DHBK

Sẵn sàng mọi điều kiện để sớm ra đời “Vườn ươm Công nghệ thông tin” đầu tiên tại Đà Nẵng

28/05/2015 00:53

Đà Nẵng sẽ tổ chức đào tạo chính quy Kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật bản và đào tạo Kỹ sư an ninh thông tin, an toàn hệ thống. Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình - Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (CNTT) – Đại học (ĐH) Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết như trên tại buổi Toạ đàm “Hợp tác & Phát triển giữa Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Phần mềm và ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng” diễn ra chiều nay 27/5 tại Công viên phần mềm, 2 Quang Trung, Đà Nẵng.

alt

SV khoa CNTT ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng trong giờ thực hành. -Ảnh: T.Ngọc.

“Vườn ươm CNTT là điểm gặp gỡ giữa 3 Nhà, Nhà trường-Nhà DN và Nhà nước (qua cơ chế, chính sách, chủ trương kịp thời). 3 Nhà cùng ươm tạo, nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp của SV chuyên ngành, hỗ trợ các em SV học giỏi, rất đam mê CNTT và có ý chí sáng tạo nhưng gia cảnh lại rất khó khăn. Về lâu dài, 3 Nhà cùng phối hợp để xây dựng những đề tài, công trình nghiên cứu hoặc sản phẩm cụ thể theo đặt hàng của DN; hoặc cũng có thể đó là những ý tưởng, đề xuất từ chính SV nhưng có giá trị thực tiễn rất cao, phù hợp với môi trường ứng dụng, phù hợp với nhu cầu của đời sống cũng như yêu cầu quản lý” - Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

Đề xuất này lập tức nhận được sự ủng hộ từ ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng CNTT (gọi tắt là Trung tâm IID), đơn vị sự nghiệp thuộc Sở TT&TT TP Đà Nẵng. Ông Phong cho biết, một trong những chức năng, nhiệm vụ của đơn vị là xây dựng và hình thành vườn ươm. Với điều kiện hạ tầng kỹ thuật hiện nay, IID có đủ khả năng tạo lập môi trường, đáp ứng cho vườn ươm CNTT ra đời và đi vào hoạt động. Để sớm khởi động vườn ươm, ông Phong chính thức đề nghị Khoa CNTT cũng như ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) dành thời gian để 2 bên xúc tiến nhanh các phiên thảo luận sâu theo chuyên đề, sẵn sàng các khâu cần thiết cho việc ra đời vườn ươm CNTT đầu tiên tại Đà Nẵng.

Nhà trường sẵn lòng mời DN cùng tham gia vào quy trình đào tạo

Toạ đàm “Hợp tác & Phát triển giữa Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Phần mềm và ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng” là một trong những hoạt động hướng đến Kỷ niệm 40 năm thành lập ĐH Bách khoa Đà Nẵng (sẽ diễn ra vào ngày 19/9/2015); đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của của Cộng đồng DN.CNTT, DN phần mềm đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, mà chính các DN sẽ là địa chỉ thụ hưởng thành quả đào tạo.

alt
Giáo sư-Tiến sỹ Lê Kim Hùng phát biểu tại buổi toạ đàm. -Ảnh: T.N.
alt
Chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Quang Thanh- Phó Giám đốc Sở chuyên trách lĩnh vực CNTT, Giám đốc Trung tâm IID, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng tại Toạ đàm.
-Ảnh: T.N.

Giáo sư.Tiến sỹ Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) khẳng định: Nhà trường luôn quan tâm và đặc biệt coi trọng các nội dung hợp tác, nhất là hợp tác cùng DN. Bởi, qua khảo sát từ SV đã tốt nghiệp, từ nhu cầu tuyển dụng của DN, Nhà trường nhận thấy không thể thiếu vai trò của DN trong suốt quá trình đào tạo. DN là nơi các em sẽ về thực tập (số liệu của Khoa chuyên ngành CNTT cho thấy, 95% SV ĐH Bách khoa Đà Nẵng về thực tập tại các DN.CNTT), hay đến liên hệ để làm luận văn tốt nghiệp; ý kiến từ chính DN về phương pháp, nội dung đào tạo đã giúp Nhà trường điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện ngày một cao hơn chương trình đào tạo. Đặc biệt, nhiều nội dung đào tạo rất cần cho SV, Nhà trường cũng chủ động mời và được các chuyên gia hay đại diện lãnh đạo DN nhận lời đến nói chuyện, huấn luyện, bồi dưỡng, có khi là một bay bài giảng thấu đáo, bổ ích cho các em. Mọi nỗ lực của chúng tôi nhằm ngày càng cung ứng một nguồn lực sát với nhu cầu tuyển dụng và cố gắng giảm bớt thời gian, chi phí đào tạo thích nghi của DN.

Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình-Chủ nhiệm Khoa CNTT- bổ sung thêm: Hợp tác cùng DN mang lại cho Nhà trường nhiều giá trị mới và đóng góp rất thiết thực cho quy trình đào tạo. Chẳng hạn chuyên gia hay lãnh đạo của DN cùng hướng dẫn các em SV làm đồ án tốt nghiệp, thậm chí trước đó, còn gợi ý đề tài tốt nghiệp để Khoa, Trường tham khảo, chọn. Lại có đại diện DN đến và định hướng cho các em về công việc, vị trí tuyển dụng nên sẵn sàng tham gia. Ngoài ra, từ hợp tác cùng DN, ĐH Bách khoa Đà Nẵng có thêm Phòng thí nghiệm thực hành (Nokia), Trung tâm đào tạo xuất sắc (IBM)…

Sắp đến, Trường hợp tác cùng Trung tâm IID (thuộc Sở TT&TT Đà Nẵng), để chuẩn bị cho việc ra đời vườn ươm CNTT đầu tiên của Đà Nẵng. Rõ ràng vườn ươm sẽ nơi 3 Nhà cũng phối hợp để ươm tạo, nuôi dưỡng những ý tưởng, sáng tạo, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực.

alt

Công nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có bước phát triển ấn tượng, ngoạn mục; mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu đáng kể. Đây là điều mà 15 năm trước, nhiều người cho rằng "chuyện đó khó xảy ra" bởi xuất phát điểm về công nghiệp CNTT của Đà Nẵng chậm hơn 2 TP lớn ở 2 đầu đất nước.

Trong ảnh: Giờ sản xuất tại CTCP Tâm hợp nhất (Unitech).

-Ảnh: T.N

Nhiều cơ hội “rõ mười mươi” cho Nhà trường và cho SV ngành CNTT

Thay mặt Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Thanh-Phó Giám đốc Sở chuyên trách lĩnh vực CNTT, Giám đốc Trung tâm IID, Phó Chủ tịch Hiệp hội, khẳng định rằng: Hiệp hội DN Phần mềm Đà Nẵng sẵn sàng là cầu nối để kết gắn các DN phần mềm và cả DN.CNTT với Nhà trường. Bởi đây là vấn đề đôi bên cùng có lợi, và sẽ có đóng góp thiết thực hơn cho sự nghiệp phát triển CNTT của TP.

Ông Thanh cũng vui mừng thông báo với Nhà trường, UBNDTP vừa có quyết định (mới) về chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp phần mềm trên địa bàn Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 01/2015 nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác quan trọng của năm, trong đó nêu rõ “nhân rộng mô hình Chính quyền điện tử TP Đà Nẵng”.

alt

Ông Lê Sơn Phong – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng CNTT - cho biết : Sẵn sàng là "bà đỡ" để vườn ươm CNTT đầu tiên của TP Đà Nẵng ra đời ngay tại Công viên phần mềm.

-Ảnh: T.N.

Đây là những thông tin thể hiện rõ quyết tâm và sự quyết liệt trong hành động của lãnh đạo từ TP đến TƯ về phát triển công nghiệp CNTT và ứng dụng CQĐT. Điều này sẽ mang đến cơ hội cho các DN.CNTT, nhất là các đơn vị chuyên xây dựng các phần mềm quản lý, điều hành cũng như phần mềm ứng dụng CQĐT, phần mềm liên thông. Các em SV cần biết những thông tin này để nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành, nghề mình đang học cũng như hướng phát triển trong tương lai của CNTT và Truyền thông tại Việt Nam.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý thêm cùng Khoa và Nhà trường về nguồn nhân lực cho lĩnh vực kiểm thử phần mềm. Nếu trước đây trên địa bàn Đà Nẵng, chỉ có 1 DN, thì nay đã có trên 5 DN chuyên về kiểm thử. Khoa và Nhà trường cần chủ động trong đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực” – ông Thanh nói thêm.

Đến từ FPT Software-Chi nhánh Đà Nẵng, ông Nguyễn Tuấn Phương chia sẻ thêm: Hoạt động hợp tác giữa ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) với DN, trong đó có đơn vị chúng tôi, vừa qua, đã thu được nhiều kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Các chuyên gia FPT đã đến nói chuyện và lên lớp một số chuyên đề sát với yêu cầu của thực tế sản xuất, gia công phần mềm. Thời gian đến, nội dung hợp tác có thể mở rộng thêm. Ví dụ các chuyên gia FPT sẽ cùng các em SV hoàn thiện, nâng cấp ở mức cao hơn một đề tài, một công trình nghiên cứu. Với kinh nghiệm về khả năng ứng dụng thực tiễn của đề tài, của một công trình nghiên cứu, chắc chắn các chuyên gia FPT sẽ hỗ trợ đắc lực để các em có được những sản phẩm trí tuệ thiết thực, tính khả thi cao.

Hợp tác để đón đầu cơ hội và giảm các thách thức, hạn chế các nguy cơ

Qua thông tin chia sẻ từ các bên, Giáo sư-Tiến sỹ Lê Kim Hùng cho rằng, các cơ hội và nội dung hợp tác vừa phong phú, vừa đáp ứng những đòi hỏi của đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo, đáp ứng đòi hỏi từ chính địa chỉ sẽ sử dụng nguồn lực mà Nhà trường đào tạo đã mở ra rất nhiều, có những lĩnh vực trở nên cụ thể hơn.

alt

Giáo sư.Tiến sỹ Lê Kim Hùng-Hiệu trưởng và Phó GS.TS Nguyễn Thanh Bình-Chủ nhiệm Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa-ĐH Đà Nẵng) trong một lần thăm lớp trong giờ thực hành.

-Ảnh: T.Ngọc.

Ông Lê Kim Hùng cho rằng, hiện nay các DN.CNTT Nhật bản có nhu cầu tuyển dụng lao động chuyên ngành CNTT rất cao, Trường cũng đã sẵn sàng về chương trình, thời gian và nội dung đào tạo Kỹ sư CNTT theo chuẩn Nhật bản; để đón đầu cơ hội cung cấp nguồn nhân lực cho phía Nhật bản, cần có tiếng nói chung giữa Nhà trường (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) – sự ủng hộ của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành (Sở TT&TT TP) cùng cộng đồng DN, ở đây có vai trò rất lớn của Hiệp hội DN phần mềm Đà Nẵng, Bên cạnh đó, vấn đề an toàn mạng-an ninh thông tin ngày càng trở nên bức bách, các nguy cơ ngày một xuất hiện nhiều hơn. 3 Nhà ở TP chúng ta cũng cần có tiếng nói chung, sớm đưa vào chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ sư hệ thống phụ trách lĩnh vực an toàn mạng-an ninh thông tin. Trước mắt, cần tổ chức đào tạo ngay cho đội ngũ quản trị viên, chuyên viên CNTT các Sở, ban, ngành; UBND các Quận/huyện, Phường/xã; nhất là các cơ quan trọng yếu của Nhà nước.

Đến nay, TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội đã triển khai mô hình đào tạo này, thì Đà Nẵng chúng ta vẫn còn chậm, dù các thách thức và nguy cơ của tấn công mạng, tình trạnh đánh cắp dữ liệu thì đã rõ.

“Chúng tôi cho rằng cả hai phía (Nhà trường & DN) vẫn còn có khoảng cách nhất định. Ở góc nhìn về DN, chúng tôi cũng nhận ra những điều chưa thật sự hài lòng. Chẳng hạn DN chưa giữ đúng cam kết với Nhà trường về tuyển dụng, dù có ký chú hẳn hoi biên bản hợp tác, nhưng rồi “quên”, không thực hiện. Lại có DN chưa minh bạch, thiếu công khai và không thông tin cho Nhà trường về nhu cầu tuyển dụng. Nhiều DN luôn kêu ca về chất lượng nguồn lực, song, khi được mời tham gia quá trình đào tạo, lại từ chối. Bên cạnh đó, còn quá ít các “đơn đặt hàng” cụ thể từ DN gửi đến Nhà trường, khiến Nhà trường luôn bị động trong đào tạo. Chúng tôi cho rằng mọi vấn đề cần được giải quyết trách nhiệm và thiện chí ở cả 2 phía, chứ không trách và đổ hết trách nhiệm cho Nhà trường” – ông Nguyễn Quang Thanh nhấn mạnh khi bàn về Hợp tác & Phát triển giữa DN với Nhà trường.