DHBK

Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách của nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN giành giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017

12/01/2018 19:58

Giải Nhất cuộc thi ASU/AWS EduHackathon 2017 do trường Đại học bang Arizona (ASU), Liên minh BUILD-IT, và Amazon Web Services (AWS) phối hợp tổ chức đã được trao cho đội Curiosito đến từ trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, với sản phẩm “Máy hỗ trợ người khiếm thị đọc sách”, trong cuộc thi tài chung kết ngày 10/1/2018 vừa qua.

Đội Curiosito gồm 5 thành viên (Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Khánh Trình, Nguyễn Thiên Phước, Tạ Sinh Phúc và Bùi Lê Đạt) lớp 14TDHCLC - Khoa Điện, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng và đồng thời 5 thành viên này cũng thuộc CLB NCKH Emaker đã chế tạo được một thiết bị “FingerReader” có thể hỗ trợ những người khiếm thị đọc được các loại sách bình thường. Chiếc máy có kích thước tương đương một bao thuốc lá, với một vòng tròn nhỏ gắn vào ngón tay người dùng. Người khiếm thị sẽ sử dụng ngón tay này rà từng dòng chữ trên sách và máy sẽ đọc nội dung ngón tay lướt qua.


Hình ảnh thực tế của thiết bị hỗ trợ người khiếm thị đọc sách

Sinh viên Nguyễn Thái Hoàng - đại diện Đội Curiosito cho biết “Chiếc máy được xây dựng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây của AWS, với phần cứng là chiếc máy tính nhúng Raspberry Pi 3 nhỏ gọn và một camera nhỏ gắn ở đầu ngón tay người dùng sẽ chụp lại các ký tự có trong trang sách, sau đó chuyển qua định dạng thích hợp và gửi lên Amazon Web Services để xử lý. Sau khi xử lý xong, AWS sẽ cho về thông tin dưới dạng audio chính là các ký tự trong sách và lúc này Raspberry Pi sẽ xuất âm thanh ra loa hoặc tai nghe đến người sử dụng”

Với cách làm này, người khiếm thị có thể đọc được mọi loại sách trên thị trường mà không bị giới hạn bởi sách chữ nổi dành riêng cho họ.

Đại diện nhóm Curiosito cũng chia sẻ thêm “Trong tương lai sẽ phát triển thêm nhiều ứng dụng rộng rãi hơn cho thiết bị như có thể nhận diện được các đồ vật trong siêu thị giúp người khiến thị biết được mình cần mua gì mà không cần sự giúp đỡ của người khác hoặc có thể dịch từ ngôn ngữ khác qua tiếng Việt để mọi người có thể đọc được sách nước ngoài hay hỗ trợ trẻ em học tiếng Anh v.v...Giá thành sản phẩm vào khoảng 100USD, và sẽ được giảm giá hơn nữa nếu giải pháp này triển khai trên thiết bị nhỏ hơn để giảm giá thành và thuận tiện cho người dùng sử dụng”


Đội Curiosito đến từ trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng giành giải nhất cuộc thi ASU/AWS EduHack 2017

TS Nguyễn Thị Thanh Phượng - Giám đốc quốc gia, trường Đại học bang Arizona tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng về tiềm năng của sinh viên Việt Nam mình: học các khái niệm và công nghệ hiện nay rất nhanh và có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống. Kỹ năng về IT cũng được xác định là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong thời kỳ sắp tới và các em ở đây đã thể hiện khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ của mình. Mặc dù bây giờ các ý tưởng, giải pháp của các em mới chỉ là ở dạng mô hình hay prototype thôi nhưng với sự tiếp tục hỗ trợ của Amazon Web Serices cũng như của chương trình thì chắc chắn các bạn sẽ có cơ hội để phát triển những ý tưởng ra thành sản phẩm, rồi kiểm tra, đánh giá để có thể hoàn thiện nó vào phục vụ trong cuộc sống”

Cuộc thi ASU/AWS EduHack 2017 được khởi động từ tháng 10/2017 với chủ đề tập trung giải quyết các vấn đề hiện tại của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới thông qua công nghệ, bao gồm 4 lĩnh vực chính: chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, môi trường, và chính phủ điện tử. Hợp tác với ASU năm nay, Amazon Web Services, đã hỗ trợ cho cuộc thi với những khoá đào tạo Technical Essential Day cho các đội dự thi, các buổi tư vấn hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến và hỗ trợ tài khoản AWS để các đội thi sử dụng công nghệ, dịch vụ của AWS cho phát triển ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, các đội dự thi cũng được miễn phí sử dụng Không gian sáng tạo (MakerSpace) của ASU tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, các hỗ trợ phần cứng khác để xây dựng, phát triển giải pháp dự thi từ ý tưởng ban đầu.

Cuộc thi đã thu hút 17 đội tham gia - gồm 68 thí sinh từ các trường đại học kỹ thuật trong dự án BUILD-IT (xây dựng Liên minh trường Đại học và Doanh nghiệp thông qua Sáng tạo và Đổi mới Công nghệ) tại Việt Nam. Đây là dự án mang sứ mệnh đổi mới giáo dục đại học và cao đẳng Việt Nam được triển khai từ năm 2015 và sẽ kéo dài đến năm 2020 do trường đại học bang Arizona Mỹ triển khai, với sự tài trợ trị giá 10.8 triệu USD từ Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và các khoản đầu tư từ hơn 20 doanh nghiệp đối tác.

Tin bài: Trung tâm Học liệu và truyền thông, trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN

Hiền Mai- VnMedia

Xem thêm: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/May-ho-tro-nguoi-khiem-thi-doc-sach-cua-sinh-vien-Viet-vang-danh-tren-dat-My-post183036.gd