Cơ sở vật chất hiện đại sẵn sàng chào đón năm học mới 2024-2025
17/07/2024 04:43
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với 50 năm hình thành và phát triển, là trường đại học hàng đầu miền Trung - Tây Nguyên đào tạo các ngành học về khoa học kỹ thuật. Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng luôn chào đón những sinh viên năng động, sáng tạo và đam mê học hỏi. Nhà trường tự hào mang đến môi trường học tập chất lượng, nơi bạn có thể phát triển toàn diện và chuẩn bị hành trang cho tương lai.
Khuôn viên xanh của Bách khoa Đà Nẵng
Trang bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thực hành, thí nghiệm tương xứng với quy mô đào tạo hàng nghìn sinh viên
Nhà trường hiện đang đào tạo theo hệ thống tín chỉ, tuyển sinh hằng năm khoảng hơn 3500 sinh viên. Với 15 chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ Tiến sĩ, 17 CTĐT trình độ Thạc sĩ, 37 ngành/chuyên ngành trình độ Đại học, với quy mô gần 15.000 Nghiên cứu sinh, Học viên Cao học, Sinh viên.
Để đáp ứng nhu cầu học tập và thực hành của hàng nghìn sinh viên, nhà trường luôn chú trọng nâng cấp và đầu tư hệ thống cơ sở vật chất. Trường Đại học Bách khoa có hệ thống các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành nhằm hỗ trợ công tác giảng dạy và học tập, đảm bảo người học có kỹ năng thực hành, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các ngành học, Nhà trường thường xuyên đầu tư nhiều loại phòng thí nghiệm, thực hành, đáp ứng chương trình đào tạo.
Nhà trường có 05 khu giảng đường và các phòng học chuyên đề với hơn 130 phòng học, các khu phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, phòng máy tính với các trang thiết bị dạy học tiên tiến, đầy đủ; Trung tâm Học liệu và Truyền thông có diện tích sử dụng trên 5.040 m2 được trang bị hàng ngàn đầu sách phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Trung tâm Học liệu và Truyền thông - Không gian học tập, nghiên cứu của sinh viên Bách khoa Đà Nẵng
Hợp tác giữa Doanh nghiệp và Trường Đại học Bách khoa: Nâng cao kỹ năng thực hành cho Sinh viên
Trong những năm qua, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã xúc tiến hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để xây dựng và chuyển giao các phòng lab phục vụ thí nghiệm, thực hành và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật cao bao gồm: phòng thí nghiệm tự động hóa do Tập đoàn SMC của Nhật Bản tại Việt Nam tài trợ, hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm cơ khí hàng không với Tập đoàn UAC của Hoa Kỳ tại Việt Nam, phòng thí nghiệm thông minh - “Smart Lab 4.0” hợp tác với Hitachi Systems của Nhật Bản tại Việt Nam, Phòng thực hành Thiết kế vi mạch IC Design Lab, Không gian đổi mới sáng tạo… Hằng năm, các phòng thí nghiệm, thực hành đều được nâng cấp để phục vụ hiệu quả việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên.
Doanh nghiệp/đối tác tài trợ trang thiết bị thực hành, phối hợp với Nhà trường trong công tác đào tạo
Không gian Đổi mới sáng tạo DUT MAKER INNOVATION SPACE
Được sự tài trợ chính của Công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin, DUT MAKER INNOVATION SPACE hướng đến việc thực hiện chiến lược của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, với mục tiêu đẩy mạnh “Đổi mới sáng tạo - Khởi nghiệp” cho giảng viên, sinh viên nhà trường. Đây cũng là nơi mà doanh nghiệp đến tham quan, tìm hiểu về hoạt động Đổi mới sáng tạo - Khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên nhà trường từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa nhà trường và các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các em học sinh của các trường THPT cũng có thể đến tham quan, tìm hiểu, tìm kiếm sự hỗ trợ, hướng dẫn cho các hoạt động NCKH, sáng tạo của học sinh. Không gian sẽ góp phần khơi dậy đam mê về khoa học kỹ thuật của học sinh thông qua các hoạt động như STEM, hỗ trợ NCKH, tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh,... Từ đó tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển công nghệ cao, đặc biệt là lĩnh vực chip bán dẫn cho sự phát triển của thành phố Đà Nẵng cũng như miền Trung - Tây Nguyên.
DUT MAKER INNOVATION SPACE - Khơi nguồn sáng tạo đam mê nghiên cứu khoa học
Phòng thí nghiệm tự động hóa SMC Automation Lab
Phòng thí nghiệm SMC Automation Lab đặt tại Viện Công nghệ cơ khí và Tự động hóa được trang bị 05 trạm thực hành tự động hóa - khí nén, 05 bộ kit thí nghiệm công nghệ kỹ thuật khí nén cùng các bộ mặt cắt các thiết bị khí nén phục vụ giảng dạy, thực hành với tổng trị giá 1,5 tỷ đồng. SMC Automation Lab là một trong những phòng thí nghiệm hỗ trợ đắc lực cho các Kỹ sư lĩnh vực Cơ khí - Cơ điện tử tương lai.
SMC Automation Lab
Phòng máy tính thực hành Thiết kế vi mạch - IC Design Lab
Phòng thực hành Thiết kế vi mạch được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence) phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. Cho đến hiện tại, IC Design Lab đã được sử dụng cho các khoá đào tạo ngắn hạn Thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn (VLSI) và phục vụ đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.
Các thiết bị, máy tính thực hành được tài trợ chính của công ty TNHH Đà Nẵng Fujikin cùng các đối tác FPT Software, Renesas, Cadence, Unitec tài trợ phần cứng cũng như phần mềm có bản quyền. Các doanh nghiệp này cũng cam kết đồng hành cùng nhà trường trong công tác đào tạo nguồn nhân lực Vi điện tử - Thiết kế vi mạch và hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn. Với sự hợp tác tài trợ này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển đội ngũ nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong tương lai.
Sinh viên thực hành thiết kế vi mạch tại IC Design Lab
Phòng thí nghiệm Cơ khí hàng không:
Tháng 5/2023, 04 bên gồm Korean Air, KP Aero Industries, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tài trợ thiết bị phục vụ đào tạo, thực tập, kiến tập, …
Dự theo thỏa thuận đó, KP Aero Industries đã tài trợ trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, xây dựng phòng thí nghiệm Cơ khí Hàng không đặt tại Trường Đại học Bách khoa và đã đưa vào sử dụng từ tháng 03/2024. Điều này nhằm nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên ngành Cơ khí Hàng không để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất và lắp ráp các chi tiết, thiết bị máy bay.
Sinh viên ngành Cơ khí hàng không thực hành tại phòng thí nghiệm
Phòng máy tính chuyên ngành cho sinh viên khối ngành Xây dựng
Phòng máy tính được hoàn thiện bởi sự hợp tác Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và OneCAD Việt Nam. Phòng máy được thiết kế theo đúng chuẩn quốc tế của một trung tâm đào tạo Autodesk. Sinh viên được đào tạo kỹ năng sử dụng các phần mềm Autodesk ứng dụng trong xây dựng (SOLIDWORKS, AutoCAD, Revit, Inventor, ETAP, Autodesk Ecotect, Robot Structural Analysis Professional…) có bản quyền với 300 licenses.
Phòng thực hành máy tính chuyên ngành cho khối ngành xây dựng
Bên cạnh đó, dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà trường và các đối tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã nhận được sự trợ về các thiết bị thực hành vô cùng thiết thực từ doanh nghiệp.
Công ty TNHH Ô tô Mitsubishi Việt Nam tài trợ 01 xe ôtô điện Mitsubishi Outlander và 01 trụ sạc, được bàn giao cho Trung tâm Thí nghiệm Động cơ và Ô tô AVL thuộc Khoa Cơ khí Giao thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Với sản phẩm được tài trợ này, sinh viên Khoa Cơ khí Giao thông sẽ có cơ hội thực hành trên sản phẩm xe hơi thực tế có công nghệ tiên tiến về hệ thống điện, điều khiển động cơ khung gầm thế hệ mới, hiện đại.
Tiếp nhận Xe ô tô điện PHEV và trụ sạc được trao tặng bởi Công ty TNHH Ô tô MITSUBISHI Việt Nam
Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO GROUP) tài trợ 07 động cơ ô tô, 02 robot, 01 cơ cấu lái, 01 hộp số tự động, góp phần hỗ trợ sinh viên tiếp cận với máy móc, công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả thực hành, tạo điều kiện thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Qua đó đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu, tiêu chí tuyển dụng của THACO và thị trường lao động, gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Trường Đại học Bách khoa đón nhận tài trợ động cơ ô tô và Robot hàn của THACO GROUP
Công ty TNHH ABB Việt Nam tài trợ trạm Robot và gói phần mềm mô phỏng RobotStudio trị giá 16 tỷ đồng cho Trường Đại học Bách khoa. Công ty TNHH ABB Automation & Electrification cũng cử các chuyên gia để tập huấn, chia sẻ các kinh nghiệm về Robot đến với cán bộ, giảng viên, sinh viên của Nhà trường và tài trợ học bổng cũng như tạo điều kiện để sinh viên Nhà trường được tham gia thực tập tại Công ty ABB.
Khoa Điện và Khoa Cơ khí nhận thiết bị nhận bàn giao bởi Công ty TNHH ABB Việt Nam
Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng còn có các khu thực hành thí nghiệm đặc thù dành cho các sinh viên thuộc khối ngành Hóa - Môi trường; Điện - Điện tử - Viễn thông; Cơ khí; Tự động hóa; Cơ khí giao thông; Công nghệ thông tin; Xây dựng…
Sinh viên Bách khoa Đà Nẵng được học tập, thực hành tại các phòng thí nghiệm hiện đại, đầy đủ trang thiết bị
Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã đào tạo nên bao thế hệ Kỹ sư, các chuyên gia và cung cấp đội ngũ cán bộ với trình độ chuyên môn cao góp phần trong công cuộc phát triển chung của khu vực đặc biệt là thành phố Đà Nẵng.
Với hệ thống cơ sở vật chất thí nghiệm thực hành hiện đại, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cam kết mang đến cho sinh viên môi trường học tập và nghiên cứu tốt nhất. Những phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế, trang thiết bị tiên tiến cùng các xưởng thực hành chuyên biệt không chỉ giúp sinh viên nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn trang bị kỹ năng thực tiễn cần thiết để thành công trong nghề nghiệp tương lai.
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cùng với chiến lược phát triển KHCN, Nhà trường đã luôn nỗ lực cùng với chính phủ, thành phố, doanh nghiệp để xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn, các không gian để sinh viên, giảng viên thoải mái sáng tạo, từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của nhà trường. Hãy khám phá tiềm năng của bạn trong môi trường học tập lý tưởng này, nơi mọi thử thách đều trở thành cơ hội phát triển và trưởng thành.
Bách khoa Đà Nẵng - Nơi chắp cánh cho những ước mơ
Bài viết: Trung tâm Học liệu và Truyền thông Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN