DHBK

Lan tỏa niềm đam mê Khoa học Công nghệ đến học sinh THPT tại Hội nghị Khoa học và Triển lãm Công nghệ của Học sinh Sinh viên năm 2020

06/01/2020 05:51

Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và Triển lãm Công nghệ của sinh viên trường Đại học Bách khoa – BKDN Techshow đã trở thành một truyền thống, một sản phẩm mang tính đặc trưng riêng biệt của trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng so với các trường Đại học khác trong khu vực. Năm 2020, Hội nghị mang đến một màu sắc mới khi có sự phối hợp tổ chức và tham gia của Trường THPT Phan Châu Trinh. 

 
Lễ cắt băng khai mạc Hội nghị

Sáng ngày 05/01/2020, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN phối hợp với Trường THPT Phan Châu Trinh triển khai Hội nghị Khoa học và Triển lãm công nghệ (BKDN Techshow) của học sinh, sinh viên năm 2020 tại Trường THPT Phan Châu Trinh. Hội nghị nằm trong khuôn khổ các hoạt động khoa học và công nghệ thường niên của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng cùng với nỗ lực triển khai STEM vào chương trình giáo dục phổ thông, gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học.


Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có TS. Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, Ông Mai Tấn Linh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Đà Nẵng, TS. Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Đà Nẵng, PGS. TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, GS.TS. Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS.TS Trần Văn Nam - Nguyên Giám đốc ĐHĐN, TS. Nguyễn Quang Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh, PGS. TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN cùng các quý thầy cô và học sinh, sinh viên của hai trường THPT Phan Châu Trinh và Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN. 


TS. Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã đánh giá cao mô hình đưa khoa học, công nghệ về tận trường THPT và đề nghị Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố tiếp tục phối hợp, chủ động đưa mô hình về nhiều trường THPT khác trên địa bàn. “Đây là một mô hình hay, một không gian trải nghiệm rất có ý nghĩa đối với bậc học THPT. Nơi các em học sinh vừa có điều kiện giao lưu, học hỏi thêm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học từ các anh chị sinh viên, từ các nhà khoa học, giới nghiên cứu, vừa là mô hình về phương pháp học tập mới, học tập gắn với thực tiễn, không trừu tượng, chung chung” – ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Trong năm học 2019 – 2020, nhà trường đã triển khai 269 đề tài Sinh viên Nghiên cứu Khoa học với sự tham gia của 657 sinh viên đến từ nhiều khóa học khác nhau, không chỉ sinh viên năm cuối khóa học, đội ngũ sinh viên nghiên cứu khoa học ngày càng trẻ hơn với nhiều sinh viên các năm thư tư, thư ba và thứ hai tham gia.

 
Nhóm học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh báo cáo đề tài: “ Elevabot – Thiết bị lên xuống cầu thang tự động”

Tất cả các Khoa đã tổ chức Hội nghị Sinh viên NCKH tại đơn vị với tổng cộng 187 báo cáo tại 14 Tiểu ban chuyên môn đã tạo nên một chuỗi các hoạt động sôi nổi và rộng khắp. Thông qua kết quả của các Hội nghị Sinh viên Nghiên cứu Khoa học của các đơn vị và đề xuất từ các Tiểu Ban chuyên môn, Trường Đại học Bách khoa khen thưởng 14 Giải Nhất, 15 Giải Nhì, 18 Giải Ba, đây là các báo cáo được đề tài xuất sắc đã được tuyển chọn để đăng vào kỷ yếu hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020.

 
Nhóm sinh viên Khoa FAST báo cáo đề tài “Xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt cho tòa nhà thông minh – Đại học Bách khoa”

Sáu đề tài xuất sắc về tính khoa học và ứng dụng đã được tuyển chọn để báo cáo tại phiên toàn thể của Hội nghị. Trong đó có 04 đề tài của sinh viên Trường Đại học Bách khoa: (1)Thiết kế và chế tạo hệ thống băng tải tách đều sản phẩm, (2) Nghiên cứu hoạt tính sinh học và ứng dụng sản xuất thử nghiệm nước uống, mỹ phẩm từ hạt ươi, (3) Xây dựng hệ thống nhận diện khuôn mặt cho tòa nhà thông minh – Đại học Bách khoa, (4) Ứng dụng mô hình Mike Urban để đánh  giá hệ thống thoát nước mưa phía đông Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng; và 02 đề tài của 02 nhóm học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, đó là: (5) Elevabot – Thiết bị lên xuống cầu thang tự động, (6) Thiết bị hỗ trợ viết, vẽ cho người khuyết tật và vẽ cho người khuyết tật tay sử dụng lời nói. 

Kết quả chung cuộc: 

*Giải báo cáo:

Giải Nhất: “Xây dựng Hệ thống nhận diện khuôn mặt cho tòa nhà thông minh”

Giải Nhì:  “Thiết kế và chế tạo hệ thống băng tải tách đều sản phẩm” và “Nghiên cứu hoạt tính sinh học và ứng dụng sản xuất thử nghiệm nước uống, mỹ phẩm từ hạt ươi”.

Giải Ba: “Thiết kế chế tạo xe Hybrid Phun LPG- điện trên cơ sở xe Honda Lead”; “Ứng dụng mô hình Mike Urban để đánh giá hệ thống thoát nước mưa phía Đông Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng” và “Hệ thống quản lý và điều khiển thiết bị dựa trên nền tảng IoT”

*Giải ý tưởng:

Giải Nhất: Thiết kế xe phun thuốc điều khiển từ xa

Giải Nhì: Nghiên cứu chế tạo máy in vữa 3D

Giải Ba: Fish Freshness detector

*Giải Công nghệ:

Giải Nhất: Ứng dụng Kỹ thuật Học sâu trong phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người.

Giải Nhì:  Robot 6 bậc tự do kết hợp xử lý ảnh, Phân loại lá cây dựa vào lá hỗ trợ cho hệ thống tự động tự động nhận dạng cây thuốc nam.

Giải Ba: Thiết kế chế tạo xe Hybrid phun LPG- điện trên cơ sở xe HondaLead, Thiết kế IoT Gateway cho nông nghiệp dựa trên công nghệ Lora. 

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học và Triển lãm công nghệ 2020, lãnh đạo Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã chính thức ký kết hợp tác với lãnh đạo trường THPT Phan Châu Trinh về “Triển khai STEM vào chương trình giáo dục phổ thông, gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học”.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN