DHBK

Đổi mới giáo dục đại học gắn liền với phát triển hoạt động khoa học công nghệ

27/04/2020 16:16

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN) diễn ra từ đầu thế kỷ 21 và tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đời sống xã hội. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp tập trung tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao (CLC) phục vụ các lĩnh vực chính như: công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; cơ khí; điện tử; tự động hóa; công nghiệp chế tạo, robot thế hệ mới... Cuộc CMCN 4.0 sẽ là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; nguồn nhân lực CLC. Đây cũng là thách thức trong việc đào tạo nguồn nhân lực sao cho phù hợp với nhu cầu của cuộc sống, điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách thức giáo dục và đào tạo.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) là trường đại học đứng đầu về đào tạo khối ngành kỹ thuật tại miền Trung Việt Nam, được xếp vào nhóm Đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam. Đồng thời cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực, góp phần phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước. Trong kỷ nguyên số hóa, giáo dục đại học (GDĐH) sẽ thay đổi sâu rộng từ môi trường giáo dục, vai trò của người dạy, người học đến phương pháp dạy học. Chính vì thế, việc cải tiến, đổi mới hoạt động giáo dục đào tạo được Nhà trường đặc biệt đẩy mạnh.

Mở nhiều ngành mới đón đầu xu hướng

Năm 2020, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN mở thêm 3 ngành mới, đó là: Ngành Công nghệ thông tin – Chuyên ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo; Ngành Kỹ thuật cơ khí – Chuyên ngành Cơ khí hàng không và Ngành Kỹ thuật máy tính. Những ngành này phù hợp nhu cầu phát triển lao động hiện nay, kỳ vọng sẽ giải quyết phần nào bài toán khát nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội trong những năm tới.


Đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo, giúp sinh viên nắm vững các kỹ năng, tự tin khởi nghiệp

Bên cạnh đó, với mục tiêu tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu, tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình, từ năm học 2018-2019 các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tiên tiến của Trường Đại học Bách Khoa, ĐHĐN được triển khai theo mô hình Học theo Dự án - Project Based Learning định hướng kiểm định theo tiêu chuẩn ABET (Hoa Kỳ). Giảm thời lượng học lý thuyết tăng cường kỹ năng thực hành cho sinh viên. Sinh viên sẽ được giao các bài tập lớn liên môn (các dự án). Các dự án thực tế được giảng viên và sinh viên xây dựng, hoặc phối hợp với doanh nghiệp, hoặc có thể do chính các sinh viên đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, kỹ thuật, sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu. Cuối học kỳ sinh viên sẽ phải báo cáo kết quả dự án và được Nhà trường kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra đã được xây dựng cho từng dự án mà sinh viên đã thực hiện.

Với sự thay đổi mang tính cách mạng này, sinh viên ra trường sẽ có được kiến thức, kỹ năng, thái độ thích ứng nhanh chóng với các nhu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của xã hội, giúp cho sinh viên nâng cao khả năng có việc làm cũng như khả năng khởi nghiệp của mình.

Duy trì “văn hóa nghiên cứu khoa học” trong giảng đường

GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: “Hoạt động Khoa học và Công nghệ (KHCN)  góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài về đổi mới sáng tạo. Đồng thời tạo ra các sản phẩm trí tuệ nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm của các ngành và địa phương. Trong đổi mới mục tiêu đào tạo từ cung cấp kiến thức là chính sang giúp sinh viên phát huy năng lực và phẩm chất thì hoạt động KHCN trong các trường Đại học càng đóng vai trò quan trọng hơn. Sinh viên cần được trải nghiệm qua hoạt động nghiên cứu khoa học để rèn luyện phương pháp tư duy, kỹ năng giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra.

Uy tín của trường Đại học thường gắn liền với những sản phẩm mà nhà trường đã tạo ra. Kết quả nghiên cứu khoa học vì thế có trọng số rất cao trong xếp hạng các trường đại học trên thế giới”.


Hoạt động Khoa học Công nghệ là điểm mạnh của đội ngũ giảng viên và sinh viên Nhà trường

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của cán bộ và sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trong thời gian gần đây đã có những chuyển biến mạnh mẽ với nhiều nghiên cứu có giá trị khoa học cao được công bố trên nhiều tạp chí có uy tín trong và ngoài nước. Phần lớn sản phẩm của các đề tài Sinh viên Nghiên cứu Khoa học đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp cùng với các đề tài có hàm lượng khoa học cao giúp cho các sinh viên thỏa mãn niềm vui sáng tạo của mình.

Theo Quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 14/4/2020, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có 05 tác giả/nhóm tác giả được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng vì đã có bài báo khoa học xuất sắc được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín và 25 tác giả/nhóm tác giả được tặng Bằng khen vì đã có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học uy tín.  Đồng thời, công bố khoa học trong các tạp chí quốc tế và thuộc danh mục SCI, SCIE, Scopus mà nhà trường sở hữu hoặc đồng sở hữu tăng ổn định. Vượt tiêu chí về công bố quốc tế ISI, Scopus của Đại học định hướng nghiên cứu (98 bài/năm). Thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế của Nhà trường đã và đang đóng góp tích cực vì sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các địa phương của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng như cả nước.

Nhà trường đã và đang duy trì hiệu quả các hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) trong thời gian qua, tạo ra nhiều sân chơi sáng tạo khoa học bổ ích để sinh viên thể hiện được năng lực tư duy, sáng tạo, áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Phải kể đến một số hoạt động như BKDN Techshow – Triển lãm sản phẩm khoa học công nghệ, IoT Hackathon, Sinh viên NCKH, Minirobocon, Smart campus, EPICS, Learning Express,…


Nhà trường luôn tổ chức các hoạt động NCKH thường niên, tạo sân chơi sáng tạo khoa học bổ ích cho sinh viên

Sinh viên nhà trường được định hướng tập trung nghiên cứu vào các thiết bị, sản phẩm phục vụ hoạt động khởi nghiệp, phục vụ sản xuất, sinh hoạt, các hướng nghiên cứu về công nghiệp 4.0, Thành phố thông minh...  như: Robot gắp thức ăn sử dụng tay gắp mềm; Hệ thống phân loại sản phẩm trên băng chuyền sử dụng robot delta kết hợp xử lý ảnh; Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải; Hệ thống điểm danh tự động dùng nhận dạng khuôn mặt; Thiết bị sản xuất tinh dầu; Vật liệu nano composite; Nhà ở theo hướng kiến trúc bền vững cho vùng lũ lụt,... Một số sản phẩm NCKH của sinh viên được đánh giá cao vì tính sáng tạo, tính ứng dụng, thân thiện môi trường,... và được đặt hàng bởi các doanh nghiệp.

Chung tay phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với những sản phẩm khoa học công nghệ “made in Bách khoa Đà Nẵng”


Lễ bàn giao Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly cho bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

Nhằm chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm khoa học công nghệ hữu ích và đã chuyển giao phục vụ cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid-19 như: Dung dịch rửa tay sát khuẩn; Máy đo thân nhiệt từ xa, Robot vận chuyển nhu yếu phẩm phục vụ khu cách ly của bệnh viện, Máy rửa tay sát khuẩn tự động,… Đồng thời, Nhà trường đã áp dụng các công cụ giảng dạy trực tuyến đảm bảo tiến độ học tập cho sinh viên trong thời gian nghỉ học phòng dịch.

Với những sản phẩm khoa học công nghệ mang tính thực tiễn cao đã khẳng định được sự sáng tạo cũng như năng lực nghiên cứu chuyển giao công nghệ của đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao cũng như của sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN.

Định hướng phát triển hoạt động khoa học công nghệ đổi mới, sáng tạo đón đầu kỷ nguyên số 4.0

Đổi mới giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong cuộc CMCN 4.0, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN chủ động thay đổi, cải tiến chương trình và phương thức đào tạo; áp dụng công nghệ vào quá trình giảng dạy; đổi mới mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Tích cực tìm kiếm và phát triển các hình thức hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Huy động các nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu trình độ cao. Tăng cường ký kết hợp tác với các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước trong việc xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu khoa học.


Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo, NCKH, trao đổi sinh viên

Cùng với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên, những thành quả NCKH đã đạt được trong 45 năm qua, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN tự tin bước vào cuộc CMCN 4.0. Trong thời gian tới, Nhà trường hướng đến mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu; một trường đại học đổi mới, sáng tạo; một cơ sở đào tạo công nghệ, kỹ thuật bậc đại học và sau đại học chất lượng cao, cung cấp cho người học môi trường học tập và nghiên cứu khoa học tốt nhất, có tính chuyên nghiệp cao.

Bài, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN