DHBK

Dùng trí tuệ nhân tạo để nhận diện gương mặt trong ảnh

23/11/2016 00:55

Trong cuộc thi Mobile Hackathon lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11 vừa qua, nhóm TERMSKIP gồm 3 cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) giành giải “Sản phẩm toàn diện nhất” với ứng dụng chụp ảnh bằng điện thoại Holy Shots, có chức năng nhận diện gương mặt và tự gửi thông báo cho những người có mặt trong ảnh.

Nhóm TERMSKIP nhận giải “Sản phẩm toàn diện nhất” của mùa Mobile Hackathon đầu tiên tại Đà Nẵng. (Ảnh do Ban tổ chức sự kiện cung cấp)
Nhóm TERMSKIP nhận giải “Sản phẩm toàn diện nhất” của mùa Mobile Hackathon đầu tiên tại Đà Nẵng. (Ảnh do Ban tổ chức sự kiện cung cấp)

Giải thích về sản phẩm của TERMSKIP, anh Nguyễn Phúc Hưng, kỹ sư thiết kế, nói đơn giản: Hãy hình dung một nhóm bạn trẻ vừa cùng nhau đi du lịch về, ắt hẳn trong điện thoại của người nào cũng có khoảng vài trăm tấm ảnh. Nhiệm vụ “gian khổ” nhất là phải tìm chọn xem tấm ảnh nào có mặt ai thì gửi cho người đó (còn gọi là “trả ảnh”). Ứng dụng Holy Shots giúp thực hiện nhiệm vụ ấy bằng cách tự nhận diện các gương mặt, rồi tự chuyển ảnh đến những người có mặt trong hình.

Về nguyên tắc, Holy Shots sử dụng bộ thư viện và API (tức giao diện lập trình ứng dụng) của Face++. Các lập trình viên “dạy” Holy Shots nhận diện một người bằng cách cho ứng dụng xem các tấm ảnh của người đó. Anh Nguyễn Hữu Trình, lập trình viên của TERMSKIP cho biết: “Sử dụng trí tuệ nhân tạo của Face++, Holy Shots sẽ tự “học” để càng ngày càng tăng độ chính xác trong việc nhận diện của mình”.

Anh Hưng chia sẻ, lúc trình bày ý tưởng với Ban giám khảo, nhóm vẫn chưa hình dung được sẽ phải thực hiện ý tưởng như thế nào. Hai lập trình viên của TERMSKIP (gồm anh Trình và anh Lê Huy Dũng) đã thức trọn hai đêm của Mobile Hackathon để tìm hiểu công nghệ và lập trình cho “đứa con tinh thần” của mình.

Sau khi tìm được một bộ thư viện vừa phù hợp với túi tiền, vừa đáp ứng đủ yêu cầu về khả năng nhận diện gương mặt và tích hợp trí tuệ nhân tạo, nhóm lại đối mặt với một khó khăn lớn khi… “của rẻ” ít khi nào là “của hoàn hảo”. “Sau khi phấn khích vì tìm ra Face++, mình phát hiện chương trình này không có cơ sở dữ liệu. Trọn một ngày hôm sau, mình phải ngồi mày mò tự bổ sung thêm hàm, vừa viết, vừa cho chạy thử. Sốt ruột nhất là lúc đó nhiều nhóm đã cho ra sản phẩm rồi”,  anh Trình nói.

Tự cho nhóm mình là “liều” khi các lập trình viên đều chưa từng sử dụng làm việc với các nền tảng công nghệ mà Holy Shots sử dụng, anh Trình hài hước: “Đó là ngày căng thẳng nhất của nhóm, đến nỗi không ai cảm thấy đói hay thậm chí là muốn… đi vệ sinh”.

Tuy vậy, sau 24 giờ chạy đua, TERMSKIP cũng kịp hoàn thành sản phẩm Holy Shots của mình để cho chạy thử trong ngày “Demo Day” trước Ban giám khảo cùng 500 khán giả là những người yêu công nghệ ở khu vực miền Trung.

Holy Shots đã vượt qua 18 đội để giành được giải thưởng “Sản phẩm toàn diện nhất”. Anh Nguyễn Quang Tín, đồng sáng lập viên của đơn vị tổ chức Google Developer Group miền Trung đánh giá Holy Shots nổi trội so với các sản phẩm khác nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo – một công nghệ vẫn còn khá mới mẻ và đang thu hút sự quan tâm của giới công nghệ trên thế giới. Hơn nữa, theo anh Tín, ứng dụng này còn có hữu dụng khá cao.

Anh Hưng cho biết, sự kiện Mobile Hackathon tại Đà Nẵng có thể xem là một cột mốc, bởi đây là cơ hội lớn cho người yêu công nghệ thông tin miền Trung học hỏi lẫn nhau, có các va chạm thực tế. “Hy vọng đây là một khởi đầu cho cộng đồng công nghệ tại Đà Nẵng,” anh Hưng nói.

Cuộc thi Mobile Hackathon là một hoạt động chính trong sự kiện GDG DevFest MienTrung 2016 do Google Developers Group MienTrung tổ chức. Đây là lần đầu tiên cuộc thi này được tổ chức tại Đà Nẵng, nhưng hình thức thì không mới lạ với những ai yêu thích và làm việc trong khối ngành công nghệ thông tin. Trong vòng hơn 24 giờ, các lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kỹ sư thiết kế... cùng nhau viết ra một ứng dụng thực tế dựa trên nền tảng ý tưởng có sẵn. Sự kiện Hackathon được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1999 tại Mỹ.

KHANG NINH