Sinh viên đi thực tập ở nước ngoài: Nhiều giá trị cộng thêm
25/02/2021 15:51
GD&TĐ - Trần Văn Vũ và Trần Nguyên Hoàng – SV lớp 16 PFIEV3 (Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) vừa được nhận sang thực tập và làm Capstone Project tại Công ty La SOGET (Pháp) với mức lương 15 triệu đồng/tháng.
Đại diện công ty Logi VietFrance; TS. Lê Quốc Huy-Phụ trách chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) và SV nhận học bổng ký kết thỏa thuận.
Trong năm 2020 Chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có 6 SV sang thực tập và làm Capstone Project - đồ án tốt nghiệp tại Pháp và Canada. Trong đó, có 2 SV làm tại Cty La Soget (Le Havre, CH Pháp), 2 SV tại Polytech Marseille (CH Pháp), một SV tại Grenoble INP (CH Pháp), một SV tại Trường đại học Montréal (Canada). Tất cả SV đều được tài trợ toàn bộ chi phí và được trả lương trong quá trình thực tập và làm Capstone Project. Nhờ thành tích họp tập và nghiên cứu xuất sắc nên đã có 2 SV tiếp tục được nhận học bổng học Master tại Pháp và Canada sau khi hoàn thành chương trình thực tập.
TS Lê Quốc Huy - Phụ trách Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết: "Việc hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước để triển khai thực tập và làm đồ án tốt nghiệp cho SV là hoạt động quan trọng được Khoa triển khai thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó hiện nay khoa đã xây dựng được một mạng lưới hợp tác tương đối rộng và đa dạng để hỗ trợ SV làm thực tập và đồ án tốt nghiệp. Với chương trình PFIEV, các doanh nghiệp nước ngoài có thể do trường đối tác từ phía Pháp giới thiệu và tuyển chọn hoặc được khoa giới thiệu dựa trên mối quan hệ đã được thiết lập (ví dụ như công ty Logi-France và công ty La SOGET)".
Sinh viên khóa 15 PFIEV bảo vệ online từ nước Pháp, Canada.
Năm nay, do tình hình dịch Covid-19 nên Trần Văn Vũ và Trần Nguyên Hoàng sẽ không sang Pháp được mà làm từ xa tại Việt Nam. Khi điều kiện cho phép các em sẽ sang Pháp để tiếp tục công việc. Ngoài toàn bộ chi phí ăn ở và đi lại được tài trợ thì SV còn được trả lương thực tập 15triệu/tháng cùng với cam kết tuyển dụng sau khi tốt nghiệp để làm việc với mức lương tối thiểu 26 triệu/tháng cho Công ty Logi VietFrance tại Đà Nẵng, là đối tác của Công ty LA SOGET- một công ty hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực phần mềm Logistic (vận chuyển hàng hóa), có trụ sở tại thành phố Cảng Le Havre, Pháp.
TS Lê Quốc Huy chia sẻ: "Việc SV phải thực tập từ xa đã dự trù và lên kế hoạch trước từ phía Công ty, sinh viên và Khoa. Các SV, giảng viên phía Việt Nam cũng như GV hướng dẫn và Kỹ sư hướng dẫn phía Pháp đều đã quen với các công cụ làm việc online từ xa. Hơn nữa 2 SV nhận học bổng là SV thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin – chuyên ngành Công nghệ phần mềm – và Công ty phía Pháp (La SOGET) cũng là công ty phần mềm, nên việc thực tập của các em SV hoàn toàn không có vấn đề gì. Tất nhiên các em sẽ thiệt thòi hơn các SV năm trước là không được trải nghiệm một cách trực tiếp môi trường làm việc và đất nước, con người, văn hóa Pháp và Châu Âu".
Cho đến nay, chỉ tính riêng chương trình PFIEV, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã có gần 80 SV thực tập và làm đồ án tốt nghiệp ở nước ngoài. Theo TS Lê Quốc Huy, về cơ bản việc đưa SV đi thực tập và làm đồ án tốt nghiệp ở nước ngoài không gặp khó khăn gì đáng kể. Nhà trường và khoa cũng tạo điều kiện hết sức thuận tiện để SV triển khai các thủ tục giấy tờ cần thiết. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu rất cao vế ngoại ngữ (cả tiếng Anh và tiếng Pháp) nên số lượng SV được tuyển chọn hàng năm còn chưa nhiều.
Theo kế hoạch đào tạo, thời gian thực tập và làm đồ án tốt nghiệp của SV là từ tháng 1 đến tháng 6. Tuy nhiên, có những SV sẽ được doanh nghiệp đề nghị kéo dài thêm thời gian thực tập. Phía công ty sẽ chi trả toàn bộ chi phí và lương trong khoảng thời gian kéo dài này. Như năm 2020, có 4 SV đươc đề nghị kéo dài, phía công ty Pháp không chỉ trả lương mà còn liên hệ ĐSQ Việt Nam tại Pháp để mua vé máy bay cho các em về Việt Nam.
Trong quá trình SV thực tập và làm đồ án tốt nghiệp tại nước ngoài, giảng viên hướng dẫn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp với phía doanh nghiệp để đảm bảo định hướng, nội dung và chất lượng đề tài đáp ứng đủ một luận văn tốt nghiệp kỹ sư PFIEV, cũng như luận văn làm đúng tiến độ để các SV có thể bảo vệ trước Hội đồng hỗn hợp gồm cả GS Pháp và Việt Nam.
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại
https://giaoducthoidai.vn/du-hoc/sinh-vien-di-thuc-tap-o-nuoc-ngoai-nhieu-gia-tri-cong-them-IsJijcsGR.html