DHBK

Chương Trình Trao Đổi Khoa Học Sakura Tại Trường Cao Đẳng Công Nghệ Kagoshima, Nhật Bản Năm 2018

07/06/2018 15:58

Từ ngày 19/10 đến 28/10, đoàn sinh viên của Trường Đại học Đại học Bách- Đại học Đà Nẵng đã lên đường sang Nhật Bản tham gia Chương trình trao đổi khoa học Sakura 2018. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác quốc tế giữa Trường Đại học Đại học Bách- Đại học Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Công nghệ Kagoshima (Nhật Bản). Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến (FAST) có 02 sinh viên tham gia đợt này là bạn Phạm Lê Minh Hoàng 15ECE-EE và Đặng Tuấn Kiệt 15ES.


Đoàn sinh viên Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng chụp ảnh cùng Lãnh đạo Trường cao đẳng Công nghệ Kagoshima

Đoàn được tham quan những phòng thí nghiệm hiện đại về điện tử, cơ khí và quy hoạch đô thị của trường Kagoshima Kosen; đặc biệt sinh viên DUT còn được đến thăm nhà máy của các tập đoàn lớn của Nhật Bản như Sony, Sumimoto hay Toyota. Được tận mắt chứng kiến những thiết bị sản xuất công nghiệp cũng như được giải thích về các quy trình chế tạo sản phẩm từ giai đoạn lên ý tưởng cho đến quy trình sản xuất hàng loạt tạo cho các bạn sinh viên cái nhìn tổng thể cũng như sự tỉ mỉ trong từng khâu, từng công đoạn để có thể cho ra một sản phẩm hoàn thiện là như thế nào. Đây là một trải nghiệm vô cùng quý báu đối với những sinh viên đang nung nấu trong mình ý tưởng khởi nghiệp.

Trên chặng đường giao lưu sinh viên DUT còn được xem cuộc thi Robocon toàn vùng Kyushu với chủ đề “Café – Bottle Flip” với những chú robot được thiết kế không chỉ mang tính thẩm mỹ cao mà còn đầy hiệu quả trong kết cấu hoạt động.

Ngoài ra, đoàn còn được thăm quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở vùng Kyushu với hệ sinh thái đặc biệt nhất trên thế giới khi nằm ngay sát ngọn núi lửa Sakurajima nhưng cũng không kém phần hiện đại và nhộn nhịp. Không chỉ thế, trong suốt chuyến đi các bạn sinh viên trong đoàn còn được trải nghiệm về phong tục, tập quán cũng như học hỏi cách thức sinh hoạt hằng ngày của người Nhật. Đặc biệt nhất, tại trường Miyakonojo Kosen, đoàn đã được thưởng thức nghệ thuật trà đạo truyền thống của Nhật Bản do các bạn sinh viên của câu lạc bộ trường thực hiện. Đây là những trải nghiệm, những kỉ niệm đáng nhớ của mỗi thành viên về văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản.


Đoàn sinh viên Trường Đại học Bách khoa tại núi lửa Sakurajima

Lắng nghe những chia sẻ và trải nghiệm chuyến đi từ bạn Phạm Lê Minh Hoàng và Đặng Tuấn Kiệt

Được nhóm bạn đặt cho nickname khá dí dỏm là “giáo sư”, bạn Phạm Lê Minh Hoàng (15ECE), một sinh viên giỏi toàn diện với tính cách nhẹ nhàng khiêm tốn:

“Chuyến đi Nhật Bản lần này thật sự không chỉ là một trải nghiệm quý báu dành cho bản thân mình mà còn là kỉ niệm không thể quên của thời sinh viên. Thời gian 10 ngày tuy là không nhiều nhưng cũng đủ để mình làm quen được với những người bạn mới, hiểu họ nhiều hơn và cùng với họ tham gia vào một chuyến đi thú vị. Cuộc hành trình đối với mình bắt đầu từ những buổi họp mặt, hầu hết là những gương mặt mới gặp lần đầu. Những bức ảnh selfie và những câu chuyện tán dóc trước giờ bay đã kéo mọi người lại gần nhau hơn. Và từ đó mình cảm nhận được rằng chuyến đi với những người bạn này sẽ rất là thú vị”. 


Phạm Lê Minh Hoàng (15ECE), một sinh viên giỏi toàn diện

Bạn Đặng Tuấn Kiệt (15ES) – cựu trưởng ban nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, học giỏi đều các môn, đã chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm thật quý báu, đặc biệt là cho những thế hệ sinh viên khóa sau:


Đặng Tuấn Kiệt (15ES) đam mê nghiên cứu khoa học với thành tích học tập rất tốt

“Ngày đầu tiên tới Nhật, cả đoàn đã khá là mệt mỏi sau chuyến đi dài, nhưng địa điểm đầu tiên tham quan là Kitakyusyu, một địa điểm khá là thú vị, đã một phần nào giúp mọi người tươi tỉnh hơn. Thành phố này đang thực hiện hai dự án về tiết kiệm năng lượng và năng lượng thay thế, đó là: The Smart Community và Hydrogen Energy. Điều làm tôi ấn tượng nhất chính là ý thức của người dân góp phần vào sự hình thành và phát triển của thành phố. Địa điểm thú vị tiếp theo tôi muốn đề cập tới là nhà thi đấu Mizuma Gymnasium, nơi diễn ra cuộc thi Robocon. Tôi đã từng tới xem một trận thi đấu Robocon ở Việt Nam, và bây giờ khi xem tại Nhật thì không khí có một chút khác hơn. Thành viên của các đội và trường đều mặc một trang phục có màu riêng biệt, những câu hô hào cổ vũ từ các thành viên trong đội thi đấu và cả những lời cổ vũ từ đơn vị trường, đến cả cách trang trí Robot của các đội, tất cả đã tạo nên một nét đặc trưng riêng của Robocon Nhật Bản và điều này thật sự đã để lại ấn tượng mạnh trong tôi.

Ngôi trường đầu tiên ở Nhật Bản tôi đặt chân vào chính là Kagoshima College. Trường có vẻ nhỏ hơn trường Bách Khoa một chút, nhưng cách thiết kế và bố trí khuôn viên trường là những gì mà tôi chú ý nhiều hơn. Giáo viên và sinh viên trong trường rất thân thiện và dễ gần, nếu không có rào cản về ngôn ngữ thì tôi dám chắc rằng chúng tôi có thể chia sẻ với nhau nhiều hơn về trải nghiệm của mỗi người. Lớp học đầu tiên tôi tham gia là lớp về Information Engineering, cụ thể hơn là học về Transfer Function. May mắn cho tôi là tôi đã có kiến thức về mảng này rồi, nên hầu hết thời gian trong lớp tôi chú ý quan sát cách những người bạn ở Nhật học tập, cử chỉ, thái độ và hành động, và kể cả cách các bạn làm việc riêng trong giờ học có khác gì so với sinh viên Việt Nam hay không. Tôi có cơ hội tham gia vào 4 lớp học trên trường, nhưng có lẽ lần ấn tượng nhất là lần cuối cùng. Lớp học cuối đơn giản chỉ là một chuyến đi tham quan các phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học của trường, và đặc biệt là giới thiệu sản phẩm, dự án đang thực hiện của các bạn sinh viên. Tôi thật sự ấn tưởng bởi những trang thiết bị khá là lạ, và hơn hết là những dự án rất thú vị của hai sinh viên năm 5, tôi hơi tiếc vì không có thời gian nhiều nên tôi không thể hỏi them thông tin về những dự án đó. Một điều khá ấn tượng đối với tôi là sinh viên ở đây có hứng thú làm nghiên cứu từ rất sớm, dù chỉ là một đề tài tự nghiên cứu nhỏ. Một bạn sinh viên năm 1 giới thiệu với tôi về cách tìm hệ số đàn hồi của một vật, dù chỉ là một đề tài nghiên cứu vật lí nhỏ nhưng cách mô tả và thái độ làm việc của bạn rất chú tâm và nghiêm túc. Một số đề tài lớn hơn như là self-balancing pendulum, image processing,… cũng là một số đề tài mà một số sinh viên Bách khoa đã hoặc đang làm, tiếc là không có thời gian nhiều để tôi trao đổi kiến thức nhiều hơn với các bạn sinh viên Nhật.

Điều tôi mong chờ nhất trong chuyến đi này là được tận mắt tham quan nhà máy, nơi sản xuất và cơ sở nghiên cứu của một số tên tuổi lớn như Sony, Toyota, JAXA,… Tôi có hứng thú về thiết kế chip và vi mạch, nên lần này mong đợi nhất là chuyến đi thăm công ty sản xuất linh kiện bán dẫn Sony. Được nhìn thấy quy trình sản xuất, quy mô nhà máy, và những gì được thực hiện sau giai đoạn thiết kế một IC cho tôi thấy được sự phát triển của công nghệ nhanh tới mức nào. Sau khi đi chuyến này, tôi nhận biết được rằng kiến thức ở trường sẽ là không đủ để mình làm một việc ở công ty, nhưng sẽ là nền tảng cho tư duy của bản thân để có thể phát triển tiếp sau khi đi làm.

Ngoài ra thì đoàn còn được trải nghiệm cách sống, thói quen sinh hoạt của người Nhật Bản, phong tục, tập quán và tín ngưỡng. Kỉ niệm về trà đạo có vẻ là kỉ niệm vui nhất của tôi. Ở Việt Nam tôi được uống trà theo phong cách cung đình Huế, giờ đây tôi lại được trải nghiệm truyền thống và nghệ thuật thưởng thức trà của người Nhật.”

Chuyến đi giao lưu lần này đã mang lại nhiều kiến thức cũng như trải nghiệm quý báu cho cả đoàn từ những điều học hỏi được ở đất nước Nhật Bản về chuyên môn, học thuật cũng như giao lưu văn hóa giữa hai nước; tạo môi trường giao lưu giữa sinh viên Trường Đại học Đại học Bách- Đại học Đà Nẵng và Trường Cao đẳng Công nghệ Kagoshima, qua đó vun đắp tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Nhật Bản.