Một dự án với nhiều… điểm cộng

28/10/2016 01:29

Nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã giúp bà con nông dân không những nâng cao được năng suất khi trồng nấm, mà còn giải quyết được vấn đề vệ sinh môi trường do bã thải trồng nấm gây ra.

Ý tưởng ban đầu xuất phát từ thực tế nhiều hộ dân tại TP.Đà Nẵng đang sống bằng nghề trồng nấm, thế nhưng sản lượng nấm thu hoạch lại không ổn định và năng suất chưa cao. Vậy nên nhóm đã tiến hành nghiên cứu mô hình trồng nấm trên lục bình thay vì rơm. Thế nhưng, trong quá trình nghiên cứu, nhóm lại phát hiện một vấn đề đang là trăn trở của nhiều hộ dân, đó là việc xử lý bã thải sau trồng nấm. Chính từ đó mà nhóm tiến hành tích hợp thành một dự án với nhiều điểm cộng.

a1_QOYH

Triệu Quốc Thắng thuyết trình dự án của nhóm tại cuộc thi Holcim prize 2016. Dự án đã đoạt giải Bảo vệ môi trường.

“Dự án này làm tăng năng suất nấm khi được trồng trên nguồn nguyên liệu mới là lục bình. Bên cạnh đó, nguồn bã thải sau trồng nấm vẫn có thể giúp người dân tăng được lợi ích kinh tế từ việc xử lý để nuôi trùn quế”, Phạm Thị Hoài Nhi, thành viên nhóm, vui mừng chia sẻ.

Nhi cũng cho biết thêm: “Theo khảo sát và nghiên cứu của nhóm thì lục bình đáp ứng đầy đủ yêu cầu để trở thành nguyên liệu sản xuất nấm rơm. Không những thế lượng nguyên liệu này lại đang rất dồi dào, do đó khi nguồn rơm hạn chế, lục bình sẽ là nguyên liệu thay thế rất hữu hiệu”.

Bên cạnh việc trồng nấm để đạt được hiệu quả thì việc xử lý nguồn bã thải sau trồng nấm hiện cũng có nhiều điều đáng lo ngại. “Do số hộ trồng nấm ngày càng tăng, vì thế lượng bã thải sau trồng nấm cũng tăng lên đáng kể. Việc xử lý lượng thải này gây khó khăn cho người dân. Đa phần xử lý bằng cách ủ với vôi rồi đem bón cây trồng nhưng thời gian tiêu thụ của lượng bã này là rất lâu nên cây sẽ không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, một số hộ tiêu hủy bằng cách đốt và thậm chí là vứt bỏ lung tung. Vấn đề đặt ra là lượng bã thải này thời gian đầu có độ ẩm rất cao, nếu không xử lý mà vứt bỏ như thế, lâu ngày sẽ tạo thành nước rỉ gây ô nhiễm và là môi trường cho mầm bệnh phát triển”, Triệu Quốc Thắng, trưởng nhóm lý giải.

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm nhận thấy không những xử lý triệt để được lượng bã thải mà người dân còn có thể có thêm thu nhập từ chính lượng bã thải này. Đó là bã thải sau trồng nấm được xử lý thành một loại thức ăn cho trùn quế. “Xenlulozo là thành phần chủ yếu của bã thải lại là chất phân hủy tương đối lâu. Tuy nhiên, ta có thể sử dụng chúng để nuôi trùn quế”, Nhi phân tích.

Nhóm đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm để cho ra kết quả khả quan nhất. Theo đó, lượng bã thải sau trồng nấm sẽ được thu gom, sau đó đem ngâm qua vôi 1% rồi rửa lại bằng nước, sao cho độ pH đảm bảo để vi sinh vật phát triển rồi tiến hành xử lý ủ men vi sinh làm thức ăn cho trùn. Thời gian xử lý trong vòng một tháng là có thể sử dụng để nuôi trùn.

“Trùn quế hiện đang có giá trị kinh tế cao. Bởi chúng là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, phân của trùn quế được xem là nguồn phân sạch và làm phân bón rất tốt cho cây trồng. Chính vì thế, việc xử lý bã thải để nuôi trùn quế là một quy trình mang lại nhiều lợi ích cho người dân”, Thắng phấn khởi nói.
Báo Thanh Niên