DHBK

Vòng chung kết quốc gia TI MCU Contest

04/11/2014 14:21

Vòng chung kết Cuộc thi thiết kế, chế tạo các hệ thống, thiết bị điện tử ứng dụng chip vi điều khiển (MCU) Texas Instruments (TI) dành cho khối Cao đẳng, Đại học toàn quốc năm 2014 (gọi tắt là TI MCU Contest 2014) sẽ chính thức diễn ra tại Phòng Hoàng Sa, Trung tâm Học liệu, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vào ngày 6/11 sắp đến.

alt
Vòng chung kết quốc gia TI MCU Contest 2014 có sự gặp gỡ thú vị của 2 đề tài thiết kế-chế tạo liên quan đến thiết bị bay Quad-Copter. -Ảnh: T.Ngọc.

Sau 8 tháng (kể từ ngày chính thức phát động cuộc thi) ; sau 3 vòng chung kết cấp khu vực, 9 đội tuyển góp mặt cho vòng chung kết toàn quốc là những đội thật sự mạnh nhất làm nên sự kiện nghiên cứu khoa học thú vị, nơi các Thầy Cô giáo, các Nhà Nghiên cứu, các bạn SV chuyên ngành đam mê nghiên cứu khoa học và đại diện Tập đoàn điện tử hàng đầu tại Hoa kỳ và trên thế giới: Texas Instruments cùng gặp gỡ và trao đổi thông tin, ý tưởng về các sáng kiến mới nhất trong lĩnh vực thiết kế với vi điều khiển, hệ thống nhúng cùng các ngành liên quan.

3 đại diện của khu vực miền Trung đều là các anh hào đến từ Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

alt
Nhóm PIV-VK (Khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa–Đại học Đà Nẵng) với sản phẩm Chiếc Gương thông minh.                                   -Ảnh: T.Ngọc.

• Nhóm PIV-VK (Khoa Điện tử - Viễn thông, ĐHBK – Đại học Đà Nẵng) với đề tài “Hệ thống gương thông minh kiêm thiết bị theo dõi sức khỏe chiều cao, cân nặng”. Đây là Đội đã đoạt Giải Nhất vòng chung kết cấp khu vực.
• Nhóm NXH (Trung tâm Xuất sắc, CTTT ECE,ĐHBK – Đại học Đà Nẵng) với sản phẩm “Máy CNC (máy công cụ) mini”. Giải Nhì vòng chung kết cấp khu vực. 
• Đội về thứ Ba: Nhóm Passion (Trung tâm Xuất sắc, CTTT ECE,ĐHBK – Đại học Đà Nẵng) với đề tài thiết kế “Thiết bị bay cứu hộ Quad-Copter”.

Tương tự 3 đội khu vực đại diện miền Bắc cũng từ “lò kỹ thuật” Bách khoa Hà Nội
• Nhóm EDA-PRO với đề tài “Nhà thông minh”.
• Nhóm BK-HEART với đề tài “Measuring cardiac output based on impedance cardiography”.
• Nhóm BK-HIT với đề tài “Solar charger - Bộ sạc pin năng lượng mặt trời”.

Trong khi đó, đại diện khu vực miền Nam khá đa dạng

• Nhóm T-BOT (Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) mang đến cuộc thi đề tài “Chế tạo Robot sâu chi phí thấp”.
• Thêm 1 đề tài liên quan đến thiết bị bay Quad-Copter đó là đề tài “Thiết kế thiết bị bay Quad-Copter điều khiển bằng sóng radio” của Nhóm DE&T đến từ Đại học Cần Thơ. 
• Và cuối cùng là Nhóm HCMUT (Đại học Bách Khoa TP.HCM) với đề tài “Centella Robot”.

Vòng chung kết quốc gia TI MCU Contest 2014 hứa hẹn sẽ đầy kịch tính bởi 9 gương mặt nói trên đều có trình độ ngang nhau.

Thật sự là cuộc tranh tài trí tuệ

Phó GS.TS Phạm Văn Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Chương trình tiên tiến - ECE, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), thay mặt BTC TI MCU Contest 2014 cho biết:

Về tiêu chí đánh giá, Bam Giám khảo vẫn giữ nguyên khung chấm điểm với từng tiêu chí kỹ thuật nghiêm ngặt cũng như kỹ năng thể hiện của các Đội: Mức độ hoàn thiện; Tính ứng dụng thực tiễn; Mức độ ứng dụng các thiết bị tương tự của TI. Bên cạnh đó là phương pháp minh họa và mô phỏng hệ thống được thiết kế trong thuyết trình đề tài cũng như trả lời các câu hỏi làm rõ thêm (về nguyên lý thiết kế, chế tạo ; tính khả thi trong ứng dụng) do Ban Giám khảo đưa ra.

“Các Nhóm nghiên cứu vẫn trình bày báo cáo bằng slide tiếng Anh và thuyết trình vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Anh. Điều này yêu cầu các em phải vận dụng các kỹ năng tổng hợp để chinh phục Ban Giám khảo, khán giả” - Phó GS.TS Phạm Văn Tuấn nhấn mạnh.

Giải thưởng vòng chung kết quốc gia được ghi nhận rất "nặng tay":

- Một giải Nhất: 2000 USD; 
- Một giải Nhì: 1000 USD; 
- Một giải Ba: 500 USD; 
- Giải Triển vọng nhất: 300 USD; 
- Giải Thuyết trình tốt nhất: 200 USD.

alt
Chơi trên sân nhà, các đại diện khu vực miền Trung có lợi thế hơn !. -Ảnh: T.N.

Trung tâm Xuất Sắc và dấu ấn 40 năm một học hiệu kỹ thuật cấp Vùng

Đây là lần thứ II, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đăng cai tổ chức vòng chung kết cấp quốc gia (ngoài ra, Nhà trường còn đăng cai 3 lần vòng chung kết cấp vùng).

Trong 5 năm tham gia TI MCU Contest, SV Trung tâm Xuất Sắc theo học Chương trình đào tạo tiên Tiến ngành Điện tử-Viễn thông và Hệ thống Nhúng (cùng với Khoa Điện tử-Viễn thông) đã tích cực tham gia và tham gia đông nhất trong các cuộc thi TI MCU, đồng thời đều giành vị trí, thứ hạng rất cao.

Năm 2013, đề tài “Hệ thống điều khiển xe lăn dùng cho người tàn tật” của Nhóm SV năm cuối (tên Đội là Three Idiots - Ba chàng ngốc), của Chương trình Tiên tiến Điện tử-Viễn thông (gồm Trần Quang Nam, Nguyễn Văn Tây, Dương Nguyễn Khánh Nam), đã đạt giải Nhất vòng chung kết cấp khu vực.

Đề tài này hội tụ đầy đủ các yếu tố về mặt kỹ thuật, nhân văn và tính thực tiễn cao và đang từng bước hoàn thiện để trở thành sản phẩm đưa vào phục vụ cuộc sống.

alt

Phó GS.TS Phạm Văn Tuấn Phó Giám đốc Trung tâm Xuất sắc, Chương trình tiên tiến - ECE, Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), thay mặt BTC TI MCU Contest 2014 cấp Khu vực trao giải Nhì đến Nhóm NXH (Trung tâm Xuất sắc) với sản phẩm Máy CNC (máy công cụ) mini.

 -Ảnh: T.Ngọc.

Đến nay, Trung tâm Xuất Sắc (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng trong khuôn khổ hợp tác với Đại học Washington và Đại học Portland State của Hoa Kỳ), nơi tổ chức đào tạo theo chương trình tiên tiến chuyên ngành ngành Điện tử-Viễn thông và Hệ thống Nhúng (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh); đã chứng minh được khả năng trang bị phong phú hàm lượng kiến thức chuyên môn và kỹ năng sẵn sàng tham gia các sân chơi khoa học cho SV.

Trung tâm Xuất Sắc luôn là đơn vị có số đội tuyển tham dự ổn định nhất trong các lần diễn ra TI MCU Contest.

Trung tâm Xuất Sắc (Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) còn có quan hệ với các doanh nghiệp nổi tiếng như Texas Instruments, Intel, Renesas, Công ty TNHH eSilicon, Tektronix, Cadence. Tòa nhà làm việc của Trung tâm hiện có 1 Phòng Thí nghiệm máy tính (Intel tài trợ) ; 1 Phòng Thí nghiệm hệ thống Nhúng (Texas Instrument tài trợ), 1 Phòng Thí nghiệm điện tử cơ bản (Tektronix tài trợ).

Hầu hết SV tốt nghiệp của trung tâm đã có việc làm trong đó khóa 2006-2011 có 44% sinh viên học tiếp lên thạc sỹ tiến sỹ và 52% sinh viên tìm được việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài.

Đối với Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng, việc đăng cai tổ chức TI MCU Contest 2014 cũng là sự kiện hướng đến kỷ niệm 40 năm thành lập Nhà trường (1975-2015).

Từ ngôi trường kỹ thuật đầu tiên tại khu vực miền Trung góp một phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực ; đến nay Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng còn là địa chỉ đào tạo nguồn nhân lực bậc cao.

Với quy mô 10 Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, hơn 50 phòng thí nghiệm hiện đại, cùng đội ngũ Giảng viên (trong đó Giảng viên có trình độ từ Tiến sỹ trở lên chiếm trên 30%, vượt xa so với quy định hiện hành), Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức đào tạo 12 chuyên ngành bậc Tiến sỹ và 16 chuyên ngành bậc Thạc sỹ.

alt
Kỷ yếu Cuộc thi (vòng chung kết cấp khu vực). -Ảnh: T.N.