DHBK

Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến chia sẽ kết quả nghiên cứu về nhận dạng mặt người trong dự án phát triển đại học thông minh

12/12/2019 09:35

Vào ngày 07/12/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc gia lần thứ XXII về Điện tử, Truyền thông và Công nghệ Thông tin” (The 22nd National Conference on Electronics, Communications and Information Technology, viết tắt là REV-ECIT). REV-ECIT là Hội nghị Khoa học Quốc gia thường niên do Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam (REV) chủ trì (https://rev-ecit.vn/). Chương trình Hội nghị bao gồm các chủ đề bao phủ toàn bộ các lĩnh vực về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin. Ngoài các phiên kỹ thuật, Hội nghị năm 2019 còn tổ chức Diễn đàn trao đổi về đào tạo, kiểm định chương trình Điện tử, Truyền thông và Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhân lực công nghệ cao.

Khoa Khoa Học Công Nghệ Tiên Tiến (FAST) – Trường Đại học Bách Khoa-Đại học Đà Nẵng (DUT-UD) có 2 đề tài tham gia báo cáo thuộc Chương trình Khoa học Công nghệ 2019-2022: "Đại học thông minh hướng đến Thành phố thông minh" (From Smart University To Smart City). Một đề tài là “Ứng dụng Mạng Nơron chập phân tầng nhiều lớp và mô hình Facenet trong phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người” của nhóm tác giả Nguyễn Lê Hồng Oanh, Nguyễn Phúc Anh Khoa, Phạm Văn Tuấn, Lê Hữu Duy và đề tài “Mạng Nơron tích chập Resnet50: Ứng dụng nhận dạng khuôn mặt người hiệu quả trong các điều kiện môi trường phức tạp” của nhóm tác giả Trần Quang Huy, Lê Tiến Nhật, Nguyễn Lương Quảng, Lã Tấn Đạt, Nguyễn Thị Anh Thư.

Hội nghị REV-ECIT bao gồm 2 phiên là phiên Báo cáo khoa học và phiên Báo cáo Poster. Tại phiên Báo cáo khoa học, đề tài “Ứng dụng Mạng Nơron chập phân tầng nhiều lớp và mô hình Facenet trong phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người” được chọn tham gia báo cáo. Đại diện nhóm tác giả gồm hai sinh viên Nguyễn Lê Hồng Oanh và Nguyễn Phúc Anh Khoa, đến từ lớp 15ECE, Chương trình Tiên Tiến Việt-Mỹ. Trước một hội đồng gồm nhiều chuyên gia đầu ngành, các bạn sinh viên vẫn rất tự tin trình bày báo cáo của mình, thuyết phục được người nghe và nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các ban ngành và công ty liên quan. Đặc biệt, đề tài “Ứng dụng Mạng Nơron chập phân tầng nhiều lớp và mô hình Facenet trong phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người” đã được Hội nghị đánh giá và trao giải “Bài báo xuất sắc nhất” của Hội nghị lần này.

Tại phiên Báo cáo Poster, đề tài “Mạng Nơron tích chập Resnet50: Ứng dụng nhận dạng khuôn mặt người hiệu quả trong các điều kiện môi trường phức tạp” được chọn tham gia báo cáo. Đây cũng là đề tài của nhóm tác giả đạt giải Nhất trong Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm học 2019-2020 do khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến – Đại học Bách Khoa-Đại học Đà nẵng tổ chức vào tháng 12 năm 2019. http://dut.udn.vn/Fast/Tintuc/id/3549?fbclid=IwAR0Rs81mWymA4P_B64TCG0DU1z9SK7cSaLQxzHoGPmp4jzBSgsw-M9Lb5mw

Đại diện nhóm tác giả gồm ba sinh viên: Lê Tiến Nhật, Nguyễn Lương Quảng và Lã Tấn Đạt đến từ lớp 15PFIEV2, Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt-Pháp. Các bạn đã tự tin trình bày đề tài của mình, sẵn sàng giải đáp các thắc mắc và nhận được nhiều sự quan tâm từ các chuyên gia và doanh nghiệp liên quan.

Khoa Khoa Học Công Nghệ Tiên Tiến vinh dự có TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Phó Trưởng khoa FAST và là Viện Công nghệ Quốc tế Đà Nẵng (DNIIT), được mời tham dự với tư cách là Chủ tọa của phiên báo cáo (Session Chair).

Ở hội nghị lần này còn có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ lớn như VNPT, Mobifone, Viettel, Huewei, Qualcom, … tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên, các nhà nghiên cứu tiếp xúc và trao đổi với các doanh nghiệp về các lĩnh vực khoa học công nghệ đang là xu hướng hiện nay. Vào buổi chiều của Hội nghị đã diễn ra diễn đàn “Thúc đẩy phát triển thông tin di động 5G và ứng dụng” với phần trình bày của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cũng như các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang đi đầu công nghệ 5G này.

Buổi tối là Gala Dinner và lễ Vinh danh, cũng như lễ trao giải. Đề tài “Ứng dụng Mạng Nơron chập phân tầng nhiều lớp và mô hình Facenet trong phát hiện và nhận dạng khuôn mặt người” đã vinh dự nhận giải “Bài báo xuất sắc nhất” của Hội nghị lần này và đã nhận được một số đề nghị hợp tác, đặt hàng từ các cơ quan, doanh nghiệp.

 

Hội nghị REV-ECIT lần này đã giúp các bạn sinh viên trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ. Đồng thời cũng khẳng định các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ của sinh viên khoa Khoa Học Công Nghệ Tiên Tiến - khoa FAST đang ngày càng phát triển và chất lượng hơn.

 Tin, ảnh: Khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến, ĐH Bách khoa, ĐHĐN