DHBK

Giảng viên Trường Đại học Bách khoa chủ trì đề tài KHCN cấp tỉnh: "Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam"

06/09/2023 16:32

Ngày 24/8, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Quảng Nam phối hợp với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức Hội thảo Khoa học: “Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam”.


Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo dưới sự chủ trì của Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN và PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. Hội thảo có sự tham gia của Đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý Vườn Quốc gia Sông Thanh; Trung tâm Công nghệ thông tin & Truyền thông Quảng Nam; Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam: Đại diện Lãnh đạo Chi cục và Cán bộ Quản lý các phòng chuyên môn, Hạt kiểm lâm các huyện trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh; Ban Quản lý các đơn vị: Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi; Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Sao La; Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm; Rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển Quảng Nam; Rừng phòng hộ Nam Trà My và các giảng viên Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN.


PGS.TS. Nguyễn Đình Lâm - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phát biểu (Ảnh: Báo Quảng Nam)

Đây là nội dung nghiên cứu thuộc đề tài Khoa học Công nghệ cấp tỉnh Quảng Nam năm 2021 do PGS.TS. Phạm Thị Kim Thoa - Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN chủ nhiệm đề tài. Hồi thảo lần này được tổ chức nhằm mục đích  chia sẻ thành quả bước đầu của nhóm nghiên cứu, trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học khu hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam cùng những mục tiêu, định hướng trong thời gian tới; kế hoạch xây dựng hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học khu hệ thực vật tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, giới thiệu một số hệ thống phần mềm phục vụ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu và quản lý hệ thống thông minh đa dạng sinh học khu hệ thực vật tỉnh; phục vụ công tác nghiên cứu, quản lý tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia và các sở, ngành, đơn vị liên quan.


PGS.TS. Phạm Thị Kim Thoa – Giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN trình bày tham luận trước hội thảo


Đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo

PGS.TS. Phạm Thị Kim Thoa – Chủ nhiệm đề tài cho biết, Quảng Nam có diện tích rừng tự nhiên lớn thứ hai cả nước, với sự ghi nhận tới thời điểm báo cáo là 1.925  loài thực vật bậc cao có mạch và điều tra bổ sung thêm 827 loài. Đề tài còn công bố 3 loài mới trên tạp chí uy tín thế giới (WoS): Raphiocarpus taygiangensis (Gesneriaceae), Peliosanthes linearifolia (Asparagaceae), Leptomischus multiflorus (Argostemmateae: Rubiaceae), cho khu hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam.


Các đại biểu tham gia thảo luận các nội dung báo cáo của nhóm nghiên cứu

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông minh đa dạng sinh học hệ thực vật các khu rừng đặc dụng tỉnh Quảng Nam”, nhóm nghiên cứu sẽ xác định được danh lục thành phần, giá trị các loài thực vật khu hệ thực vật; kế thừa, xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu quan hệ đa dạng sinh học khu hệ thực vật; xây dựng được bộ tiêu bản ảnh các loài thực vật khu hệ; xây dựng được bản đồ phân bố thực vật khu hệ thực vật.

Các nhà nghiên cứu cũng xây dựng được website quản lý đa dạng sinh học khu hệ thực vật; xây dựng ứng dụng smart quản lý đa dạng sinh học khu hệ thực vật trên hệ điều hành Android/iOS; hoàn thành bản thảo sách các loài thực vật phổ biến, đặc trưng khu hệ thực vật; số hóa được các loài thực vật khu hệ thực vật…


Chia sẻ phần mềm phục vụ công tác quản lý

Tại Hội thảo, các nhà chuyên gia, nhà quản lý đều ghi nhận tính mới, tính khoa học, thực tiễn của các kết quả nghiên cứu nhưng cần làm rõ độ tin cậy của cơ sở dữ liệu các loài thực vật, bổ sung dữ liệu hình ảnh nhận dạng các loài thực vật. Bên cạnh đó, giao diện các phần mềm quản lý thông minh cần được xây dựng lại theo hướng thu hút hơn lồng ghép tuyên truyền bảo vệ rừng, thể hiện tính đặc trưng của tỉnh Quảng Nam cũng như bổ sung thêm  các văn bản, quy chế về quản lý hệ thực vật hiện nay,… Đồng thời nghiên cứu việc tích hợp phần mềm vào một hệ thống quản lý chung của tỉnh Quảng Nam để dễ dàng hơn trong công tác quản lý và tính tới phương án thu phí khi các đối tác muốn sử dụng dữ liệu.

Đại diện Ban chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Phạm Thị Kim Thoa đã ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như có những giải trình cụ thể cho từng nội dung và sẽ có sự hiệu chỉnh phù hợp để hoàn thiện và tăng chất lượng cho đề tài.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH&CN khẳng định đề tài đã xây dựng được một bộ dữ liệu về đa dạng sinh học tại các khu rừng đặcdụng tỉnh Quảng Nam. Đây là bộ CSDL về đa dạng sinh học thực vật các khu rừng đặc dụng đầu tiên của tỉnh Quảng Nam, sẽ góp phần rất lớn vào công tác quản lý, phát triển đa dạng sinh học của tỉnh. Ông cũng nhấn mạnh, Ban chủ nhiệm đề tài cần lưu ý các ý kiến đóng góp để có sự hoàn thiện, hiệu chỉnh các sản phẩm tốt nhất có thể. Đồng thời, đề nghị cho chạy thử nghiệm phần mềm và tổ chức công tác tập huấn cho cán bộ quản lý làm cơ sở đánh giá tính khả thi khi áp dụng trong thực tế.

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN