DHBK

Để sản phẩm đầu ra của nhà trường luôn thực sự là nguồn lực đầu vào hấp dẫn của doanh nghiệpNew

27/10/2024 20:29

Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ, ban hành chương trình hành động của Chính phủ, thực hiện Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XII, về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã xác định: {thành phố Đà Nẵng cần} Khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn.

Yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ số nêu trên, đã thúc đẩy nhà trường chủ động hơn, thiết thực hơn, trong hợp tác cùng doanh nghiệp, bảo đảm rằng “sản phẩm đầu ra của nhà trường phải chính là nguồn lực đầu vào hấp dẫn của doanh nghiệp”.

45 năm thành lập ngành đào tạo là thế mạnh của một Học hiệu
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Công nghệ thông tin là ngành được hình thành khá sớm tại trường. Qua quá trình phát triển, đây là cũng là ngành đào tạo có ưu thế mạnh của nhà trường. Sinh viên khoa Công nghệ thông tin của Trường, từng xuất sắc đoạt giải vô địch cuộc thi lập trình quốc tế ICPC 2023. Và đây là thành tích cao nhất của nhà trường kể từ khi có mặt ở sân chơi trí tuệ toàn cầu này. Bên cạnh đó, các em cũng mang về nhiều thành tích đáng tự hào, như giành Huy chương đồng ICPC Asia Jakarta 2023; và các giải thưởng cao của các lần ICPC Quốc gia.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Sinh viên khoa Công nghệ thông tin của Trường, từng xuất sắc đoạt giải vô địch cuộc thi lập trình quốc tế. Ảnh: T.Ngọc.

Tiền thân của Khoa là Nhóm Tính toán, trực thuộc Bộ môn Toán (Khoa Cơ bản) được thành lập 4 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1979). Vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, đơn vị cũng trở thành cấp Khoa hiếm hoi (của một Trường đại học), được Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2024, khoa Công nghệ thông tin trường Đại học bách khoa, Đại học Đà Nẵng, tròn 45 năm thành lập.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết thêm, từ năm 1999, 3 chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV), với các chuyên ngành: Tin học công nghiệp và Công nghệ phần mềm và Sản xuất tự động, đã chính thức lần lượt được Trường chúng tôi triển khai. Trong đó, với 2 chương trình liên quan đến công nghiệp công nghệ thông tin, vào năm 2007, Trường đã mở chuyên ngành Tin học công nghiệp (hợp tác với Trường Đại học Bách khoa Quốc gia Grenoble) và đến năm 2011, mở chuyên ngành Công nghệ phần mềm (hợp tác với Trường Bách khoa Marseille)…

Và cả 3 chương trình PFIEV của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đều được công nhận đạt chuẩn chất lượng Châu Âu, theo đánh giá độc lập và công nhận của Ủy ban Bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp (CTI); Mạng lưới kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo kỹ sư Châu Âu (ENAEE). Ngoài ra, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin của trường, cũng đạt kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế ASIIN (viết tắt của Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics, một là tổ chức kiểm định uy tín (của CHLB Đức) trong hệ thống của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ENQA).

“Nghị quyết số 169/NQ-CP của Chính phủ vừa ban hành, nhấn mạnh đến việc khai thác có hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm để thúc đẩy phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và vi mạch bán dẫn.

Hướng đến mục tiêu, chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực theo những yêu cầu của từng lĩnh vực vừa nêu, nhà trường luôn cần có sự gặp gỡ, hợp tác chặt chẽ, và phải hội tụ với doanh nghiệp ở nhiều điểm chung.

 

Doanh nghiệp đồng hành cùng hội thảo “Quan hệ nhà trường – Doanh nghiệp công nghệ thông tin 2024”. Ảnh: T.Ngọc.

Cũng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, từ năm 2020, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã mở ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo

Trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Việt Nam có chủ trương cho phép mở một số ngành đào tạo đặc thù theo nhu cầu, thì trường Đại học Bách khoa-Đại học Đà Nẵng là một trong số không nhiều trường, được Bộ cho phép, và Trường đã mở ngành đào tạo công nghệ thông tin đặc thù – hợp tác doanh nghiệp (Mã ngành: 7480201; Mã trường: DDK; Năm bắt đầu tuyển sinh: 2018).

Chương trình đào tạo này, trong thực tế, đã đạt chuẩn AUN-QA, nay được thiết kế theo hướng hợp tác chặt chẽ hơn với doanh nghiệp, các chuyên gia doanh nghiệp cùng tham gia quá trình giảng dạy, hướng dẫn đồ án, thực tập … Doanh nghiệp đồng hành trong đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập.

“Với tính đặc thù này, doanh nghiệp đã cùng nhà trường, tham gia sâu vào quy trình đào tạo, nguồn nhân lực được đào tạo, với sự chung tay của doanh nghiệp, cũng chất lượng hơn, đáp ứng đúng yêu cầu của từ nhà tuyển dụng và sử dụng lao động”, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh.

Sản phẩm đầu ra của nhà trường cũng chính là nguồn lực đầu vào của doanh nghiệp
Theo Thạc sỹ Trương Quốc Tuấn, Công ty Nova Square, với tham luận “Xu hướng phát triển giáo dục thế giới, lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác trường đại học và doanh nghiệp”, để sản phẩm đầu ra của nhà trường cũng chính là nguồn lực đầu vào của doanh nghiệp, đối với doanh nghiệp công nghệ nói riêng, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nói chung, trước hết, đều luôn cần nhân sự phải nắm thật vững kiến thức nền tảng và xác định trong quá trình làm việc, phải luôn có phương pháp học hỏi liên tục, nghiên cứu công nghệ. Khi gặp một tình huống, một vấn đề, các em phải biết giải quyết một cách logic bằng thái độ trách nhiệm cao, với nội bộ với khách hàng, với đối tác theo xu thế có được một kết quả tích cực nhất. Riêng về ngoại ngữ, theo xu thế chung hiện nay, thì tùy vào doanh nghiệp, thị trường. Nhưng tối thiểu phải thành thạo một ngoại ngữ.

 

Th.s Trương Quốc Tuấn, Công ty Nova Square, với tham luận “Xu hướng phát triển giáo dục thế giới, lĩnh vực khoa học công nghệ và hợp tác trường đại học và doanh nghiệp. Ảnh Như Hằng.

Bàn về doanh nghiệp cùng tham gia quá trình giảng dạy, đào tạo, Thạc sỹ Trương Quốc Tuấn, cho rằng, khoa – nhà trường, cần tăng cường các lớp chuyên đề, với giảng viên là người đến từ doanh nghiệp, kể cả liên kết, mời giảng viên-doanh nhân từ nước ngoài về giảng dạy theo định hướng PBL (project based learning) như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Lực lượng các thầy cô ngoài nhà trường này cũng sẽ hỗ trợ rất hiệu quả trong triển khai dự án thực tế cho sinh viên (theo mô hình STEM).Và ngay từ giảng đường, sinh viên trong nước cần được tạo thêm cơ hội, tham gia giao lưu (văn hóa, học hỏi lẫn nhau) với sinh viên quốc tế. Nghĩa là sinh viên Việt Nam cần được chuẩn bị các kỹ năng của sinh viên toàn cầu.

“Hội thảo quan hệ giữa nhà trường và Doanh nghiệp công nghệ thông tin năm 2024, có nhiều tham luận giá trị: Báo cáo của TS. Dương Hoài Giang Hà Giám đốc Microsoft GTP Việt Nam trình bày các chiến lược hỗ trợ cho trường đại học, giới thiệu tài nguyên và sản phẩm AI của Microsoft cho người dùng, đồng thời cũng chia sẻ về cuộc thi Imagine Cup của Microsoft.

Báo cáo của TS. Nguyễn Đức Huy về ứng dụng AI trong chuyển đổi số; hay báo cáo của Ths. Trương Quốc Tuấn (Công ty Nova Square), phân tích về các xu hướng đào tạo công nghệ thông tin trên thế giới, các kỹ năng cần thiết để trở thành sinh viên toàn cầu, đề xuất các chiến lược hợp tác giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong lĩnh vực Khoa học dữ liệu và AI.

PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng: Hội thảo thu hoạch được nhiều ý kiến có giá trị. Ảnh: T.Ngọc.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo Doanh nghiệp cũng góp ý thẳng thắn về yêu cầu đối với sinh viên ra trường, bên cạnh đó, cùng tham dự sự kiện, các bạn sinh viên cũng cho ý kiến về tăng cường thực tập, tạo môi trường để sinh viên được học hỏi từ quy trình làm việc, sản xuất của doanh nghiệp. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến có giá trị và đây là cơ sở để Nhà trường, Khoa xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo và các môn học trong khung chương trình.

Ngoài nội dung đào tạo được thiết kế dựa trên các học phần cốt lõi, cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng. Chúng tôi sẽ chú ý hơn những nội dung the hướng đào tạo chuyên sâu ứng dụng, giảm thời gian học lý thuyết, tăng cường thời lượng học và thực hành ngay tại doanh nghiệp; , chú ý giúp sinh viên trau dồi những kỹ năng quan trọng như tự học, tự nghiên cứ, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, sáng tạo, cũng như giao tiếp và làm việc nhóm”, PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi – Trưởng khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, phân tích.

Nhằm tạo điều kiện giúp sinh viên gặp gỡ doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội thực tập và việc làm sau tốt nghiệp, dịp này, theo kế hoạch thường niên, Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đã tổ chức “Ngày giao lưu doanh nghiệp và sinh viên CNTT – IT , JOB FAIR 2024”.

Ngày giao lưu doanh nghiệp và sinh viên CNTT – IT , JOB FAIR 2024 giúp sinh viên hiểu rõ hơn các yêu cầu từ chính doanh nghiệp. Ảnh: T.Ngọc.

Đây cũng là sự kiện nhằm gợi mở các định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, giúp các bạn hiểu rõ hơn các yêu cầu từ chính doanh nghiệp, được tiếp xúc giao lưu trực tiếp với doanh nghiệp, qua đó nâng cao kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chuẩn bị năng lực và hồ sơ ứng tuyển, tìm hiểu thêm xu thế công nghệ mới – nhân sự phù hợp mà ngành công nghiệp công nghệ thông tin đang quan tâm, tìm kiếm nguồn lực.

Được biết, vào tháng 11/2024 đến, trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng sẽ khánh thành Phòng thực hành và nghiên cứu An Ninh Mạng, do Công ty TNHH LG Electronics Development Việt Nam tài trợ cho Khoa Công nghệ thông tin.

Phòng gồm hệ thống máy chủ cấu hình mạnh, đủ để triển khai mô phỏng các kịch bản tấn công, bảo vệ mạng; 30 máy tính và các bộ thiết bị IoT phục vụ thực hành và nghiên cứu phát triển những sản phẩm phần mềm mới liên quan đến an ninh mạng…/.

Trần Ngọc

Link bài gốc: https://tapchidongnama.vn/de-san-pham-dau-ra-cua-nha-truong-luon-thuc-su-la-nguon-luc-dau-vao-hap-dan-cua-doanh-nghiep/