DHBK

Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần V (2015-2020)

21/06/2015 03:52

Ngày 19/6/2015, đã diễn ra phiên chính thức Đại hội (ĐH) đại biểu (ĐB) Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020. Tham dự ĐH có 250 ĐB thuộc 7 Đảng bộ và 1 Chi bộ cơ sở, trong đó có 223 ĐB được bầu và 27 ĐB đương nhiên; ĐB Nữ có 70 đồng chí (chiếm tỷ lệ 28%).

ĐB tham dự ĐH đã tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ lần IV, nhiệm kỳ 2010-2015; thảo luận và quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng Đại học Đà Nẵng giai đoạn 2015-2020; thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức cơ sở Đảng, các tổ chức đoàn thể và của cán bộ viên chức Đại học Đà Nẵng vào Dự thảo báo cáo chính trị ĐH ĐB Đảng bộ TP Đà Nẵng lần XXI và văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần XII; nghe giới thiệu nhân sự, thảo luận (theo Tổ), và tiến hành bầu Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ khóa mới, bầu Đoàn ĐB dự ĐH Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXI.

alt

Tiết mục văn nghệ chào mừng ĐH của Công đoàn, Đoàn TN Đại học Đà Nẵng (ảnh trên); (ảnh tiếp theo) Tuổi trẻ  Đại học Đà Nẵng đã gửi lẵng hoa chúc mừng ĐH (Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Tiến đã trao lẵng hoa, thay mặt Đảng bộ, GS.TS Trần Văn Nam, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng đón nhận).

alt

ĐH đã kêu gọi toàn thể đảng viên, CBVC, HSSV, các tổ chức đoàn thể quần chúng trong toàn Đại học Đà Nẵng sát cánh cùng Đảng bộ nêu cao phương châm hành động “Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, quyết tâm xây dựng Đại học Đà Nẵng thành Đại học Nghiên cứu đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế ; trở thành 1 trong 3 trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn của cả nước theo tinh thần Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng Võ Công Trí và GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục (GD) và Đào tạo (ĐT) đã dự và chỉ đạo ĐH.

Thành quả từ vai trò hạt nhân lãnh đạo, định hướng chiến lược, trung tâm đoàn kết và phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ

“ĐH ĐB Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần V được tiến hành vào thời điểm đánh dấu chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển Đại học Đà Nẵng.

alt

Đồng chí Võ Công Trí - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng phát biểu chỉ đạo. -Ảnh: T.N

Trong suốt thời gian ấy, các thế hệ lãnh đạo Đảng uỷ, Ban Giám đốc và đội ngũ cán bộ, giảng viên, đảng viên Đảng bộ Đại học Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, cùng nhau vun đắp, tạo dựng uy tín, vị thế, xây dựng Đại học Đà Nẵng xứng tầm là Đại học vùng trọng điểm quốc gia; góp phần quan trọng vào sự nghiệp giáo dục-đào tạo; xây dựng, phát triển TP Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Đa số cựu SV Đại học Đà Nẵng sau khi ra trường đã phát huy được năng lực, trí tuệ trong quá trình công tác.

Một bộ phận không ít trong số đó đã trưởng thành, được gia đảm trách những nhiệm vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý của các địa phương và Bộ, ngành, TƯ.

Đại học Đà Nẵng đạt được những bước tiến vững chắc như hôm nay, là nhờ Đảng bộ đã làm tốt công tác xây dựng Đảng các cấp vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo và đóng vai trò định hướng chiến lược, trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo sự gắn bó, đồng thuận trong tập thể lãnh đạo, cán bộ giảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần IV” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Đà Nẵng, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh trong phát biểu tại ĐH.

Báo cáo đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH lần IV nhiệm kỳ 2010-2015, do GS.TS Trần Văn Nam, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng trình bày đã khẳng định:

Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, với yêu cầu đòi hỏi nguồn nhân lực phải đạt trình độ, chất lượng cao; trong khi đó, những diễn biến bất thường của tình hình suy thoái kinh tế, lạm phát và cả thiên tai luôn có những tác động không nhỏ... 5 năm vừa qua, toàn Đại học Đà Nẵng đã phải đương đầu với những thách thức và diễn biến phức tạp.

alt

GS.TS Trần Văn Nam, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng trình bày Báo cáo chính trị. -Ảnh: T.N

Tuy nhiên, toàn Đảng bộ đã nỗ lực phấn đấu, đạt được những kết quả quan trọng: Giữ vững ổn định quy mô đào tạo một cách hợp lý và nâng cao chất lượng bậc đại học; đẩy mạnh đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác với doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý sinh viên; làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và nhiều chỉ tiêu quan trọng theo Nghị quyết Đại hội IV đề ra.

Kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết ĐH IV đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong toàn Đảng bộ Đại học Đà Nẵng.

Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội IV, căn cứ báo cáo kiểm điểm của BCH nhiệm kỳ IV, ĐH đã thảo luận, nghiêm túc rút kinh nghiệm và nhìn nhận trực diện vào các vấn đề tồn tại nổi cộm, các hạn chế, thiếu sót; quan trọng hơn, là những bài học, kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ.

Theo đó, vấn đề mấu chốt vẫn là tiếp tục tăng cường khối đoàn kết, thống nhất, nêu cao tính Đảng, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ luật kỷ cương; tiếp tục mở rộng dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch thu chi tài chính thông qua qui chế chi tiêu nội bộ; duy trì thường xuyên đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với CBVC và HSSV. Tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ chủ chốt các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và tinh thần làm chủ của CBVC, HSSV. Phát động sâu rộng trong CBVC, HSSV việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của ngành...

alt

Thạc sỹ-Kiến trúc sư Tô Văn Hùng cho rằng, thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội không là thông tin chính thống; nhưng vẫn có giá trị tham khảo nhất định khi tìm hiểu tâm tư, tình cảm, quan điểm của HSSV trước một hay nhiều vấn đề xã hội. -Ảnh: T.N.

Một trong những tham luận được trình bày ngay tại ĐH còn nêu lên vấn đề phải thường xuyên nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư, tình cảm và những nghĩ suy, trăn trở của HSSV. Phải sớm xây dựng và đưa vận hành các kênh thông tin chính thống xuyên suốt từ Ban Giám hiệu – Khoa/Phòng đến HSSV một cách kịp thời, giúp các em nắm bắt được tình hình của trường, các chủ trương, chính sách của toàn Đại học Đà Nẵng; tình hình phát triển kinh tế-xã hội của TP Đà Nẵng, của khu vực và cả nước gắn với những yêu cầu mới, đòi hỏi mới về nguồn lực. Quan trọng hơn là những vấn đề thời sự của đất nước trong bối cảnh hội nhập, trong sự phức tạp của tình hình khu vực và toàn cầu. Chẳng hạn vấn đề Biển Đông, vấn đề chủ quyền thiêng liêng... Các em phải được thông tin đầy đủ và được định hướng tích cực về thái độ, về trách nhiệm của mình đối với tình hình đất nước.

alt

Ảnh: Phó GS.TS Đoàn Quang Vinh trình bày báo cáo kiểm điểm của BCH nhiệm kỳ IV. -Ảnh: T.N

Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong 250 ĐB thuộc 7 Đảng bộ và 1 Chi bộ cơ sở tham dự ĐH ĐB Đại học Đà Nẵng, có 47 đại biểu có chức danh Giáo sư, Phó giáo sư; 123 đại biểu có học vị tiến sĩ; 98 đại biểu có học vị thạc sĩ; 26 đại biểu có trình độ đại học và 03 đại biểu có trình độ trung cấp. Về trình độ lý luận chính trị có 82 đại biểu có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị chiếm tỷ lệ 32,8%; 76 đại biểu có trình độ trung cấp chính trị chiếm tỷ lệ 30,4% và 92 đại biểu có trình độ chính trị sơ cấp chiếm tỷ lệ 36,8%.

Có 4 ĐB là Nhà giáo ưu tú và 1 đại biểu là dân tộc thiểu số.

ĐB cao tuổi nhất: 70 tuổi (Đảng bộ Cơ quan Đại học Đà Nẵng), ĐB ít tuổi nhất; 24 tuổi (Đảng bộ trường Đại học Ngoại ngữ). 1 ĐB có tuổi Đảng từ 40 tuổi trở lên; 19 ĐB có tuổi Đảng từ 30 tuổi trở lên và 230 ĐB có tuổi Đảng dưới 20 tuổi.

Đại học Đà Nẵng là 1 trong 10 Đại học hàng đầu của Việt Nam

alt

GS.TS Trần Văn Nam.

-Ảnh: T.N

GS.TS Trần Văn Nam cho biết:

Mục tiêu bao trùm, phương hướng và chương trình hành động nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ Đại học Đà Nẵng vẫn là “Tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Đại học Đà Nẵng, xứng đáng là Đại học vùng tiêu biểu, ngang tầm khu vực và quốc tế; Đại học Đà Nẵng phải được xếp trong nhóm 10 trường đại học hàng đầu của Việt Nam và đạt đẳng cấp khu vực, quốc tế (nằm trong nhóm 100 trường hàng đầu khu vực Đông Nam Á, và nhóm 500 trường hàng đầu châu Á).

Như vậy, định hướng phát triển có tầm chiến lược là phải luôn sẵn sàng và đồng hành trong hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động khu vực và toàn cầu, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước”. Và muốn vậy thì điều trước tiên vẫn là ”Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng”.

Trong tầm nhìn đến năm 2025, Đảng bộ Đại học Đà Nẵng xác định: Ngay trong năm 2015, tất cả các CSGDĐH thành viên phải hoàn thành chiến lược phát triển và xác định lộ trình đổi mới, phát triển ở cấp Khoa để nhà trường trở thành Đại học định hướng nghiên cứu hay Đại học định hướng ứng dụng.

Năm 2016: Tất cả các CSGDĐH được tổ chức trong hoặc ngoài nước kiểm định, đánh giá.

Năm 2017: Hoàn thiện mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ (các trung tâm, các nhóm nghiên cứu giảng dạy và viện nghiên cứu bên cạnh các khoa) để triển khai nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

Năm 2018: Hoạt động hợp tác quốc tế thực sự trở thành động lực quan trọng góp phần cho ĐHĐN hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện. Tất cả các khoa phải có chương trình, dự án hợp tác quốc tế cụ thể. Năm 2019: Hoàn thiện mô hình quản trị đại học tiên tiến, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Hình thành hệ thống quản lý, điều hành, tác nghiệp thống nhất, thông suốt từ Đại học Đà Nẵng đến các đơn vị thành viên.

Năm 2020: Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, xây dựng đề án nâng cấp Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh thành Trường Đại học Quốc tế Việt-Anh.

alt

ĐH nghe Đoàn Chủ tịch trình phương án nhân sự BCH nhiệm kỳ mới. -Ảnh: T.N.

---------------------------------------------------------------------------------------

Các chỉ tiêu của nhiệm kỳ 2015-2020:

Xây dựng Đảng: Phấn đấu hàng năm có ít nhất 50% tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh và 95% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; hàng năm, kết nạp được ít nhất 100 đảng viên (trong đó có trên 70 đảng viên là sinh viên). 

Phát triển Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế thành trường đại học định hướng nghiên cứu. Các trường đại học còn lại tiếp tục xây dựng theo định hướng nghiên cứu. Các trường cao đẳng phát triển theo định hướng ứng dụng, nghề nghiệp.

Triển khai dự án thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin & Truyền thông trên cơ sở nâng cấp trường CĐ Công nghệ thông tin hiện nay và Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật trên cơ sở nâng cấp trường CĐ Công nghệ hiện nay. 

Tất cả các CSGDĐH thành viên phải được các tổ chức kiểm định quốc gia hoặc quốc tế đánh giá độc lập; Tất cả các chương trình đào tạo (CTĐT) tại các CSGDĐH thành viên được xây dựng theo chuẩn AUN, chuẩn thế giới hoặc trong nước, trong đó có 50% các CTĐT được đánh giá nội bộ. Tối thiểu có 15 CTĐT được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá; 80% các ngành đào tạo của bậc đại học có các chương trình đào tạo sau đại học.

Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ đạt trên 25%; Tỷ lệ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học đạt trên 90% và kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học đạt trên mức qui định của Nhà nước. 100% các Nhóm Giảng dạy - Nghiên cứu tạo ra ít nhất một sản phẩm khoa học được phổ biến rộng rãi. Phấn đấu nguồn thu tăng 10% mỗi năm để đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao đời sống của CBVC.

Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch Làng Đại học và phát triển các dự án đầu tư theo chủ trương đã được Chính phủ phê duyệt. Huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất cho Khoa Y Dược và Phân hiệu ĐHĐN tại Kon Tum.

alt

ĐH đã biểu quyết thông qua nhiều nội dung quan trọng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, hiện thực hoá mô hình Đại học định hướng nghiên cứu, xây dựng Đại học Đà Nẵng đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. - Ảnh: T.N

Các nhóm giải pháp đột phá để phát triển ĐHĐN nhiệm kỳ 2015-2020: Phát triển ĐHĐN theo đại học định hướng nghiên cứu; Triển khai công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục;. Thực hiện hội nhập quốc tế sâu rộng; Triển khai mô hình quản trị đại học tiên tiến, tự chủ về tài chính; Phát triển cơ sở vật chất; Phát triển, hoàn thiện hệ thống các cơ sở giáo dục thành viên…

Cụ thể sẽ tập trung vào các chương trình hành động đột phá sau: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, ban hành các quy chế, quy định và quy trình trên mọi mặt hoạt động phù hợp với tiêu chí đại học định hướng nghiên cứu, đáp ứng đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội và hội nhập cộng đồng ASEAN; Thường xuyên cập nhật các chương trình đào tạo đáp ứng kịp thời nhu cầu xã hội; ưu tiên đầu tư phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao và đạt chuẩn quốc tế; tập trung phát triển đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đặc biệt là các chương trình có yếu tố nước ngoài; Chủ động tham gia và đi đầu triển khai các nghiên cứu gắn với phát triển kinh tế xã hội, chuyển giao kết quả nghiên cứu; tăng cường công bố quốc tế. ĐHĐN phải trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, tham gia tích cực và có hiệu quả vào việc phát triển thành phố Đà Nẵng, khu vực Miền Trung Tây Nguyên cũng như cả nước; Tăng cường các hoạt động đảm bảo chất lượng, trong đó có các giải pháp đột phá để phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học trình độ cao, các nhà khoa học đầu ngành và cán bộ quản lý; Tiếp tục đổi mới quản trị đại học theo chất lượng sản phẩm đầu ra, tiếp cận hệ thống liên ngành; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh học hiệu Đại học Đà Nẵng và các CSGDĐH thành viên…

alt

GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo phát biểu chỉ đạo ĐH. -Ảnh: T.N.

Từng là sinh viên, sau đó là nghiên cứu sinh, là giảng viên, cán bộ quản lý đơn vị thành viên, sau đó là lãnh đạo cao nhất của Đại học Đà Nẵng; phát biểu chỉ đạo Đại hội, GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ Giáo dục (GD) & Đào tạo (ĐT) lưu ý:

Trong hoàn cảnh nào, môi trường nào, Đảng bộ Đại học Đà Nẵng cũng phải nêu cao tinh thần đoàn kết, một truyền thống đáng quý của toàn Đảng bộ, toàn Đại học Đà Nẵng. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng một môi trường sư phạm chuẩn mực, văn minh. Cần tăng cường đối thoại để phản biện và hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở tôn trọng những ý kiến, quan điểm khác biệt, bởi tuy khác biệt, song đều hướng đến một mục tiêu chung là xây dựng Đại học Đà Nẵng ngày càng vững mạnh.

Ngành GD & ĐT cả nước đang ra sức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT, trong bối cảnh đó, Đại học Đà Nẵng phải xây dựng chiến lược đổi mới, Đảng bộ Đại học Đà Nẵng phải có Nghị quyết chuyên đề cho từng vấn đề cụ thể, và dứt khoát ở mỗi chuyên đề phải có giải pháp khả thi, hiệu quả.

Trong đó, điều kiện tiên quyết là phải xây dựng Hội đồng Trường đủ mạnh và thực sự vững mạnh để thay đổi mục tiêu GD & ĐT, việc dạy suông một chiều là không thể chấp nhận mà phải hướng đến những chuẩn mực quốc tế.

alt

BCH Đảng bộ Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020 chính thức ra mắt Đại hội

Để có những thay đổi căn bản trong phương pháp giảng dạy, GS.TSKH Bùi Văn Ga cho rằng phải thường xuyên phát động và tạo môi trường để nghiên cứu khoa học trong SV trở thành một động lực thúc đẩy quá trình tự học, tự nâng cao trình độ và năng lực bản thân ở HSSV.

Phải nhận thức rằng, nghiên cứu khoa học là một công cụ rèn luyện tư duy, giúp người học xây dựng cho mình phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong học thuật lẫn thực tiễn cuộc sống. Do vậy không phải đợi khi có đủ kinh phí, có đủ các điều kiện mới tổ chức hoạt động này, mà nghiên cứu khoa học phải được phát động và tổ chức thường xuyên trong SV như một phong trào.

“Đã đến lúc việc trang bị kiến thức tối thiểu cho người học là như nhau, vấn đề mà nhà tuyển dụng quan tâm hơn hết sẽ là, bằng cấp của quá trình đào tạo do trường, do cơ sở đào tạo nào cấp. Điều làm nên sự khác biệt của mỗi học hiệu, nơi này khác với nơi kia nằm ở chỗ trường, cơ sở đào tạo biết lựa chọn các phân khúc đào tạo và quyết liệt đầu tư để phân khúc ấy trở thành ưu thế riêng cho mình. Với Đại học Đà Nẵng dứt khoát phải có nhiều phân khúc chất lượngcao cho những ngành, nghề, lĩnh vực mà nhu cầu nguồn lực ở Đà Nẵng và các tỉnh, thành khu vực Miền Trung-Tây Nguyên đang cần” - GS.TSKH Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

alt

Tham luận của ĐB đến từ tổ chức Đảng CSGDĐH thành viên. -Ảnh: T.N.

alt

ĐH ĐB Đảng bộ Đại học Đà Nẵng lần thứ V nhiệm kỳ 2015-2020 đã bầu BCH Đảng bộ mới với 27 đồng chí. Đồng chí Trần Văn Nam tái đắc cử chức danh Bí thư Đảng uỷ.

Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn

ICTDanang - T.Ngọc thực hiện