DHBK

Cựu sinh viên ngành Kỹ thuật Công trình Giao thông & hành trình chinh phục học bổng tiến sỹ tại xứ sở cờ hoaNew

02/07/2024 17:43

Anh Phạm Tiến Cường là cựu sinh viên khóa 2017 ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình Giao thông, Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng. Đầu năm nay, anh đã xuất sắc giành được học bổng toàn phần trị giá 5,8 tỷ VNĐ (bao gồm toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt hàng tháng cho 5 năm học) và học thẳng chương trình Tiến sĩ ngành Kỹ thuật hệ thống (Systems Engineering) tại University of South Alabama, bang Alabama, Hoa Kỳ.

PV: Anh có thể chia sẻ về hành trình học tập của mình tại ngành Kỹ thuật xây dựng Công trình Giao thông (Transportation Construction Engineering) ở Đại học Bách khoa Đà Nẵng?

Anh Cường: Vào năm 2022, mình tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA 3.61/4.0 và là thủ khoa đầu ra ngành Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng với đề tài luận văn tốt nghiệp “Ứng dụng máy bay không người lái và kỹ thuật Deep Learning để phát hiện hư hỏng của cầu”. Đây là 1 trong 5 đề tài nhận được giải “Đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học tiềm năng” tại Hội nghị sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Trường năm học 2021 - 2022.

Trong quá trình học ở Trường, mình đã tham gia nhóm nghiên cứu CERT (Civil Engineering Research & Training, https://www.facebook.com/civilRT) từ năm 2019. Nhờ vào môi trường làm việc chuyên nghiệp và sự dẫn dắt cũng các thầy cô tại Khoa Xây dựng Cầu đường và Nhóm nghiên cứu, mình đã đạt giải Nhất tại Hội nghị sinh viên Nghiên cứu Khoa học tiểu ban Xây dựng Cầu đường và giải Nhì tại Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học cấp Trường năm 2022.

PV: Động lực nào đã thúc đẩy anh nộp đơn xin học bổng toàn phần và tiếp tục học Tiến sĩ tại University of South Alabama?

Anh Cường: Việc được học tập và tham gia các hoạt động nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của các thầy cô trong quãng thời gian học đại học tại Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của Khoa học và Kỹ thuật đối với đời sống của chúng ta. Sau quá trình tìm kiếm học bổng, mình nhận thấy University of South Alabama nói riêng và nước Mỹ nói chung là nơi có môi trường nghiên cứu và học tập hiện đại bậc nhất thế giới. Việc tiếp tục con đường học thuật ở đây giúp mình được tiếp cận những công nghệ và phương pháp nghiên cứu tiên tiến nhất, cũng như học hỏi từ các giáo sư và nhà nghiên cứu xuất sắc để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bản thân.

PV: Quá trình nộp đơn cho học bổng Tiến sỹ tại University of South Alabama, anh đã gặp những khó khăn nào?

Anh Cường: Khó khăn lớn nhất là cân bằng giữa công việc và việc chuẩn bị hồ sơ. Mình đã mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm thông tin về các học bổng, luyện thi chứng chỉ tiếng Anh, cũng như viết CV và bài luận. Cuối cùng, nhờ nỗ lực của bản thân, cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô và một chút may mắn, mình đã nhận được học bổng toàn phần để có cơ hội tiếp tục nghiên cứu và học tập tại University of South Alabama.

PV: Anh đã thích nghi như thế nào với cuộc sống và học tập ở Mỹ? Anh có thể chia sẻ về môi trường học tập và nghiên cứu tại University of South Alabama?

Anh Cường: Mình vừa tới Mỹ được một tháng và đang bắt đầu quá trình thích nghi với cuộc sống và học tập tại đây. Mình đã làm quen với một số bạn bè và tham gia vào các hoạt động của sinh viên quốc tế. Đồng thời, mình cũng dành thời gian tìm hiểu văn hóa, phong tục và lối sống của người Mỹ để dễ dàng hòa nhập và giao tiếp hàng ngày.

Với những kiến thức và kinh nghiệm có được từ Khoa Xây dựng Cầu đường, mình đã lựa chọn hướng nghiên cứu tập trung vào việc sử dụng công nghệ AI để dự đoán lũ lụt và tăng cường khả năng hồi phục cho cộng đồng. Các giáo sư và các bạn sinh viên tại đây rất tận tâm và sẵn sàng hỗ trợ mình. Mọi người thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm. Nhờ những yếu tố này, mình đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống cũng như môi trường học tập và nghiên cứu tại đây.

PV: Những kỹ năng và kiến thức nào anh cảm thấy quan trọng nhất đã giúp anh thành công trong việc giành học bổng và học tập ở nước ngoài?

Anh Cường: Theo kinh nghiệm của bản thân mình, những kỹ năng và kiến thức quan trọng nhất đã giúp mình thành công trong việc giành học bổng và học tập ở nước ngoài bao gồm:

- Kiến thức chuyên môn

- Kỹ năng nghiên cứu

- Kỹ năng quản lý thời gian

- Kỹ năng giao tiếp và xây dựng mạng lưới quan hệ

- Kỹ năng tiếng Anh.

PV: Anh có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên Việt Nam muốn theo đuổi con đường học vấn cao hơn và tìm kiếm học bổng du học?

Anh Cường: Theo kinh nghiệm của cá nhân mình, để tìm kiếm học bổng thành công, bạn cần:

- Xác định rõ mục tiêu học tập và nghiên cứu của mình, bao gồm lĩnh vực quan tâm và các trường đại học, các quốc gia mà bạn muốn theo học.

- Hồ sơ phải đầy đủ và ấn tượng, nêu rõ những thành tích học tập, kinh nghiệm nghiên cứu, mục tiêu nghề nghiệp, cũng như chuẩn bị các tài liệu cần thiết như bảng điểm, thư giới thiệu và chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu.

- Liên hệ với các giáo sư có hướng nghiên cứu phù hợp và trao đổi về ý tưởng nghiên cứu cũng rất quan trọng. Nếu được giáo sư đồng ý hướng dẫn, cơ hội nhận học bổng sẽ cao hơn.

Quá trình tìm kiếm học bổng và theo đuổi con đường học vấn cao hơn có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, mình tin rằng việc kiên trì và không ngừng học hỏi sẽ giúp các bạn vượt qua được những thử thách và đạt được mục tiêu của bản thân mình. Chúc các bạn thành công trên con đường sắp tới!

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh Cường!

CERT (Civil Engineering Research & Training, I-STAR) được thành lập bởi bốn giảng viên thuộc Khoa Xây dựng Cầu đường, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng. Các thành viên sáng lập và Trưởng nhóm TS. Đỗ Việt Hải đều từng học tập và nghiên cứu tại các đại học uy tín tại Hoa Kỳ và Úc. Với sứ mệnh đào tạo các kỹ sư xây dựng chất lượng cao, CERT cung cấp lộ trình đào tạo kéo dài từ nhiều năm, bổ túc kiến thức sử dụng giáo trình tiếng Anh. Trong suốt thời gian này, sinh viên sẽ được cấp 50-100% học bổng ngoại ngữ, khuyến khích tham gia vào các nhóm nghiên cứu chuyên sâu với sự hướng dẫn bởi các giảng viên giàu kinh nghiệm, là môi trường giúp sinh viên phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ. Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ tham gia học hỏi và làm việc có lương từ các dự án xây dựng thực tế trong và ngoài nước. Ngoài ra, CERT còn chú trọng đến việc giúp sinh viên tìm kiếm các học bổng trao đổi ngắn hạn và học bổng thạc sỹ, tiến sỹ, mở ra những cơ hội học tập và nghiên cứu quốc tế.

Thực hiện: Phạm Xuân Yến – Khoa Xây Dựng Cầu Đường
Biên tập: Tổ truyền thông – Khoa Xây dựng Cầu đường
Hiệu chỉnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN