DHBK

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: ĐH Đà Nẵng chủ động đón đầu nhu cầu thị trường lao động, tiên phong mở mới ngành - nghề đào tạo

06/11/2012 01:01

Ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Bùi Văn Ga đã dẫn đầu Đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện “Đổi mới quản lý giáo dục Đại học (ĐH) giai đoạn 2010 -2012 của ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên”.

ĐH Đà Nẵng vừa tổ chức thành công Lễ vinh danh thủ khoa và SV xuất sắc lần thứ I. Nhiều hoạt động khuyến học - khuyến tài được các trường thành viên, các Ban chức năng quan tâm tổ chức liên tục trong năm học, đã khơi dậy trong SV ĐH Đà Nẵng tinh thần vượt khó, cầu tiến, ham học hỏi và chiếm lĩnh các đỉnh cao tri thức. -ảnh: T.Ngọc

Thay mặt ĐH Đà Nẵng, báo cáo với Đoàn, PGS.TS. Trần Văn Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết:

Sau khi Chỉ thị 296/CT-TTg (ngày 27/2/2010 của Thủ tướng CP về “Đổi mới quản lý giáo dục ĐH”) được triển khai, ĐH Đà Nẵng đã đón nhận trên tinh thần sẵn sàng đổi mới, từ cấp quản lý hiệu bộ ĐH Đà Nẵng đến từng trường thành viên.

Và vào tháng 5/2010, trong khuôn khổ một Hội thảo chuyên đề về thực hiện Chỉ thị 296/CT-TTg, ĐH Đà Nẵng đã có văn bản (số 1677/ĐHĐN-VP) gửi Bộ Giáo dục & Đào tạo, cam kết triển khai 11 nội dung đổi mới. Trong đó, một số giải pháp đã hướng đến đổi mới trực tiếp quá trình đào tạo bao gồm:

Đoàn công tác kiểm tra tình hình thực hiện “Đổi mới quản lý giáo dục Đại học (ĐH) giai đoạn 2010 -2012 của ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên” làm việc tại ĐH Đà Nẵng (3/11/2012). - ảnh : T.Ngọc

- Phân tầng ĐH thành hệ tinh hoa và hệ nghề nghiệp

- Kết hợp đào tạp sau ĐH với Nghiên cứu khoa học theo hướng phân luồng đào tạo Thạc sỹ : Thạc sỹ nghiên cứu và Thạc sỹ nghề nghiệp.

- Phát huy vai trò các Nhóm Giảng dạy – Nghiên cứu (TRT), đặc biệt là trong đào tạo sau ĐH: Đổi mới trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo ở các trường thành viên theo yêu cầu của từng nhóm TRT. Từ các nhóm TRT được hình thành tại ĐH Bách khoa , củng cố và tăng cường thêm các nhóm TRT khác cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Bài giảng – Giáo trình tất cả các môn học ở bậc ĐH và đào tạo sau ĐH được giảng dạy ở ĐH Đà Nẵng nhất thiết phải được đưa lên mạng Internet. Tổ chức xây dựng thí điểm một số bài giảng, giáo trình kèm theo các tài liệu hướng dẫn hỗ trợ học tập, nghiên cứu, từ đó nhân rộng ra toàn ĐH Đà Nẵng.

- Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Từ quan hệ hỗ trợ cơ sở thực hành – thực tập tiến đến chọn lựa đối tác, xây dựng, phát triển chiến lược đào tạo, đặt hàng nghiên cứu, mời chuyên gia giàu kinh nghiệm thực tiễn tham gia vào quy trình đào tạo…

Trong 2 năm qua, theo những nội dung đã được cam kết, ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên đã có những bước đi thích hợp với lộ trình đổi mới quản lý giáo dục ĐH, gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cung ứng nhân lực ; tìm kiếm, bồi dưỡng và phát huy nhân tài đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực. Học hiệu ĐH Đà Nẵng ngày càng khẳng định uy tín trong nước và quốc tế.

ĐH Đà Nẵng là ĐH đã tiên phong trong chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ; trong xây dựng chuẩn đầu ra; trong “số hóa” giáo trình, bài giảng, tư liệu phục vụ học tập – nghiên cứu ( tỷ lệ số hóa học liệu của ĐH Đà Nẵng được ghi nhận cao hơn nhiều ĐH vùng và kể cả một số ĐH quốc gia) cũng như trong tích hợp CNTT vào phương pháp giảng dạy; trong việc đưa giáo trình-bài giảng- sách tham khảo lên xa lộ thông tin và trong xây dựng thí điểm nhiều bài giảng chất lượng cao.

PGS.TS. Trần Văn Nam - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Đà Nẵng báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị 296/CT-TTg (ngày 27/2/2010 của Thủ tướng CP về “Đổi mới quản lý giáo dục ĐH”). - ảnh: T.Ngọc

Theo PGS.TS. Trần Văn Nam – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, từ nay đến 2020, ĐH Đà Nẵng sẽ phấn đấu gánh vác trọng trách đào tạo đội ngũ nhân lực tinh hoa, có trình độ và chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường lao động ở bối cảnh hội nhập. ĐH Đà Nẵng sẽ giảm dần đào tạo nghề nghiệp đại trà.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra của Bộ, Lãnh đạo các trường thành viên cũng đã đóng góp thêm những mô hình đổi mới quản lý – song hành với nâng cao chất lượng đào tạo.

Đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy đối với chuyên ngành đặc thù, giảng viên bắt buộc phải qua đào tạo ở nước ngoài; tổ chức thành công các hội thảo quốc tế chuyên đề phục vụ giảng dạy ngay tại đơn vị (ở ĐH Ngoại ngữ); coi trọng và tiến hành bài bản, có trách nhiệm quy trình lấy ý kiến SV đánh giá chất lượng giảng dạy của Thầy-Cô (ở CĐ Công nghệ); thực hiện gắn kết hữu cơ với doanh nghiệp, trực tiếp làm việc, đặt yêu cầu và mời doanh nghiệp cùng tham gia vào quy trình đào tạo (của Phân hiệu Kon Tum); mở loại hình đào tạo theo chương trình tiên tiến – chương trình xuất sắc với mục đích không vì lợi nhuận, mà tranh thủ nội dung – phương pháp đào tạo, thỏa mãn nhu cầu được học tập ở trình độ cao hơn của những SV có đủ điều kiện (của ĐH Bách khoa); Mô hình hoạt động Đoàn – Hội của trường ĐH trong điều kiện chuyển sang đào tạo tín chỉ (Đoàn TN – Hội SV ĐH Đà Nẵng)…

Robot tự động thăm dò địa hình (Automatic Avoiding and Mapping Robot) của đội Anonymous đến từ Trung tâm Xuất sắc, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng giành giải Nhì cuộc thi vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Thiết kế với TI MCU 2012 (ở vòng chung kết khu vực, đề tài này được giao giải Ba).

Ngoài ra 3 thành viên (Đoàn Thanh Thiện, Trần Hoàng An và Giao Duy Vinh) của đội Anonymous còn giành luôn giải "Đội có phần trình bay nhất của cuộc thi" tại vòng chung kết toàn quốc cuộc thi Thiết kế với TI MCU 2012. - ảnh:T.Ngọc

Thay mặt đoàn công tác, GS.TSKH. Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đánh giá cao những kết quả mà ĐH Đà Nẵng cùng các trường thành viên thu hoạch được ở vụ mùa đầu tiên, sau 2 năm Chỉ thị 296 đi vào đời sống giảng đường.

Thứ trưởng lưu ý thêm:

Đổi mới quản lý giáo dục ĐH không có mục tiêu nào khác hơn là nâng cao dần chất lượng đào tạo, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực trong điều kiện đầu tư cho con người, ở đây là đầu tư cho người học (SV) của chúng ta còn khó khăn và thấp hơn rất nhiều, so với các quốc gia tiên tiến trên thế giới.

ĐH Đà Nẵng là một trong những ĐH đã thực hiện rất nghiêm túc và có hiệu quả Chỉ thị 296/CT-TTg. Tuy nhiên, sắp đến, đòi hỏi từ thị trường lao động, từ yêu cầu phát triển của vùng và đất nước, từ nhu cầu học tập – nghiên cứu của nhiều đối tượng, các cấp quản lý và đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý – nhân viên ĐH Đà Nẵng phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn.

ĐH Đà Nẵng phải chủ động đón đầu nhu cầu thị trường lao động, nghiên cứu mở mới ngành - nghề đào tạo, phát huy vai trò tiên phong của một ĐH Vùng.

Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga kết luận phiên làm việc

Về nguồn lực đội ngũ giảng dạy, tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất về môi trường, về điều kiện tài chính, về trang thiết bị để các Thầy, Cô thực hiện nghiên cứu khoa học với đề tài cụ thể, thành quả cụ thể. Đây chính là cách phát huy tốt nhất, hiệu quả nhất ; thông qua đó bảo toàn được đội ngũ. Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng phải phấn đấu sớm đạt tỷ lệ 100% giảng viên có trình độ Thạc sỹ.

Thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý từ Hiệu bộ ĐH Đà Nẵng về các trường thành viên, và ngược lại. Đây là cách làm tốt trong quy hoạch đội ngũ lãnh đạo. Người từng làm lãnh đạo trường thành viên khi nhận nhiệm vụ ở cơ quan hiệu bộ ĐH Đà Nẵng dễ dàng chia sẻ được những khó khăn và yêu cầu, đề nghị thiết tha của cấp trường. Ngược lại, cán bộ lãnh đạo từ Hiệu bộ ĐH Đà Nẵng về với trường sẽ mang theo cách nhìn và hướng xử lý công việc thông thoáng, có tầm hơn, tạo nên một phong cách điều hành lãnh đạo mới.

“Luật Giáo dục ĐH đã được Quốc hội thông qua. Luật có nhiều nội dung mang quan điểm và quy định thi hành rất mới. Nếu không có tư duy đúng - nhận thức mới về Luật, sẽ khó thực hiện nhiệm vụ của ngành. Ngay như cơ quan Bộ, cũng phải tổ chức quán triệt về Luật Giáo dục ĐH. Tôi đề nghị sắp đến, ĐH Đà Nẵng cũng tổ chức quán triệt Luật đến toàn thể CB.CCVC, người lao động “ – Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.