DHBK

Sinh viên làm "mentor" chia sẻ kinh nghiệm học tập

05/05/2023 10:26

Để hỗ trợ sinh viên cải thiện kết quả học tập ở một số môn học, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã triển khai mô hình sinh viên hỗ trợ học tập.

Mô hình sinh viên hỗ trợ học tập được Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai với một số môn học có số sinh viên nợ môn nhiều.
Mô hình sinh viên hỗ trợ học tập được Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai với một số môn học có số sinh viên nợ môn nhiều.

Học kỳ I năm học 2022 – 2023, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng bắt đầu triển khai mô hình sinh viên hỗ trợ học tập (mentor) ở một số môn học có số lượng sinh viên nợ môn nhiều. Những sinh viên được lựa chọn phải có kết quả học tập tốt, có khả năng truyền đạt.

Lịch hỗ trợ học tập của từng môn học, phòng học đều được thông báo sớm trên các kênh thông tin để sinh viên được biết. Các mentor sẽ có mặt tại phòng học đó trong suốt buổi hỗ trợ để có thể giải đáp thắc mắc từ bài tập, lý thuyết hay kinh nghiệm học tập bộ môn, làm bài tập nhóm… cho những sinh viên có nhu cầu.

Nguyễn Đắc Hoàng Long là mentor ở môn Sức bền vật liệu, nhận xét: “Có một số nội dung kiến thức các bạn hỏi đến đều đã được thầy cô đã truyền đạt, nhưng các bạn lại không chú ý đến. Dẫn đến nhiều chỗ kiến thức bị mất đi nên rất khó để bù đắp hết lỗ hổng kiến thức đó. Trong quá trình đó em và các bạn đã nỗ lực hết sức để có thể củng cố kiến thức nhằm có một bài thi cuối kỳ đạt được điểm tốt hơn”.


Với những câu hỏi khó, các sinh viên là mentor sẽ trao đổi lại với giảng viên để giải đáp cho bạn học vào những giờ tự học tiếp theo.

Trong khi đó, Nguyễn Phúc Lê Huy – làm mentor cho môn Vật lý 2, chương trình chất lượng cao chia sẻ: “Phần lớn nội dung các bạn hỏi đều thuộc các bài tập trong sách, chủ yếu là giải thích rõ lại các công thức, phương trình, cách áp dụng các công thức đó vào bài tập như thế nào. Các bạn cũng có nhu cầu về việc dịch đề sang tiếng Việt, do giáo trình được viết bằng tiếng Anh, và đề thi cũng có 1-2 câu yêu cầu các bạn dịch đề rồi mới làm”.

Nguyễn Phúc Lê Huy cho rằng các bài tập trong sách không quá khó. “Khó ở việc là các bạn chưa hiểu được nội dung giáo trình truyền tải, dẫn đến không biết làm bài tập. Em cũng từng học qua học phần này và bản thân nhận thấy cách trình bày của giáo trình có phần khá khó hiểu, vì vậy khi em giải thích rõ lại thì các bạn lại thấy các bài tập rất dễ dàng”, Huy nhận xét.

Từ quá trình hỗ trợ các bạn sinh viên học môn Vật lý 2, Lê Huy đã soạn tài liệu tổng hợp công thức – bài tập để chia sẻ về phương pháp học bộ môn, cách vận dụng các công thức phù hợp cho từng dạng bài tập. Nhờ vậy, Huy sẽ hỗ trợ cho các bạn nhanh hơn, không cần giải đi giải lại 1 bài nhiều lần cho nhiều bạn.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập ở môi trường đại học, Nguyễn Đắc Hoàng Long cho rằng, sự cố gắng nổ lực của bản thân rất quan trọng. Theo Long, để có thể hiểu và làm được những bài tập của không chỉ môn Sức bền vật liệu mà kể cả những môn học khác cũng thế. Việc đầu tiên đó là cố gắng tập trung, lắng nghe, ghi chép những gì thầy cô đã truyền đạt trên lớp; kí hiệu, đánh dấu vào sách vở những phần quan trọng cũng như những phần còn thắc mắc để lần sau học có thể hỏi các bạn hoặc hỏi thầy.

“Bên cạnh ghi chép trên lớp, sau giờ học, còn phải đọc và làm đi làm lại những bài học mà thầy cô đã dạy. Để tiếp thu bài nhanh hơn thì các bạn cũng có thể tìm hiểu, đọc trước giáo trình, bài giảng mà thầy cô đưa ra. Tìm kiếm những cuốn sách, tài liệu, giáo trình liên quan đến môn học để phát triển thêm kiến thức” – Hoàng Long lưu ý.

Nguyễn Vũ Phú nhận hỗ trợ học tập môn Vật lý 2 thì cho rằng, để có kết quả học tập tốt thì sinh viên phải nắm vững lý thuyết và hiểu sâu về nó. Trong học tập nói chung, để học tập tốt đầu tiên bạn phải thích thú với những gì mình đang học, lên lớp tập trung nghe giảng viên giảng bài, luôn đặt ra những câu hỏi để làm rõ bài học và trao đổi với giảng viên.

TS Phạm Thành Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm học liệu và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận xét: "Tâm lý chung của sinh viên là rất ngại hỏi giảng viên nếu có những vướng mắc trong học tập. Học hỏi lẫn nhau khiến các bạn cởi mở hơn, hỏi được nhiều thứ chi tiết hơn". Học kỳ 2 của năm học 2022 - 2023, nhà trường tiếp tục triển khai mô hình sinh viên hỗ trợ học tập ở các môn Giải tích 2; Vật lý 1; Anh văn 2.1 và 2.2. Sau mỗi phiên trao đổi, sinh viên được hỗ trợ sẽ tham gia đánh giá chất lượng Mentor bằng cách quét QR Code được bố trí tại phòng nhằm góp phần cải thiện, nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động hỗ trợ học tập.

Theo https://giaoducthoidai.vn