DHBK

Con đường trở thành kỹ sư tập đoàn bán dẫn TSMC của cựu sinh viên Chương trình tiên tiến Việt-Mỹ, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng

25/06/2024 09:33

Anh Đỗ Hoàng Phúc là cựu sinh viên khóa 2013 của Chương trình tiên tiến Việt-Mỹ ngành Điện tử viễn thông, trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng hiện đang làm việc cho tập đoàn TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacuring Company) - một trong những công ty chuyên sản xuất chip và các sản phẩm bán dẫn hàng đầu thế giới. Để trở thành kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn ở một tập đoàn công nghệ đa quốc gia như TSMC, bên cạnh việc lựa chọn ngành học phù hợp thì sự nỗ lực của bản thân trong việc chủ động trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc trong môi trường đa văn hóa cũng như năng lực tiếng Anh đóng vai trò quan trọng.

A person standing in front of a sign

Description automatically generated

Cơ duyên nào để Phúc trở thành kỹ sư của Công ty sản xuất chip rất nổi tiếng như TSMC?

Được trở thành kỹ sư của TSMC là một niềm tự hào và vinh dự của bản thân. Vào năm cuối đại học, thị trường vi mạch đang khá phát triển ở TP. HCM nhưng ở Đà Nẵng thì rất ít công ty vi mạch và sự tiếp cận cũng hạn chế. Năm đó, công ty Synapse (nay là Quest-Global) quyết định mở văn phòng ở Đà Nẵng và nhờ vào sự kết nối của khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến với các anh, chị cựu sinh viên, Phúc đã được nhận vào thực tập lứa đầu tiên. Trong suốt khoảng thời gian làm việc ở Synapse, Phúc đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm nhờ sự chỉ bảo tận tình của các anh chị kỹ sư đi trước, luôn thể hiện sự nỗ lực trong mọi công việc được giao và sẵn sàng tinh thần cho mọi thử thách mới. Chính nhờ tinh thần đó, Phúc đã được công ty gửi đi Nhật công tác gần 01 năm và Phúc luôn cảm thấy biết ơn vì tất cả cơ hội mà Synapse đã cho mình. Sau một khoảng thời gian đồng hành cùng Synapse, Phúc nghĩ đã đến lúc mình nên tìm một thử thách mới cho bản thân và cũng đúng lúc đó TSMC xuất hiện. Vượt qua 03 vòng phỏng vấn và một chút khó khăn trong việc di chuyển vì đại dịch Covid-19, Phúc đã trở thành kỹ sư TSMC và cảm thấy tự hào vì đã đạt được mục tiêu đặt ra cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân.

Phúc có thể giới thiệu qua về công việc hiện nay của mình tại TSMC?

Hiện tại Phúc đang là kỹ sư Thiết kế vật lý (Physical Design) trong team Hỗ trợ khách hàng của TSMC. Khách hàng sẽ gửi Netlist và yêu cầu kỹ thuật, mình sẽ làm việc trực tiếp với khách hàng để layout và tối ưu sản phẩm mà khách hàng mong muốn. Công việc của Phúc khá giống với kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam nên không có quá nhiều sự bỡ ngỡ.

Đã từng làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip từ Synapse rồi giờ là TSMC, Phúc có nhận định như thế nào về cơ hội và sự phát triển của lĩnh vực đang rất hot này trong thời gian tới?

Sự phát triển của công nghệ sản xuất vi mạch trong hàng chục năm qua đã tạo ra hàng ngàn thiết bị điện tử, sản phẩm khoa học mà có thể giúp con người thực hiện hóa những điều tưởng chừng như là không thể trong quá khứ. Chính sự phát triển không ngừng này đã kích thích nhu cầu sử dụng của con người và làm tăng vọt nhu cầu về nhân lực trong ngành bán dẫn. Tuy đi chậm hơn một số nước trong việc đào tạo nhân sự ngành bán dẫn nhưng với sự thông minh và siêng năng của người Việt Nam, mình tin rằng trong tương lai Việt Nam sẽ khẳng định được mình trên bản đồ vi mạch thế giới và cung cấp một lượng lớn nhân sự chất lượng cao.

Để có thể làm việc trong các công ty về thiết kế chip, đặc biệt trong công ty lớn như TSMC, Phúc có thể chia sẽ những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên cần phải được trang bị là gì, cũng như kinh nghiệm của Phúc?

Khi ra ngoài môi trường làm việc thì Phúc cảm thấy những kiến thức và kỹ năng mình trau dồi trong suốt 05 năm đại học là cực kì xứng đáng. Chương trình đào tạo của Khoa được thiết kế và phát triển từ chương trình đào tạo của Mỹ, thể hiện sự hài hòa về kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên môn sâu cũng như các kỹ năng cần thiết để phát triển sự nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động dạy học cũng được đội ngũ giảng viên liên tục cải tiến thúc đẩy năng lực tự học, tự nghiên cứu, sự chủ động của sinh viên trong tất cả các hoạt động dạy và học. Thay vì chỉ ngồi nghe giảng như cách học truyền thống, rất nhiều môn học được thiết kế theo dạng học theo dự án đã giúp sinh viên có cơ hội áp dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề (dự án) của thực tiễn, đồng thời qua đó sinh viên cũng cải thiện được các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động xã hội cũng đóng vai trò quan trọng giúp Phúc trở nên năng động hơn, tự tin hơn, nâng cao khả năng thích nghi với các môi trường khác nhau. Một kỹ năng khác cũng rất quan trọng mà Phúc đã được thừa hưởng từ chương trình tiên tiến đó là tiếng Anh. Để làm việc tốt trong lĩnh vực công nghệ có tốc độ phát triển nhanh như công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch thì năng lực tiếng Anh tốt sẽ giúp cho việc tiếp cận nhanh các nguồn tài liệu tiếng Anh đa dạng, đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội việc làm đa dạng và sự thăng tiến ở các công ty nước ngoài.

Xin cảm ơn những chia sẽ của Phúc

FastMedia

Chương trình tiên tiến Việt-Mỹ được hình thành trên cơ sở Đề án Quốc gia “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015” của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tại trường Đại học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng, có 02 ngành đào tạo theo Chương trình tiên tiến là ngành Điện tử viễn thông và ngành Hệ thống nhúng và IoT. Đặc điểm của chương trình tiên tiến gồm: Chương trình đào tạo được xây dựng và phát triển từ chương trình đào tạo của các trường đại học ở Mỹ (trường ĐH Washington với ngành Điện tử viễn thông, trường ĐH bang Portland với ngành Hệ thống nhúng và IoT); ngôn ngữ đào tạo là tiếng Anh; Chương trình chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên; 100% sinh viên năm cuối được triển khai thực tập và đồ án tốt nghiệp (capstone project) tại doanh nghiệp; Cơ hội việc làm rộng mở tại các công ty, tập đoàn công nghệ trong và ngoài nước, cơ hội du học tại các trường đại học nổi tiếng trên thế giới; Ngoài ra, các chương trình tiên tiến Việt-Mỹ cũng đã được tổ chức kiểm định chất lượng ANU-QA đánh giá và công nhận trong 02 chu kỳ liên tiếp (từ 2016-2028).