DHBK

"Gậy dò đường thông minh" – Công cụ nhân văn hỗ trợ người thiệt thòi

13/02/2019 15:43

Gậy dò đường thông minh (Smart Walking Cane) dành cho người già, người khuyết tật của nhóm sinh viên trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa giành giải Nhất vòng chung kết và triển lãm (Showcase) EPICS, được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong tháng 1 vừa qua.


Nhóm DUT - AC tự tin với nội dung thuyết trình ở vòng 2 - Showcase EPICS

Học không tín chỉ - Học theo dự án để phục vụ cộng đồng

Showcase cũng chính là hoạt động mang tính tổng kết, giới thiệu thành quả của khóa học EPICS (tên đầy đủ tiếng Anh là Engnineering Projet In Community Service/Dự án kỹ thuật trong dịch vụ cộng đồng).

Nội dung EPICS thực chất là khóa học theo mô hình “Học qua dự án (project) liên ngành” được triển khai tại các Trường là thành viên dự án Build-IT/dự án liên quan đến Xây dựng và công nghệ thông tin (gồm DUT - Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa; Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Đại học Lạc Hồng, Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ...Trong đó, với DUT, đây là lần thứ hai, khóa học EPICS được tổ chức.

Khóa EPICS diễn ra suốt 4 tháng (từ tháng 9 đến tháng 12/2018) và kết thúc với hoạt động Showcase (do Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đăng cai). 6 trường tham gia Build-IT đã cử gần 30 nhóm tham dự, trong đó DUT có 5 Nhóm.

Showcase có quy mô 2 vòng. Ở vòng 1, Ban Giám khảo sẽ trực tiếp đến từng không gian giới thiệu dự án của mỗi đội và đặt câu hỏi ngay tại đó (tìm hiểu, trải nghiệm tại chỗ với ý tưởng, với sản phẩm). Sau đó các giám khảo hội ý chấm điểm. Kết quả, chỉ có 6/gần 30 đội xuất sắc nhất được chọn để tiếp vào vòng 2. Ở vòng 2, các đội thực hiện thuyết trình (và trả lời câu hỏi liên quan đến) đề tài/dự án của mình bằng Anh ngữ.

DUT và Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, mỗi Trường có 2 đội góp mặt ở vòng 2; 2 đội còn lại là đại diện của Đại học Sư phạm kỹ thuật và Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Chung cuộc, DUT giành được 1 trong 3 giải Nhất. 2 giải Nhất còn lại thuộc về Đại học Sư phạm kỹ thuật và Đại học Bách khoa (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Sinh viên phát triển hiệu quả các phẩm chất, kỹ năng được huấn luyện

Với ý nghĩa nêu trên, EPICS chính là khóa học (thiên về huấn luyện kỹ năng) thông qua dự án, phục vụ cho cộng đồng.

Các tổ chức triển khai thực hiện EPICS gồm Đại học bang Arizona (Arizona State University- viết tắt là ASU), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); tài trợ: Công ty DOW Chemical . 4 Đại học (Việt Nam) tham gia dự án này gồm: Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Lạc Hồng.

Trong khuôn khổ dự án Build-IT/dự án liên quan đến Xây dựng và công nghệ thông tin (cũng do Đại học bang Arizona khởi xướng và chủ trì thực hiện) có thêm Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ) tham gia. 

“EPICS đã mang đến cơ hội để sinh viên được trải nghiệm các kỹ năng như một kỹ sư thực thụ. Thông qua các dự án, sinh viên học được cách làm việc nhóm, cách đưa ra ý tưởng, bảo vệ ý tưởng và sau đó trình bày ý tưởng để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng. Họ cũng sẽ được rèn luyện về tinh thần doanh nhân, điều sẽ giúp ích cho họ rất nhiều khi làm việc ở “thế giới thực” sau này”, bà Alexandra Stinchfield, Phó Giám đốc Điều hành ASU, nhấn mạnh.

Dù là khóa học không tín chỉ (non – credit), nhưng từ EPICS, đã có hàng trăm sinh viên theo học nhiều chuyên ngành khác nhau được huấn luyện/đào tạo, để rồi, họ sử dụng thành thạo các kỹ năng trong lĩnh vực kỹ thuật, thiết kế và sáng tạo trong quá trình thực hiện, biến các ý tưởng thành giải pháp cho các tổ chức từ thiện, trường học và tổ chức phi lợi nhuận trên toàn thế giới.

Tại DUT, khóa học EPICS qua 2 lần tổ chức, đã thu hút hàng chục sinh viên đến từ các khoa FAST, Điện, Cơ khí, Quản lý dự án, Môi trường, Kiến trúc và một số sinh viên đến từ Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Thầy Ngô Đình Thanh (bìa trái) và Thầy Lê Hoài Nam (bìa phải ảnh) cùng thành viên nhóm DUT-AC tại Showcase EPICS (18/1/2019).

Từ ý tưởng đến giải pháp thực tế là “công cụ nhân văn”

Ban Giám khảo đã dành cho 2 đại diện Nhóm dự án DUT có mặt ở vòng 2, những ngợi khen về tính sáng tạo thông qua các dự án hữu ích phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, Nhóm sinh viên DUT-AC đã giành một giải Nhất của cuộc thi được đánh giá rất cao ở phần thuyết trình tại vòng 2 của Showcase trước đội ngũ Ban Giám khảo là những chuyên gia rất am tường.

DUT-AC  quy tụ các bạn trẻ học ở nhiều chuyên ngành khác nhau gồm Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử - Khoa Cơ khí, Ngành Tin học Công nghiệp, Ngành Công nghệ phần mềm, Khoa Điện tử Viễn thông, Khoa Môi trường. Và chính yếu tố  “biết tích hợp” các chuyên ngành trong thời gian học theo dự án (EPICS) đã mang lại thành công cho đề xuất của họ.

Gậy dò đường thông minh (Smart Walking Cane) được trang bị nhiều cảm biến đo khoảng cách, góc quét đa dạng, phát hiện được vật cản ở nhiều phía trên lộ trình người sử dụng đang hướng đến. Gậy báo cho chủ nhân của mình thông qua các chế độ rung trên tay cầm.

Bên cạnh đó gậy còn được tích hợp các chức năng, tiện ích khác gồm cảnh báo tai nạn, GPS, tự động thông báo về người thân và gia đình khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Sản phẩm được ghi nhận “có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người sử dụng và đối tượng sử dụng cũng rộng lớn”.


Ban Tổ chức trao giải Nhất đến DUT-AC.

“Trong những lần thâm nhập thực tế, em và các bạn để tâm quan sát và nắm bắt được khó khăn, bất cập cũng như tận mắt chứng kiến tai nạn không mong muốn trong đi lại của người khiếm thị, người già. Nhẹ thì va chạm, nặng hơn thì trượt ngã,… Và Nhóm chúng em đã nảy sinh ra ý tưởng chế tạo Gậy dò đường thông minh.

Trong quá trình chế tạo, khó khăn lớn nhất của nhóm em là cố gắng làm sao để thiết kế gậy tạo được cảm giác thoải mái, thao tác dễ dàng nhất cho người sử dụng như việc giảm kích thước, trọng lượng,…

Trong tương lai, Nhóm sẽ tiếp tục tối ưu hóa các chức năng, phần cứng, cũng như thêm một số chức năng cần thiết khác và tiếp tục thử nghiệm sản phẩm trực tiếp với người dùng, tiếp nhận ý kiến, phản hồi để phát triển sản phẩm” - sinh viên Lê Quốc Tín (Nhóm trưởng DUT-AC), hiện đang học lớp 15CDT1, chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử (Khoa Cơ khí) chia sẻ.


Các thành viên của 5 Nhóm DUT có mặt tại Showcase EPICS.

Xuân Tươi – Trần Ngọc
Theo http://www.ictdanang.vn