DHBK

Chính thức phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ Nhất 2013

12/01/2013 01:13

Sáng nay (15/1/2013), cùng lúc với ĐH Bách khoa Hà Nội, tại ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi Ứng dụng vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất 2013 (VMAC 2013).

Ban Tổ chức {Sở KHCN, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch – ICDREC (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh} cho biết: 

Robot tự động thăm dò địa hình (Automatic Avoiding and Mapping Robot của Đội ANONYMOUS, ĐH Bách khoa- ĐH Đà Nẵng, giải Nhì (với phần thưởng trị giá 1.000 USD) tại cuộc thi Thiết kế với vi điều khiển Texas Instrument 2012 - cấp Quốc gia.

Sinh viên Việt Nam chịu khó và giàu ý tưởng, chắc chắn VMAC 2013 sẽ nơi hội tụ chất xám sáng tạo của thế hệ trẻ hôm nay với những ý tưởng sát sườn với nhu cầu cuộc sống và phát triển.                                                   - ảnh: T.Ngọc

VMAC 2013 là cuộc thi lần đầu tiên được tổ chức và được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia. Thông qua cuộc thi nhằm phát huy tiềm lực nghiên cứu và ứng dụng trong nước sử dụng các vi điều khiển do Việt Nam thiết kế để tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao phục vụ phát triển kinh tế xã hội và kể cả an ninh quốc phòng .

Cuộc thi cũng sẽ ghi nhận các ý kiến phản biện về Chip vi điều khiển (MCU) SG8V1 và trình biên dịch Việt Nam từ các chuyên gia, lực lượng nghiên cứu trong nước tiến đến hoàn thiện dần, sản xuất hàng loạt ; đồng thời phát triển các phiên bản tiếp theo của MCU- SG8V1. 

Chưa thỏa mãn với phần Hỏi-Đáp trong hội trường, các bạn sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng tiếp tục " vây " Thạc sỹ Nguyễn Minh Chánh khi Lễ phát động đã bế mạc. -ảnh: T.Ngọc

Chúng ta cùng góp sức để tạo ra các sản phẩm vi mạch nói chung và vi điều khiển Việt Nam nói riêng đạt chất lượng cao, phù hợp với người tiêu dùng, ứng dụng rộng rãi vào nhiều lĩnh vực – Thạc sỹ Nguyễn Minh Chánh, Trưởng phòng Hệ thống Nhúng thuộc ICDREC - nhấn mạnh với các bạn sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng. 

Tất cả những người quan tâm và yêu thích đến công nghệ Vi điều khiển và trình biên dịch Việt Nam đều có thể tham gia cuộc thi (hẳn nhiên sẽ trừ các thành viên thuộc Ban Tổ Chức cuộc thi và thành viên ICDREC).

Một trong những quyền lợi của các tác giả, các thí sinh tham dự đó là sẽ được đào tạo-huấn luyện về SG8V1 MCU (trong thời gian từ 15 - 17/05/2013.) ; qua khóa tập huấn đó, cũng như suốt quá trình thực hiện sản phẩm, người dự thi còn có thêm cơ hội giao tiếp với phần cứng gồm SG8V1 MCU trên FPGA và bộ lập trình SG8V1. Ngoài ra, tham dự VMAC 2013, người dự thi được phát triển kỹ năng làm việc nhóm & nâng cao khả năng thuyết trình của mình.

ảnh trên: Rất đông các bạn sinh viên đến với lễ phát động diễn ra sáng nay tại hội trường F - ĐH bách khoa Đà Nẵng. -ảnh : T.Ngọc

Yêu cầu bao trùm quan trọng nhất của cuộc thi VMAC 2013 là các tác giả phải đưa ra ý tưởng ứng dụng cụ thể từ Chip vi điều khiển MCU SG8V1.

Trong đó, tại Vòng sơ khảo, các tác giả (mỗi ý tưởng dự thi không quá 3 người tham gia) phải đưa ra ý tưởng giải quyết được ít nhất một vấn đề cụ thể trong dân dụng, công nghiệp, an ninh quốc phòng, quản lý nhà nước. Trong trường hợp có 2 hay nhiều ý tưởng trùng nhau thì Hội đồng Giám khảo sẽ chọn ý tưởng trình bày tốt nhất. 

Ở vòng thực hiện giải pháp , sản phẩm phải được hoàn thiện để hiện thực hóa ý tưởng dự thi.

Cơ cấu Giải thưởng cho nhóm thực hiện ý tưởng xuất sắc gồm :
• Giải nhất: 30.000.000 VND
• Giải nhì : 20.000.000 VND
• Giải ba : 10.000.000 VND

Đối với phần thi “Đánh giá về vi điều khiển SG8V1 và trình biên dịch SG8V1-ASM/C, các tác giả sẽ thực hiện theo các mẫu đánh giá do Ban Tổ chức quy định. Đây là phần thi nhằm nỗ lực ghi nhận thật đầy đủ các ý kiến phản biện về bộ vi điều khiển SG8V1 từ các chuyên gia, lực lượng nghiên cứu, và đặc biệt kể cả các bạn SV (chuyên ngành Điện tử - Viễn thông – Công nghệ thông tin) về con chip SG8V1. 

Không khí nóng dần lên khi hàng loạt câu hỏi được các bạn sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng gửi đến Ban Tổ chức.                                                      -ảnh: T.Ngọc

Các ý kiến đánh giá và phản biện sẽ được Sở KHCN, Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch – ICDREC (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) xem xét, tiếp thu nhằm phát triển và hoàn thiện sản phẩm Chip vi điều khiển SG8V1 ở mức độ cao hơn nữa, trước khi chính thức gửi đi sản xuất hàng loạt. 

Cơ cấu Giải thưởng đối với bài thi góp ý tốt nhất cho vi điều khiển và trình biên dịch.

• Giải nhất: 15.000.000 VND
• Giải nhì : 10.000.000 VND
• Giải ba : 5.000.000 VND


Được biết, khi tham gia cuộc thi nầy, các thí sinh (tác giả) sẽ được cung cấp, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng một MCU SG8V1. Bên cạnh đó, các thí sinh (tác giả) khi thiết kế mạch ứng dụng sẽ được tài trợ kinh phí để thực hiện mạch, các linh kiện đi kèm qua đó lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm dự thi.

Các bạn SV, các tác giả có quyền chọn lựa những linh kiện, vật tư để làm nên bo mạch ứng dụng tốt nhất, đồng nghĩa với đắt tiền nhất để làm nên sản phẩm của mình. Chúng tôi không giới hạn tối đa hoặc tối thiểu giá trị linh kiện, vật tư quy đổi thành tiền. Có thể nói gọn là các bạn SV, các tác giả hãy thoải mái trong quyết định của mình về linh kiện cũng như những vật tư liên quan – ông Nguyễn Trọng Vân, Tổng giám đốc CTCP Người đồng hành, đơn vị tài trợ chính của cuộc thi khẳng định với ictdanang.

CTCP Người đồng hành sẽ là Nhà tài trợ cho 50 đề tài ở vòng sơ khảo. 

VMAC 2013 cũng nhằm quảng bá MCU SG8V1 , con chip đầu tiên của Việt Nam được thương mại hóa (cũng như trình biên dịch SG8V1-ASM/C) ra thị trường trong nước bằng các sản phẩm ứng dụng cụ thể.


Trên tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ở đây là hàng Công nghệ cao Việt Nam, ý tưởng ứng dụng vào một lĩnh vực cụ thể nào đó của tác giả đều phải được giải quyết từ MCU SG8V1.

-ảnh trên: Đại diện Nhà Tài trợ chính của VMAC 2013 trao đổi với sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng.                                                                                          -ảnh:T.N.

Tiếp nối thành công của cuộc thi thiết kế với vi điều khiển Texas Instrument 2012 (gồm 2 vòng : Chung kết khu vực và Chung kết toàn quốc), đều được tổ chức tại ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, chúng tôi hy vọng rằng, năm nay, sinh viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng sẽ tiếp tục mang đến VMAC 2013 nhiều sản phẩm với ý tưởng mới lạ, sáng tạo trong lĩnh vực điện tử ứng dụng – Tiến sỹ Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng chia sẻ. 

Tiến sỹ Trương Hoài Chính, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Đà Nẵng.-ảnh:T.N

Trả lời câu hỏi của ictdanang, các ý tưởng - đề tài ứng dụng của các bạn sinh viên đã đoạt giải tại cuộc thi thiết kế với vi điều khiển Texas Instrument, có được phép phát triển, hoàn thiện và nâng cao để dự thi VMAC 2013 ? thay mặt Ban Tổ chức, Thạc sỹ Nguyễn Minh Chánh khẳng định, hoàn toàn được phép. Miễn là các bạn giải quyết cấu trúc mạch ứng dụng cũng như phát triển sản phẩm với Chip xử lý trung tâm là SG8V1 !.

T.Ngọc thực hiện