm/lần với mục tiêu xác định chương trình phát triển dài hạn từ 30-50 năm) cho thấy đất công nghiệp/doanh nghiệp (màu tím) và đất thương mại được phân phối đều khắp Singapore để mang việc làm đến gần người dân hơn. Tuy nhiên, công nghiệp nặng sẽ được tập trung ở phía Tây Nam (riêng công nghiệp lọc dầu và hóa chất thì tập trung trên các đảo để tránh rủi ro cháy nổ) và trung tâm tài chính tập trung ở xung quanh vịnh Marina tại trung tâm thành phố. Nguồn: URA

amenities (Copy)

Đồ họa của URA,cơ quan quy hoạch quốc gia Singapore, thể hiện mô hình của các khu nhà HDB: dịch vụ và tiện ích có chi phí thấp như chợ ướt và các khu ăn uống bình dân (hawker center) tạo nên lõi dịch vụ của khu ở bên cạnh trường học, nhà trẻ, trung tâm cộng đồng và khu thể thao. Nguồn: URA

newton-imgp4291 (Copy)
Newton Hawker Center, một trong những điểm ăn uống lâu đời và nổi tiếng tại Singapore

Các phần tiếp theo:

2. Cảng lớn nhất thế giới

3. Sân bay tốt nhất thế giới

4. Môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới

5. Đại học tốt nhất châu Á

6. Chính phủ trong sạch nhất

(Theo dothivietnam)