DHBK

Sinh viên ngành Công nghệ Thực phẩm và hoạt động nghiên cứu khoa học

25/03/2021 07:49

Tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, mỗi năm sẽ có 3 học kỳ: học kỳ 1, học kỳ 2 và học kỳ hè. Thế mới thấy là sinh viên Bách khoa chăm chỉ như thế nào. Nhưng qua bao nhiêu kỳ thì kỳ đồ án vẫn luôn là đáng nhớ. Và sẽ thật đáng nhớ hơn khi bạn quyết định thực hiện một đồ án nghiên cứu thay vì thiết kế.

Có nhiều bạn hỏi tôi: “Vì sao lại làm nghiên cứu?”, “ Làm nghiên cứu cực lắm! Thay vào đó thì có thể thực hiện một đồ án thiết kế và tìm thêm một công việc nào đó để vừa có kỹ năng, vừa có kinh nghiệm thực tế.”

Vâng, có rất rất rất nhiều lí do để chọn Đồ án thiết kế, nhưng với tôi, nghiên cứu là một cuộc trải nghiệm thực sự. Trải nghiệm về cả những kiến thức lý thuyết lẫn kiến thức thực tế. Một chuyến đi mà bạn phải vác trên vai mình những chiếc balo cỡ bự:

- Balo 1 bạn chứa những kiến thức nền tảng về chuyên ngành.

- Balo 2 bạn có những kiến thức chuyên sâu về một vấn đề cụ thể.

- Balo 3 bạn để vào tư duy logic cá nhân- cái này dùng rất nhiều (vì khi nhận làm một đề tài, việc đầu tiên là bạn phải vạch ra con đường mà mình sẽ đi, nó giống như viết ra những điểm đến trên chuyến hành trình hơn 4 tháng vậy đó).

- Balo 4, tất nhiên, bạn gom hết những kỹ năng như viết báo khoa học, viết đề tài, đề cương, kỹ năng thực hành trên phòng thí nghiệm, kỹ năng dùng thiết bị máy móc, xử lí và phân tích số liệu, kết quả, giải thích những vấn đề, hiện tượng xảy ra khi nghiên cứu... vào nhé!

Và cuối cùng là balo 5 “chiếc túi cảm xúc”. Trong chiếc túi nhỏ xinh đó, qua thời gian nghiên cứu, bạn sẽ góp nhặt được cho mình những dải cảm xúc hình “sin” nhiều màu. Bắt đầu với màu xanh “hi vọng” khi bạn được thầy cô nhận hướng dẫn nghiên cứu, tự hào lắm, vì không phải ai cũng có cơ hội này. Xanh cứ đậm dần theo thời gian và cũng đi lên theo chiều cảm xúc khi bạn tìm hiểu về đề tài, nó sẽ đạt đỉnh khi bạn vẽ ra được một hướng nghiên cứu “trong mơ”. Rồi bỗng chốc, nó chuyển màu nâu và bắt đầu có dấu hiệu đi xuống. Lúc này, bạn đã bước vào giai đoạn 2 của đề tài. Khi mà sáng sớm lên phòng thí nghiệm và trở về khi mặt trời đã đi ngủ: Thí nghiệm làm bị hỏng, kết quả có vấn đề, thiết bị hỏng, thiếu nguyên liệu,... Và rồi, dải màu chuyển hẳn sang đen và đi xuống tận đáy. Nhiều bạn sẽ khóc lúc này. “Còn 1 tháng mà đề tài vẫn chưa đi đến đâu, báo cáo chưa viết xong, kết quả thì không như mong đợi,... rồi thì bạn bè làm thiết kế giờ này đã xong xuôi, chúng nó còn đua nhau đi làm đẹp để chụp kỷ yếu,...” Sau khi khóc đã, buồn đã rồi thì lại cố gắng tiếp, vì lúc nào bên cạnh cũng có thầy cô hỗ trợ và chia sẻ. Rồi cuối cùng, đi đến cuối con đường thì dải màu tươi sáng cũng sẽ đến. Đó là màu vàng chói lọi và rực rỡ cho những nổ lực và cố gắng của cả thầy và trò. Đề tài được triển lãm, trưng bày tại Hội nghị nghiên cứu của Khoa, của Trường và tại Hội nghị BK Tech show năm 2020 rất hoành tráng.

Là sinh viên nghiên cứu, nhất là trong ngành CNTP, sẽ rất ấn tượng nếu có cho mình những sản phẩm trước khi ra trường. Đề tài của chúng tôi - “Nghiên cứu thành phần hóa học và phát triển sản phẩm từ thịt, hạt quả bơ sáp da xanh Nghệ An” dưới sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Trúc Loan đã cho ra đời hai sản phẩm là “trà hạt bơ và dầu bơ”. Vượt qua những khó khăn khi dịch Covid-19 bùng nổ làm gián đoạn và rút ngắn thời gian nghiên cứu, tính mùa vụ của quả bơ, hạn chế về trang thiết bị máy móc, hóa chất,... đề tài đã đạt giải Nhất cuộc thi Nghiên cứu khoa học cuả Tiểu ban Khoa Hóagiải Ba (giải Công nghệ) tại Triển lãm BK Tech show 2020. Kết quả của đề tài cũng là “đầu vào công nghệ” cho một mô hình sản xuất các sản phẩm từ quả bơ của Hợp tác xã Việt Xanh ở Nghệ An.

 

Việt Nam ta vẫn có thế mạnh về nông nghiệp, nông sản Việt Nam vẫn có thể tự tin là những “đối tượng nghiên cứu” tiềm năng trong tương lai. Sự sáng tạo của sinh viên là không giới hạn, đặc biệt là sinh viên khoa Hóa. Vậy nên, đừng áp lực ở kỳ 1, kỳ 2, kỳ hè, hãy “đặt áp lực” ở kỳ đồ án, những kỹ sư tương lai nhé!

Nguyễn Thị Nguyệt Hà, Lương Thị Tuyết Ngân 16H2