DHBK

Khi sinh viên là "nhà sáng chế"

23/06/2016 10:08

Chiếc thùng rác hoạt động bằng năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường, vườn rau sạch dành cho những bà nội trợ không thạo trồng trọt… là những ý tưởng của sinh viên Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) được hiện thực hóa bằng sản phẩm có giá trị thực tế.

Sản phẩm thùng rác thông minh hoạt động bằng năng lượng mặt trời do Nguyễn Đức Thông và Dương Minh Xuân chế tạo. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Sản phẩm thùng rác thông minh hoạt động bằng năng lượng mặt trời do Nguyễn Đức Thông và Dương Minh Xuân chế tạo. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Thùng rác thông minh

Thùng rác thông minh từng được nhiều bạn trẻ chế tạo. Tuy nhiên, Nguyễn Đức Thông và Dương Minh Xuân, sinh viên năm 2, Trường ĐH Bách khoa lại có ý tưởng tạo ra thùng rác không chỉ thông minh mà còn phải tiết kiệm. Tức là thay vì cần tốn pin cho thùng rác hoạt động, phân loại rác, phát ra âm thanh, sản phẩm mới này lại tiết kiệm ở chỗ tận dụng nguồn năng lượng “miễn phí” từ mặt trời.

Thông cho biết, cấu trúc sơ bộ của thùng rác gồm: phần nắp được chia hai ngăn có hình ảnh về rác không tái chế và tái chế, hệ thống cảm biến được gắn trước và dưới nắp thùng, giá đỡ pin mặt trời và pin mặt trời. Phần thân thùng gồm hai thùng con bên trong tương xứng hình ảnh bên ngoài với mục đích phân loại rác.

Thùng con có chứa than hoạt tính nhằm ngăn mùi hôi. Ngoài ra, thùng rác còn có bộ điều khiển trung tâm, động cơ, ắc-quy, loa. Phần đáy thùng là nơi xử lý nước thải và khay đựng nước thải. Nước thải được đưa từ thùng con xuống ống lọc rồi đến khay chứa. Ống lọc nước thải bao gồm bốn tầng lọc gồm: than hoạt tính, cát, than hoạt tính, sỏi. Trên thùng có hình ảnh và loa nhằm hướng dẫn bỏ rác đúng bên. Không chỉ vậy, khi rác trong thùng đầy, bộ phận truyền dẫn sẽ báo chủ biết rác đầy để xử lý kịp thời.

Sản phẩm thùng rác thông minh của Thông và Xuân đoạt giải khuyến khích cuộc thi Monokon 2016 Internet of things now and future do Công ty Global CyberSoft (Việt Nam) tổ chức; giải ý tưởng trong cuộc thi nghiên cứu khoa học của khoa Điện, Trường ĐH Bách khoa; đồng thời đoạt giải ba ý tưởng tại triển lãm sản phẩm Bách khoa Đà Nẵng Techshow 2016. Tuy nhiên, theo Dương Minh Xuân, giá thành sản phẩm còn cao, khoảng hơn 2 triệu đồng/thùng nên nhóm sẽ nghiên cứu tìm các phương án tối ưu về kỹ thuật, linh kiện, công nghệ để giảm giá thành, đưa sản phẩm ứng dụng rộng rãi vào cuộc sống.

Vườn cây tự động

Đối với những bà nội trợ thích ăn rau sạch nhưng lại không biết trồng trọt, việc có một vườn rau tự động trong nhà kính ngay tại nhà quả là điều không thể tuyệt vời hơn. Chủ nhân của ý tưởng này là sinh viên Nguyễn Đăng Tài Hoa và Phạm Khánh Hòa, lớp 11T2, Trường ĐH Bách khoa. Hòa cho biết, trong tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm đáng báo động, nhiều gia đình muốn có vườn rau sạch trong nhà. Ưu điểm của mô hình nhà kính chăm sóc cây tự động là giảm nhân công lao động và tăng năng suất cây trồng.

Theo Hòa, cây được trồng trong môi trường gần như khép kín với các thiết bị công nghệ hỗ trợ. Nhờ đó, cây ít sâu bệnh, không bị tác động nhiều khi thời tiết thay đổi, năng suất cao và giảm công lao động. “Tại đó, chúng tôi lắp đặt hệ thống giám sát nhiệt độ, độ ẩm của đất, ánh sáng và có thể điều chỉnh phù hợp với loại cây đang trồng.

Hệ thống được điều khiển từ xa thông qua mạng Internet hoặc hoạt động tự động dựa trên dữ liệu thiết lập của người dùng”, Hòa chia sẻ. Hòa mong muốn, qua nhiều lần điều chỉnh, hệ thống sẽ hoàn thiện hơn, trong đó có thể tự động điều chỉnh hệ thống thông gió theo dữ liệu chuẩn và không chỉ chủ động kiểm tra nhu cầu dinh dưỡng của cây mà còn có thể phát hiện sâu bệnh và chữa trị.

PGS.TS Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa cho biết, phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên của trường ngày càng phát triển mạnh mẽ và đồng đều tại tất cả các khoa và các chương trình đào tạo. Trong năm học 2015 - 2016, nhà trường triển khai 270 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học với sự tham gia của 626 em. “Các sản phẩm năm nay mang tính đa dạng và sáng tạo. Nhiều đề tài có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Chúng tôi mong muốn hoạt động này sẽ giúp sinh viên hình thành tư duy và phương pháp làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và khoa học trong quá trình hội nhập”, thầy Lâm nói.

PHƯƠNG TRÀ