Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Chất lượng cao)
12/04/2018 04:31
Kỹ sư Xây dựng công trình giao thông tốt nghiệp từ trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN có thể làm công tác kỹ thuật, quản lý chất lượng tại các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực cầu, hầm, đường giao thông, sân bay, xây dựng cơ sở hạ tầng; Tư vấn, thiết kế tại các Công ty tư vấn thiết kế thuộc ngành giao thông vận tải, Quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng; Làm việc ở các cơ quan quản lý liên quan đến Dự án xây dựng cầu đường; Thi công các công trình cầu, cống, đường, hầm giao thông; Nghiên cứu, giảng dạy các lĩnh vực về Cơ sở và chuyên ngành Cầu đường (Cơ học đất, Nền móng, Sức bền vật liệu, Cơ học kết cấu, Kết cấu bê tông, Thiết kế cầu, Thiết kế đường, Xây dựng cầu, Xây dựng đường, Tin học ứng dụng) ở các viện, trường (Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề);…
Với quan điểm người học là trung tâm của quá trình đào tạo, Nhà trường định hướng mục tiêu đào tạo theo xu thế hội nhập thị trường lao động mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 “đặt hàng”. Những điểm mới nổi trội của chương trình đào tạo chất lượng cao tại Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng kể từ năm học 2018-2019 gồm:
+ Tất cả các chương trình (kể cả các chương trình đã được triển khai trước đây) đều được thiết kế (hoặc thiết kế lại) dựa trên các chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới đã được kiểm định theo tiêu chuẩn ABET (tổ chức kiểm định chất lượng của Hoa Kỳ chuyên kiểm định các chương trình đào tạo trong các lĩnh vực Kỹ thuật, Công nghệ, Điện toán và Khoa học ứng dụng) với thời gian học tập rút xuống còn 4,0 năm (so với 5 năm của chương trình truyền thống).
+ Trong học kỳ đầu tiên, sinh viên sẽ tập trung học ngoại ngữ đảm bảo đạt yêu cầu chuẩn đầu ra theo quy định để đáp ứng yêu cầu của chương trình học. Trong chương trình học sẽ có nhiều môn học được giảng bằng tiếng Anh hoặc sử dụng bài giảng, tài liệu học tập bằng tiếng Anh.
+ Chương trình được thiết kế theo hướng giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp; tổ chức việc dạy học theo mô hình Học theo dự án (Project Based Learning - PBL). Trong mỗi học kỳ sinh viên chỉ học lý thuyết trong một thời gian ngắn đầu học kỳ. Sau đó mỗi nhóm 3 - 4 sinh viên nhận một Dự án (project) liên môn. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, trợ giảng, sinh viên sẽ phải tự học, tự nghiên cứu để hoàn thành và bảo vệ Dự án đó vào cuối học kỳ. Các Dự án do giảng viên nhà trường giao hoặc do doanh nghiệp đặt hàng, cũng có thể do sinh viên tự đề xuất. Điều này giúp sinh viên đáp ứng các tiêu chuẩn về kiến thức và các kỹ năng như khả năng giải quyết vấn đề, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, sáng tạo cũng như giao tiếp và làm việc nhóm.
Cam kết của nhà trường:
- Từ khóa tuyển sinh 2018, SV CLC được ưu tiên nguồn kinh phí trong việc xét chọn đề tài nghiên cứu khoa học; được ưu tiên xét nhận học bổng được tài trợ bởi các Cơ quan, Doanh nghiệp và các Hiệp hội chuyên ngành: nếu 2 SV cùng có kết quả như nhau sẽ chọn SV chương trình CLC; được ưu tiên giới thiệu đăng ký học tiếp các chương trình sau đại học tại các trường Đại học nước ngoài đã có ký kết hợp tác: những SV có kết quả học tập loại khá trở lên, tiếng Anh đạt yêu cầu sẽ được ưu tiên học chương trình 2+2 liên kết với Đại học Quốc gia Yokohama (2 năm cuối học ở Nhật Bản, học phí nộp theo chương trình Việt Nam, chỉ tự túc ăn ở); SV tốt nghiệp đúng hạn đạt loại Khá trở lên sẽ được Khoa giới thiệu việc làm đến các doanh nghiệp chuyên ngành có uy tín; SV có điểm học tập đạt loại giỏi được tham gia cùng với giảng viên hướng dẫn bài tập và đồ án môn học cho sinh viên Khóa dưới; được ưu tiên tham gia các hợp đồng chuyển giao công nghệ do các giảng viên tham gia thực hiện.
- Môi trường học tập tốt, thân thiện; Sinh viên có năng lực tiếng Anh tốt; Sinh viên thực tập và thực hiện đồ án tại doanh nghiệp.