DHBK

Đại học Bách khoa Đà Nẵng đáp ứng nguồn nhân lực cho yêu cầu chuyển đổi số, bài 2

13/04/2021 14:17

Tạo nên những đột phá trong nghiên cứu khoa học của sinh viên


Sinh viên làm bài tập và thuyết trình (bằng tiếng Anh) trong giờ Toán cao cấp (Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng)

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực; mỗi đại học càng thúc đẩy, củng cố và tranh thủ các kênh hợp tác quốc tế, cũng như trong nước. Một phần nguồn lực của nhà trường sẽ có được, là nhờ vào quan hệ hợp tác, liên kết, trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau giữa nhà đào tạo với nhà tuyển dụng, giữa giảng đường với môi trường sản xuất – kinh doanh.

Vấn đề quan trọng cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh là phải tạo được sự đột phá trong nghiên cứu khoa học của sinh viên, bằng cách gắn liền nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (4).

Bên cạnh những ưu tiên tập trung cho đào tạo khoa học – công nghệ, nhà trường và cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân, cộng đồng xã hội cần “hợp lực” nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Đây là cách tốt nhất với lộ trình ngắn nhất để phát triển nguồn nhân lực có được tầm nhìn rộng và khả năng thích hợp với nhiều môi trường làm việc, nhất là những chuyên ngành kinh tế chịu tác động của chuyển đổi số.

Trong tương lai rất gần, người lao động phải có khả năng kết nối các kỹ năng giải quyết các vấn đề kinh tế và kỹ thuật để nâng cao hiệu quả công việc và giá trị kinh tế, là nền tảng nhân lực cho việc kiến tạo doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị đột phá.


Sinh viên mạnh dạn tương tác và làm chủ giờ học

Tôi được mời làm Phó Ban Tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên lần thứ nhất do Hội Sinh Viên Đại học Đà Nẵng (phối hợp với Ban Công tác Học sinh – Sinh viên Đại học Đà Nẵng; Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng, tổ chức), với vai trò phụ trách chuyên môn.

Cuộc thi (đã khởi động từ tháng 3 và sẽ kết thúc vào tháng 29/5/2021) này có mục tiêu giúp sinh viên, học sinh biết cách ứng dụng nghiên cứu khoa học công nghệ và tư duy khởi nghiệp để tạo ra các ý tưởng, sản phẩm có thể được thực thi để tạo sản phẩm khởi nghiệp trong sinh viên và cả giảng viên, nâng cao thêm chất lượng sống cho cộng đồng.

Ở môi trường giáo dục đại học, có thể mọi điều không hoàn toàn đào tạo và hỗ trợ cho sinh viên thực hiện được tất cả quá trình, từ ý tưởng nghiên cứu khoa học cho đến tạo ra sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, những hoạt động trên (Khởi nghiệp công nghệ) là nền tảng giúp cho sinh viên có được tất cả năng lực, tri thức, kỹ năng để thực hiện hành trình này, trong cả cuộc đời về sau của sinh viên.

Đó chính là mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục khai phóng nhằm phát triển ra những nhân lực kiến tạo trong tương lai.

Tôi mong sao các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Bách khoa, cũng như các trường, cơ sở giáo dục thành viên Đại học Đà Nẵng sẽ được thúc đẩy theo xu hướng từ việc hình thành ý tưởng đến việc ươm tạo các sản phẩm ra thị trường. Điều này cũng nhằm kiến tạo nguồn nhân lực sẵn sàng cho chuyển đổi số cũng như khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bấy lâu nay.


TS. Nguyễn Quang Như Quỳnh (áo dài vàng) chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, các đại biểu (Lễ phát động Chương trình bình chọn, trao tặng giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam – Vietnam Digital Awards” năm 2021)

Chuyển đổi số là một hành trình lâu dài, khó khăn và cũng đòi hỏi tính hệ thống khi áp dụng công nghệ khoa học giải quyết các bài toán từ kinh doanh và cuộc sống.

Đào tạo nhân lực chuyển đổi số, vì thế, luôn cần sự chung tay quyết liệt của ba nhà: Nhà trường – Nhà nước và Doanh nghiệp thì mới có thể tạo nên con người sở hữu tinh thần khởi nghiệp, làm chủ phương pháp và công cụ đổi mới sáng tạo, nhận biết và sắn sàng giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội.

Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến cùng với các Khoa khác trong nhà trường là nơi đào tạo những nguồn lực then chốt, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số và tham gia tích cực trong chương trình chuyển đổi số của Đà Nẵng, khu vực miền Trung và Việt Nam.


Giờ học Toán cao cấp (ngôn ngữ giao tiếp của Thầy – Sinh viên là tiếng Anh)

Hẳn nhiên, trong giáo dục – đào tạo nhân lực chuyển đổi số, một đòi hỏi hàng đầu là chính các đơn vị giáo dục – đào tạo, mà cụ thể là chính các Thầy Cô phải thực hiện chuyển đổi số ở chính mình. Bắt đầu tư duy và tiếp đo là cách thực thi, áp dụng các triết lý giáo dục khai phóng để tạo ra những con người có khả năng tự học tự thay đổi tự hành động hướng tới tự hoàn thiện trong bối cảnh luôn luôn biến động của cuộc sống, dưới tác động công nghệ.

Làm được điều đó, chúng ta- những người công tác trong trường Đại học mới có thể hài lòng khi hành trình giáo dục từ năm một tới năm cuối cùng hướng tới kiến tạo giá trị vững bền cho người học trong cả cuộc đời.

TS Nguyễn Quang Như Quỳnh
Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng