DHBK

Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển Đà Nẵng với trụ cột Công nghiệp – công nghệ cao

11/04/2021 20:24

Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng làm quen với các thiết bị hiện đại trong giờ thực hành.

(DSA) – Trong bối cảnh mới, thành phố Đà Nẵng đã xác định phát triển dựa trên 3 trụ cột: Du lịch ; Công nghiệp – công nghệ cao và Kinh tế biển.

Và 5 lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định là: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghĩ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn liền với dịch vụ Logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian đến đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho lực lượng lao động trẻ.
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với ông Ông Phạm Trường Sơn – Thành ủy viên; Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao(KCNC) & các Khu Công nghiệp (KCN) Đà Nẵng về nhu cầu và yêu cầu đối với nguồn nhân lực trong vài năm đến.

Thưa ông, nguồn nhân lực cần cho các hoạt động của Nhà đầu tư tại Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng những năm qua được đáp ứng như thế nào. Và xin Ông cho biết cụ thể, đâu là ngành nghề mới, rộng mở thị trường lao động cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp, khi thành phố Đà Nẵng xác định “Công nghiệp – công nghệ cao” là 1 trong 3 trụ cột phát triển ?.

Ông Phạm Trường Sơn:
Nói toàn cảnh về ngành nghề, thì trong năm 2020, tỷ lệ lao động có trình độ phổ thông tại KCNC và các KCN là 70,17%, lao động trình độ đại học chiếm tỷ lệ 9,5%, lao động có trình độ trung cấp chiếm 6,01%, cao đẳng chiếm tỷ lệ 6,48%.

Qua đó, có thể thấy phần lớn lao động tại Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là lao động phổ thông. Thực tiễn cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại KCNC và các KCN Đà Nẵng vẫn tập trung vào lao động thủ công và công nhân vận hành; do đó các doanh nghiệp không yêu cầu khắt khe về trình độ, chuyên ngành cũng như kinh nghiệm làm việc.

Sau khi tuyển dụng, người lao động sẽ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức để nắm bắt quy trình làm việc. Qua khảo sát, đa số lao động được đào tạo đúng chuyên ngành kỹ thuật khi được tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới trước khi chính thức tiếp nhận công việc.

Một thống kê cũng cho thấy, đến cuối năm 2020 cũng cho thấy, chỉ riêng đợt dịch COVID-19 lần 2, toàn TP Đà Nẵng có khoảng 56.000 lao động bị mất hoặc ảnh hưởng việc làm

Ông Phạm Trường Sơn – Thành ủy viên; Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao & các Khu Công nghiệp Đà Nẵng.

Tuy nhiên, định hướng của thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến là ưu tiên thu hút các dự án đón đầu công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ sinh học, các dự án về nghiên cứu và phát triển phù hợp với Chương trình 36-CTr/TU ngày 13/01/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đôi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế”.

Theo đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn liên quan đến các lĩnh vực trên cũng được dự báo gia tăng trong thời gian đến. Và một nghịch lý là đến nay, một số doanh nghiệp tại các KCN, khu CN công nghệ cao vẫn đang “rất khát” lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề kỹ thuật cao.

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Đà Nẵng về thực trạng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hiện nay có đến 86% doanh nghiệp Đà Nẵng gặp khó
khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn so với bình quân cả nước 3%; 75% doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở vị trí quản lý, giám sát (cao hơn cả nước 3%); 32% doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng công nhân, lao động phổ thông (cao hơn cả nước 7%)…

Về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, trong giai đoạn 2015-2019, số lượng lao động tại KCNC và các KCN tăng bình quân hàng năm khoảng 1.5%; dưới tác động của dịch COVID-19 và xu hướng tăng cường tự động hóa trong các ngành công nghiệp hiện nay, tỷ lệ này được dự báo khoảng 0.7% trong 5 năm đến, tương ứng với nhu cầu hơn 8.000 lao động cho khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng.

Ngoài yêu cầu về trình độ chuyên môn, các kỹ năng mềm như thành thạo ngoại ngữ, tin học, khả năng làm việc nhóm luôn được các doanh nghiệp cân nhắc trong quá trình tuyển dụng.

Giờ học tiếng Nhật với Giáo viên thỉnh giảng đến từ Nhật của sinh viên khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp FDI, kỷ luật lao động là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Nhiều doanh nghiệp FDI xác định việc đào tạo lại sau tuyển dụng là điều đương nhiên để người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu công việc nên đây không phải là vấn đề quá lớn đối với công ty. Hầu hết doanh nghiệp FDI đánh giá người lao động qua tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng như cam kết gắn bó lâu dài với đơn vị.

Trong giai đoạn 2015 – 2019, sự biến động lao động của các doanh nghiệp trong KCN chủ yếu là do người lao động tự ý bỏ việc, chuyển từ doanh nghiệp – KCN này sang doanh nghiệp – NCN khác, Doanh nghiệp đánh giá ý thức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp của nhiều lao động, đặc biệt là lao động trẻ còn yếu.

Phó GS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng Khoa Công Nghệ Thông Tin, trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng dự một giờ thực hành của sinh viên. Ảnh trong bài: T.N.

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng có đề xuất, kiến nghị, gửi gắm gì với các Trường (các Trung tâm – Học viện đào tạo) về đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo ; về tăng cường thời lượng đi thực tế tại doanh nghiệp…

Ông Phạm Trường Sơn:
Hiện nay, sự phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng nhân lực còn rất hạn chế. Hằng năm, Ban Quản lý có hỗ trợ kết nối để sinh viên một số trường Đại học, Cao đẳng được thăm quan thực tế dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN; tổ chức Tọa đàm để tân sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nhà tuyển dụng, qua đó định hướng chuyên ngành và các kỹ năng để rèn luyện.

Để thu hẹp khoảng cách giữa nhà trường và nhu cầu tuyển dụng thực tế, doanh nghiệp nên tiếp tục chủ động liên hệ, đặt hàng đào tạo từ các trường đại học; cho phép các chuyên gia, lao động lành nghề tham gia giảng dạy một số học phần tại các trường đại học để nâng cao tính ứng dụng, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian đến, các Trường cần chú trọng rèn luyện cho sinh viên sớm hình thành tác phong công nghiệp hiện đại, xóa bỏ lề lối, tư duy làm việc cũ, có tinh thần cầu thị, chủ động rèn luyện, học hỏi để đáp ứng vị trí công việc./.

Trần Ngọc thực hiện