Tuần lễ làm việc giữa Tổ hợp 04 trường đại học tại Việt Nam tham gia chương trình PFIEV và Trường Lycée Louis Le Grand thuộc Tổ hợp Pháp.
10/03/2023 08:16
Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động của chương trình PFIEV tại Việt Nam năm 2023, sáng ngày 28/02/2023, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, với vai trò là trường chủ tịch luân phiên của Tổ hợp 04 trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam tham gia Chương trình Đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV), đã tổ chức khai mạc tuần lễ làm việc giữa Tổ hợp Việt Nam và Trường Lycée Louis Le Grand (CH Pháp) về việc thống nhất nội dung giảng dạy, cách đánh giá và ra đề thi các môn Toán, Vật Lý và Tiếng Pháp thuộc chương trình PFIEV.
Toàn cảnh phiên khai mạc
Tham dự buổi khai mạc, về phía Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có PGS.TS. Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Hằng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, TS. Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng phòng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, TS. Nguyễn Lê Hòa - Trưởng khoa Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, cùng các Thầy Cô là giảng viên giảng dạy các học phần Toán, Vật Lý, và Tiếng Pháp thuộc chương trình PFIEV; về phía các trường thành viên thuộc Tổ hợp Việt Nam có sự tham dự của các phụ trách chương trình PFIEV và giảng viên giảng dạy các học phần có liên quan. Về phía Trường Lycée Louis Le Grand có sự tham dự của GS. Cyril Germain - Giảng viên môn Toán, GS. Malek Kious - Giảng viên môn Vật Lý, và GS. Fanny Talagrand - Giảng viên môn Tiếng Pháp.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc
Phát biểu tại phiên khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh sự cần thiết của việc thống nhất nội dung giảng dạy cũng như phương thức kiểm tra đánh giá đối với các học phần Toán, Vật Lý và Tiếng Pháp vì các học phần này thuộc khối kiến thức thi chuyển giai đoạn đối với sinh viên PFIEV sau 2 năm học giai đoạn đại cương. Đây cũng là một trong các hoạt động hướng đến việc đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo chương trình PFIEV tại Việt Nam.
GS. Malek Kious Trường Lycée Louis Le Grand (CH Pháp)
Với cùng nhận định như vậy, GS. Malek Kious cho biết sau hơn 20 năm thành lập và phát triển thì đã đến lúc chương trình PFIEV cũng phải đặt ra những vấn đề về đổi mới để có thể tiếp tục phát triển hơn trong tương lai.
Các tổ thảo luận và đánh giá tình hình giảng dạy các học phần tại các Trường thuộc tổ hợp Việt Nam
Trong 03 ngày làm việc từ ngày 28/02 đến ngày 02/03/2023, các giảng viên giảng dạy các học phần được chia thành thành 03 tổ để thảo luận và đánh giá tình hình giảng dạy các học phần tại các Trường thuộc Tổ hợp Việt Nam. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm cải tiến việc giảng dạy, cách đánh giá và ra đề thi các môn học, như biên soạn lại giáo trình mới, bài tập có đáp án sử dụng chung cho Tổ hợp, xây dựng lại cấu trúc đề thi chuyển giai đoạn…. Trong thời gian đến, hai Tổ hợp Việt Nam và Pháp sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để hiện thực hóa các đề xuất đã được thống nhất trong tuần lễ làm việc này.
Chụp hình lưu niệm
Chương trình PFIEV được thành lập năm 1999 theo thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa hai Chính phủ Việt Nam và Pháp. Mục tiêu của chương trình là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước, khu vực và quốc tế. Tại Việt Nam, bốn trường đại học kỹ thuật hàng đầu được lựa chọn tham gia chương trình PFIEV, gồm: Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Về phía Pháp, một tổ hợp các trường đại học hàng đầu là đối tác của PFIEV được thành lập để tư vấn cho chương trình gồm: Trường quốc gia Cầu đường Paris, Viện quốc gia Khoa học ứng dụng Lyon, Trường Trung tâm Paris, Viện quốc gia Bách khoa Grenoble, Trường Đại học quốc gia cơ học và kỹ thuật hàng không Poitiers, Trường Đại học quốc gia kỹ thuật điện, điện tử, tin học, thủy lực và viễn thông Toulouse, Trường Đại học quốc gia viễn thông Bretagne và Trường Lycée Louis le Grand.
Tin: Phòng Khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN
Ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại Học Bách khoa, ĐHĐN