DHBK

Hội thảo khoa học áp dụng hệ thống VETIVER trong lĩnh vực môi trường & bảo vệ các công trình xây dựng

10/01/2012 23:00

Đó là khuyến cáo được nhiều chuyên gia đưa ra tại hội thảo khoa học “Áp dụng hệ thống cỏ VETIVER - tên khoa học Vetiveria zizanioides L -, trong lĩnh vực môi trường & bảo vệ các công trình xây dựng” do Mạng lưới cỏ Vetiver quốc tế (TVNI) tại Việt Nam, Công Ty TNHH Xây Dựng & Công Nghệ Mới SBTV và Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức” (diễn ra hôm 7/1/2012 tại Bách khoa Đà Nẵng).

Trồng cỏ Vetiver chống xói mòn, sạt lở bờ sông (ảnh từ website SBTV).

Theo một công trình nghiên cứu của Ths. Huỳnh Vạn Thắng (Phó giám đốc Sở NN & PTNT TP Đà Nẵng) và KTS Quy hoạch Phan Trần Kiều Trang (Công ty Xây dựng & Công nghệ mới SBTV), tại Đà Nẵng, ngay từ năm 2001, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Địa chất & Khoáng sản Việt Nam và Trường ĐH Nông lâm TPHCM tiến hành trồng cỏ Vetiver bảo vệ đỉnh kè chống sạt lở bờ sông Vĩnh Điện thuộc khu vực An Lưu, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Và từ năm 2004 đến nay, hệ thống cỏ Vetiver đã được sử dụng như là giải pháp chống xói mòn, sạt lở đất cho giao thông thủy lợi, bảo vệ đỉnh kè, đập đất, mái kênh thoát lũ, taluy đường và đặc biệt là xử lý nước thải tại các bãi rác trong thành phố Đà Nẵng.
Hiện ở TP Đà Nẵng, theo đề xuất của các chuyên gia SBTV, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng đã đồng thuận với phương án triển khai trồng cỏ Vetiver ở một số tuyến đường trên bán đảo Sơn Trà. Sự xuất hiện của cỏ Vetiver sẽ ổn định mái dốc taluy, hạn chế sạt lở, xói mòn, đồng thời đảm bảo yếu tố cảnh quan sẽ góp phần phát triển du lịch và các họat động khác trên bán đảo Sơn Trà. 

Hội thảo diễn ra hôm 7/1/2012 tại Bách khoa Đà Nẵng thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia lĩnh vực, các giảng viên bộ môn và SV chuyên ngành. (B.P) 
 

Còn theo TS. Châu Trường Linh , Nguyễn Thu Hà (Khoa Xây dựng Cầu đường, Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng ), hệ thống cỏ VETIVER cũng là sự lựa chọn tốt nhất về mặt giải pháp trong xử lý sụt trượt lâu dài cho taluy đường Hoàng Sa – TP Đà Nẵng.
Ngoài ra, từ khảo sát tình hình mưa lũ trên địa bàn TP Đà Nẵng, các tác giả Huỳnh Vạn Thắng và Phan Trần Kiều Trang đã đề xuất triển khai thử nghiệm trồng cỏ vetiver chống sạt lở trên tuyến đường du lịch Bà Nà.
Được biết, lần đầu tiên, hệ thống cỏ Vetiver được Ngân Hàng thế giới (World Bank) phát triển với mục đích bảo vệ nguồn đất và nguồn nước cho nông nghiệp vào những năm 1980. Trong vòng hơn 20 năm qua, hệ thống cỏ Vetiver đã được sử dụng trên 100 quốc gia nhiệt đới và cận nhiệt đới tại châu Úc, châu Á, châu Phi và châu Mỹ La Tinh để loại bỏ và xử lý nước thải (sinh hoạt và công nghiệp), xử lý chất thải tại các khu vực mỏ và các vùng đất bị nhiễm bẩn. Đây là một phương pháp bảo vệ môi trường tự nhiên rất hiệu quả với giá thành thấp. 

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1999 nhưng đến nay cỏ vetiver thực sự mới được nhiều người biết đến. Ðây là loại cây lưu niên, chỉ cần chăm sóc tối thiểu là nhanh chóng hình thành hàng rào dày đặc chịu hạn hán và ngập lụt tốt. Phần lớn rễ cỏ vetiver mọc thẳng xuống ít nhất ba mét, không hại đáng kể tới cây trồng, vừa làm giảm lượng nước chảy đi và tăng nguồn nước ngầm.
 

TS Trần Tấn Văn, Viện nghiên cứu khoáng sản và tài nguyên mỏ địa chất nhận xét: "Với những ưu điểm: hiệu quả cao, chi phí thấp, áp dụng đơn giản, thân thiện với môi trường, cỏ vetiver đã trở thành sự lựa chọn để giảm nhẹ bất lợi của thiên tai ở Việt Nam. Chưa kể, làm kè bằng đá hộc, bê-tông, phải khai thác, vận chuyển nguyên liệu từ xa đến. Khi xây bờ kè, phải đào đắp nên thải một lượng lớn đất xuống sông, làm thay đổi dòng chảy, gây trầm trọng thêm vấn đề thiên tai. Mặt khác, bê-tông mảng phủ lên lõi đất cát, rất dễ gãy vỡ khi có xói lở ngầm".
Do bộ rễ phát triển mạnh thành chùm, đan xen trong đất và có thể chịu lực bằng 1/6 lần so với bê-tông nên hàng rào vetiver có tác động đệm rất tốt, chống được xói mòn nếu đặt theo đường đồng mức với khoảng cách nhất định. Ngoài việc là một hàng rào bảo vệ hiệu quả, cỏ vetiver còn có thể giải phóng được năng lượng từ dòng xoáy của nước lũ tạo thành dải bờ kè thiên nhiên bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng rất hiệu quả và rẻ, giúp bảo vệ các công trình đập, kênh, đường bộ, sông hồ thủy điện không bị bồi lấp, chống lũ lụt, hạn chế dòng chảy mất mùa trên diện rộng. 

GS. Nguyễn Viết Trương, Giám đốc Mạng lưới TVNI khu vực Châu Á và Thái Bình Dương Brisbane trình bày tham luận tại hội thảo sáng 7/1/2012. ảnh:B.Phg

GS. Nguyễn Viết Trương, Giám đốc Mạng lưới TVNI khu vực Châu Á và Thái Bình Dương Brisbane, Australia cho biết thêm:
Tại nước ta, Cỏ Vetiver hiện đang được sử dụng phổ biến vào các mục đích bảo vệ bờ sông, bờ kênh mương, đê kè, các dương dọc các tuyến đường giao thông, xói mòn và ô nhiễm vùng khai thác than v.v. Các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm, thành công và thất bại đã chỉ ra rằng cỏ Vetiver, với rất nhiều ưu điểm và rất ít khiếm khuyết, có thể là một công nghệ sinh học đơn giản, hiệu quả, kinh tế, thân thiện với cộng đồng, với môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công, rất cần sử dụng và chăm sóc nó một cách cẩn thận. 

Chuyên gia quốc tế đến từ Mạng lưới cỏ Vetiver quốc tế, ông Shantanoo Bhattacharyya-Viện Công trình công cộng, Assam, Ấn Độ, Giám đốc điếu hành - điều phối viên danh dự, Mạng lưới cỏ Vetiver quốc tế khu vực Đông Ấn (bên phải ảnh). -ảnh: Bình Phương