DHBK

Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN - Trường Đại học đầu tiên ở miền Trung sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời

28/09/2017 10:48

Vào lúc 9h00 ngày 27 tháng 09 năm 2017, tại phòng họp khu A, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã long trọng diễn ra lễ đóng điện hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới. Hệ thống này được triển khai bởi Tập đoàn Năng lượng Mặt trời Bách Khoa (SolarBK), với tổng công suất 49,6 kWp. Sự kiện này đã đưa Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng trở thành trường đại học “Xanh” đầu tiên ở khu vực miền Trung.

Tham dự buổi lễ có sự hiện diện của các vị lãnh đạo, đại biểu, khách quý. Về phía trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN có GS.TS Lê Kim Hùng, Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Trương Hoài Chính và PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng cùng các Thầy, Cô là Trưởng, Phó các Phòng, Khoa. Về phía công ty SolarBK Miền Trung có sự tham gia của anh Nguyễn Minh Vũ – Giám đốc cùng đại diện Ban lãnh đạo công ty.


Đại biểu tham dự lễ đóng điện

Trong các mục tiêu phát triển của Thành phố Đà Nẵng, vấn đề hiện đại hóa nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu thân thiện với môi trường luôn được đặt trọng tâm lên hàng đầu. Hiện nay, tại Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều công trình lắp đặt các dự án điện mặt trời, đảm bảo theo tiêu chí phát triển bền vững, được Nhà nước và người dân ủng hộ. Sự hợp tác của trường Đại học Bách khoa với SolarBK còn mang ý nghĩa sâu hơn về việc phổ cập kiến thức năng lượng sạch cho thế hệ trẻ, đồng thời cung cấp nguồn nhân sự chất lượng cao cho khu vực miền Trung. Chính vì vậy, năng lượng điện mặt trời không chỉ là giải pháp mang tính kinh tế mà còn giúp trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN nâng cao uy tín toàn diện, không chỉ hưởng ứng theo chủ trương “Xanh” hóa Đà Nẵng của thành phố, mà còn chủ động được nguồn cung nhân sự chất lượng cao ngay tại chính địa phương.


Tham quan địa điểm lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nối lưới

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Lê Kim Hùng, Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN đã nhấn mạnh “Hiện nay, nhiều người cho rằng đa số nhân sự chất lượng cao thường tập trung tại hai đầu mối lớn là TP.HCM và Hà Nội. Một phần vì các bạn trẻ được tiếp cận, cọ xát nhiều hơn, từ đó có kiến thức thực tế tốt hơn so với các bạn khu vực miền Trung. Vì vậy, bên cạnh giá trị kinh tế, việc Đại học Bách khoa, ĐHĐN đồng ý hợp tác đầu tư hệ thống điện mặt trời còn giúp sinh viên của trường có cơ hội được tiếp cận và trải nghiệm về mô hình này, từ đó xây dựng niềm đam mê và hình thành kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn. Trong năm tiếp theo, nếu đánh giá nhiều bạn sinh viên có hứng thú với mảng năng lượng sạch, tôi sẽ cân nhắc đến việc mở ngành học, như vậy sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu nhân sự trên thị trường.”


GS.TS Lê Kim Hùng, Bí thư Đảng Uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường

Dự án này nằm trong kế hoạch “Phát triển hệ thống giáo dục Xanh” của SolarBK. Trước đó, SolarBK đã triển khai nhiều hệ thống điện mặt trời cho các trường đại học, có thể kể đến như Đại học Bách Khoa TP.HCM, Đại học Văn Lang, Phân hiệu Đại học Quốc gia TP.HCM tỉnh Bến Tre và Đại học Cần Thơ. Trong thời gian tới, phía doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình năng lượng sạch, phổ biến đến tất cả các trường đại học trong cả nước nhằm thực hiện sứ mệnh xây dựng đội ngũ kế thừa, đưa ngành năng lượng sạch Việt Nam cất cánh trên bản đồ Thế giới.

Hệ thống điện mặt trời lắp tại trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN hợp tác theo hình thức cho thuê hệ thống từ nhà đầu tư SolarESCO – Công ty thành viên của Tập đoàn SolarBK. ESCO được xem như giải pháp năng lượng cho các doanh nghiệp, bao gồm thiết kế và thực hiện các dự án tiết kiệm, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện, cung cấp năng lượng và quản lý rủi ro. Với hình thức này, SolarESCO sẽ đầu tư hệ thống điện mặt trời trong 12 năm, do SolarBK Miền Trung trực tiếp thi công.


Anh Nguyễn Minh Vũ – Giám đốc công ty SolarBK Miền Trung phát biểu

Được biết, hệ thống điện mặt trời bao gồm 160 tấm pin năng lượng mặt trời IREX 310 Wp cùng các thiết bị đi kèm, được tính toán để chịu được những rủi ro từ thời tiết, được lắp đặt trên tổng diện tích 331m2. Qua tính toán, hệ thống dự kiến sẽ sản sinh được 75.025kWh/ năm (tương đương với mức đạt 208.4 kWh/ngày), đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ điện của nhà trường. Nếu lấy 5% là tỷ lệ tăng giá điện trung bình mỗi năm, giải pháp này sẽ giúp phía nhà trường tiết kiệm được 4,8% chi phí điện mỗi năm trong vòng 12 năm đầu.


Đại diện lãnh đạo trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN và công ty SolarBK Miền Trung cắt băng khánh thành lễ đóng điện

Bên cạnh giá trị kinh tế chứng minh qua các con số, hệ thống còn góp phần giảm thiểu khoảng 49.607 tấn CO2 mỗi năm thải ra môi trường. Đặc biệt, đây còn là mô hình năng lượng mặt trời trực quan về nghiên cứu, đào tạo dành cho sinh viên. Với mô hình này, trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN sẽ trở thành một trong những trường đại học đi đầu về phát triển mô hình giáo dục trải nghiệm, đem đến nguồn nhân lực chất lượng hơn, từ đó tạo đà cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch nói riêng và của đất nước nói chung.


Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN