DHBK

Nữ sinh Trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN xuất sắc giành giải quán quân và á quân cuộc thi WEPICS 2017

27/06/2017 13:54

Nhóm sinh viên nữ Trường Đại học (ĐH) Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã xuất sắc giành chiến thắng cao nhất tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ Nữ với các Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng năm 2016-2017 (Women Engineering Projects In Community Service - WEPICS)” diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 24/6 với sự có mặt của 8 đội tuyển đã vượt qua các vòng sơ khảo và bán kết. Đà Nẵng cũng là nơi đầu tiên của Việt Nam được chọn để tổ chức vòng chung kết WEPICS lần đầu tiên được phát động.


Đại diện Nhóm RSL trình bày đề tài “Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và phân vi sinh”.

WEPICS là cuộc thi do Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ - USAID tài trợ, và được đồng tổ chức bởi ĐH Bang Arizona (Hoa Kỳ), Fablab Đà Nẵng, ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng và Evergreen Labs. WEPICS 2017 đóng vai trò là động lực phát triển cho phái đẹp trong lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) thông qua các dự án và hướng đến khởi nghiệp.

Các bạn Nữ sinh viên đam mê sáng tạo của ĐH Bách khoa cũng là những người giành áp đảo về số lượng các ý tưởng, đề tài có mặt ở vòng chung khảo: “Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và phân vi sinh” (Nhóm RSL – Reuse for sustainable living) ; “Sử dụng khí Biogas hiệu quả ở vùng nông thôn” (Nhóm Biogas);  “Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị” (Nhóm Starlight); “Thu hoạch giá thể nấm linh chi đã qua sử dụng ở các trại nấm để trồng nấm rơm” (Nhóm Green Agriculture); “Bộ dụng cụ học toán cho người khiếm thị” (Nhóm A.T); “Sản xuất Giấy xanh từ rác thải” (Nhóm Giấy Xanh).


Nhóm Starlight (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) xuất sắc giành giải Nhất WEPICS 2017.

ĐH Sư phạm và Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh có 2 đề tài: “Băng sinh học phủ nano bạc” (Nhóm Quicksilver) và “Ứng dụng công nghệ xử lý ảnh để xác định tốc độ xe tham gia giao thông” (Nhóm IS-UTE); “Robot Gia sư thông minh cho trẻ em” (Nhóm Cactus).

Nhóm LOG Team của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn-Đà Nẵng mang đến ý tưởng “Hệ thống cấp phát thuốc tự động” và  Nhóm DCT-SMART WRISTBAND – Trường CĐ Công nghệ, ĐH Đà Nẵng với “Thiết bị hỗ trợ chăm sóc trẻ tự kỷ”.

Đặc biệt, Nhóm Cyber bao gồm các thành viên 3 Trường là ĐH Bách khoa, CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng và ĐH Duy Tân đã giới thiệu mô hình “Thùng rác công cộng thông minh”.

Ở vòng chung kết, các đội thi một lần nữa trình bày về ý tưởng của mình trên mẫu thực tế mà các đội đã tự phát triển trong thời gian qua và trả lời các câu hỏi phản biện từ Ban Giám khảo trong thời gian 20 phút. Bên cạnh các tiêu chí được chấm điểm xuyên suốt từ các vòng thi trước bao gồm tính độc đáo, tính sáng tạo, tính khả thi, tác động xã hội, tính nguyên mẫu và phản hồi từ cộng đồng; tại vòng chung khảo, Ban Tổ chức và Ban Giám khảo còn đưa ra yêu cầu phải “nhấn mạnh hơn mức độ khả thi về kỹ thuật, tính kinh tế cũng như sự hoàn thiện của mẫu thử”.

Đây là một yêu cầu khắt khe và nghiêm túc, nhưng lại định hướng rõ rệt: Sản phẩm phải vươn ra được thị trường, đi vào phục vụ đời sống.

Kết quả chung cuộc, Ý tưởng “Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị” của nhóm Starlight đã xuất sắc giành giải Nhất với phần thưởng gồm 1.000 USD và gói khởi nghiệp trị giá 500 USD. Ý tưởng “Tái sử dụng bông thải để trồng nấm và phân vi sinh” của nhóm RSL đã giành Giải Nhì, phần thưởng là 500 USD tiền mặt, gói khởi nghiệp trị giá 250 USD.

Chung tay tạo điều kiện, tạo động lực để Phụ nữ Việt Nam tạo dấu ấn qua sáng tạo và khởi nghiệp

Chính thức được khởi động vào tháng 01/2017, Cuộc thi Phụ Nữ với các Dự án Kỹ thuật phục vụ cộng đồng đã thu hút 49 đội đăng ký trên cả nước, gồm các nhóm giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, với những ý tưởng dự án kỹ thuật nhằm giúp giải quyết các vấn đề thực tế mà cộng đồng địa phương đang đối mặt.

WEPICS 2017 cũng tiếp nối hội thảo “Women in STEM” diễn ra vào tháng 8/2016 tại Đà Nẵng, và sứ mệnh chung cho cả 2 sự kiện là “tạo cơ hội tốt nhất, thực tế nhất cho Phụ nữ thực hiện đam mê nghiên cứu, xây dựng mạng lưới và các mối quan hệ, sáng tạo và triển khai dự án, thực hiện những công trình, đề tài giúp đỡ thiết thực cho cộng đồng.


Giải Nhì cuộc thi được trao cho Nhóm RSL.

Được biết, WEPICS là một trong những dự án theo đuổi xu hướng WiSTEM mà cụ thể là “Phụ nữ trong lĩnh vực STEM” nhằm mục tiêu phát triển cân bằng về giới tính trong các lĩnh vực này.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia quốc tế, vai trò của phụ nữ chưa được nhấn mạnh trong các lĩnh vực kể trên. Trong bối cảnh đó, WEPICS được tổ chức với mục tiêu nuôi dưỡng tinh thần đổi mới và làm chủ doanh nghiệp để hỗ trợ sự phát triển bền vững của cộng đồng địa phương dành cho đối tượng là các nữ sinh viên, kỹ sư, nhà khởi nghiệp, cũng như nhà nghiên cứu nữ làm việc trong lĩnh vực STEM.

Chia sẻ suy nghĩ của mình tại vòng chung kết cuộc thi, đại diện Ban Giám khảo, Ban Tổ chức và Nhà tài trợ gồm có ông Jeffrey Goss – Phó Hiệu trưởng, Giám đốc điều hành chương trình Đông Nam Á, ĐH Bang Arizona; GS.TS Lê Kim Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN; bà Trần Lê Yên Định – Giám đốc phụ trách Giáo dục Microsoft Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Lê Hùng – Phó Trưởng ban, Ban Khoa học Công nghệ & Môi trường, ĐH Đà Nẵng đều có chung nhìn nhận: Trong lĩnh vực STEM, phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đồng thời, cũng đóng góp, như chia sẻ về giải pháp, sự cộng đồng trách nhiệm của nhiều giới, nhiều cấp để nâng cao phong trào và niềm đam mê hướng đến lĩnh vực STEM ở Việt Nam đối phụ nữ trong giai đoạn hiện nay, cũng như những đối tượng ít cơ hội khác.

“Mục tiêu cuối cùng mà WEPICS hướng đến là nhằm thúc đẩy mỗi người khám phá, tìm ra cách cùng nhau làm việc và kết nối. Thông qua làm việc nhóm, sẽ giảm tình trạng cô lập ý tưởng, và trong tương lai, mỗi người sẽ biết cách phối hợp tốt hơn, vượt ra khỏi môi trường lớp học truyền thống để đến với nơi mà mọi sự thay đổi là có thể xảy ra bất cứ lúc nào” -  ông Ezra Simon, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, nhấn mạnh.

Bên lề của cuộc thi, Ban Tổ chức đã tổ chức chuyến đi thực tế cho 28 thí sinh đến từ 18 đội chơi tham quan các địa điểm Âu thuyền Thọ Quang, Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, làng Quang Châu, chùa Quang Châu và vườn rau hữu cơ Túy Loan, nhằm tạo cảm hứng để các đội phát triển ý tưởng giải pháp cho các vấn đề đáng quan tâm trong cộng đồng.

Cuộc thi WEPICS lần đầu tiên được phát động và đã thu hút nhiều ý tưởng sáng tạo tham dự. Đặc biệt, tại vòng chung kết đã có 1 nhóm học sinh đến từ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tham gia (ảnh trên). Mặc dù còn những điểm hạn chế, nhưng ý tưởng này được Ban Giám khảo đánh giá cao, được khuyến khích tiếp tục phát triển ý tưởng.

Trần Thanh Nhã