DHBK

Chủ tịch HCERES đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng

19/10/2017 17:02

Vào lúc 14h30 ngày 18 tháng 10 năm 2017, tại phòng khách khu A, trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đã vinh dự đón tiếp và có buổi làm việc với Chủ tịch, Chuyên gia cao cấp của Tổ chức Kiểm định HCERES (Pháp) cùng đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Lãnh đạo Văn phòng PFIEV quốc gia về công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Trường.

Tiếp đón và làm việc với đoàn Giáo sư HCERES có GS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Trương Hoài Chính và PGS.TS Lê Cung - Phó Hiệu trưởng cùng các Thầy, Cô là Trưởng, Phó các Phòng, Khoa, Chương trình của Nhà trường.


Đoàn Giáo sư HCERES đến thăm và làm việc tại Trường

Chủ trì buổi tiếp, GS.TS Lê Kim Hùng – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường đã nồng nhiệt chào đón đoàn Giáo sư HCERES đến thăm và làm việc với Nhà trường.


GS.TS Lê Kim HùngBí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu chào mừng đoàn Giáo sư HCERES

Tại buổi tiếp, PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế đã giới thiệu với đoàn HCERES tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của Nhà trường, Triết lý giáo dục, Tầm nhìn, Sứ mệnh và Chiến lược phát triển của Nhà trường, cơ cấu tổ chức, các Phòng, Ban, Khoa và Chương trình đào tạo của Nhà trường.


PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế giới thiệu tổng quan về Nhà trường

Tiếp đến, PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục trình bày về hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục của Nhà trường bao gồm: công tác tự đánh giá, kiểm định trường, kiểm định chương trình, công tác Khảo thí, quy trình ISO và các thành tựu đạt được trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học mà Nhà trường đã đạt được trong thời gian qua. Cụ thể là trong năm 2016 Nhà trường đã nhận được chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục giai đoạn 2016-2021 theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, cũng như đã đạt tiêu chuẩn kiểm định AUN-QA cho 2 Chương trình tiên tiến và ngày hôm qua, Nhà trường nhận chứng nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục của HCERES giai đoạn 2017-2022.


PGS.TS Phạm Văn Tuấn
– Trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục trình bày về công tác kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường

Đến thăm và làm việc với Nhà trường, Chủ tịch HCERES - GS. Michel Cosnard  đã chia sẻ: “Chứng nhận đạt chất lượng kiểm định Châu Âu HCERES mà Nhà trường vừa nhận được là một chứng chỉ của cơ quan Pháp cấp nhưng có giá trị toàn Châu Âu bởi vì HCERES cũng là một tổ chức của Châu Âu. Tiến trình mà Trường các bạn đã đạt được là một tiến trình rất dài. Chúng tôi chúc mừng thành công của các bạn và hoan nghênh báo cáo tự đánh giá của các bạn đã làm rất chuyên nghiệp”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Đoàn đánh giá đến Trường Đại học Bách khoa có một Giáo sư rất nổi tiếng của Bỉ và 5 chuyên gia là những Giáo sư rất có uy tín của các trường đại học ở châu Âu. Kết quả kiểm định đạt chất lượng đã được dựa trên báo cáo tự đánh giá của Nhà trường và thực tế quá trình làm việc trực tiếp của Đoàn đánh giá với đội ngũ giảng viên các Khoa, chuyên viên các Phòng, Ban, các Chuyên gia và các Doanh nghiệp hợp tác với Nhà trường. Từ báo cáo tự đánh giá của Nhà trường và thông tin thực tế, Hội đồng đánh giá đã nghiên cứu, phân tích và kết luận Trường đã hoàn toàn thoả mãn những điều kiện về kiểm định và đánh giá của HCERES, vì vậy HCERES cấp chứng nhận kiểm định cao nhất cho Trường trong thời hạn 5 năm. Đồng thời, mỗi từ bản kết luận đánh giá kiểm định của HCERES cũng đã được cân nhắc rất cẩn trọng để truyền đạt ý kiến của các chuyên gia đến với Nhà trường.


GS Michel Cosnard chia sẻ những kiến nghị, đánh giá của HCERES đối với Nhà trường

Có 3 cấp để tổ chức HCERES đánh giá và kiểm định:

Cấp 1: Từ chối kiểm định

Cấp 2: Cấp giấy chứng nhận kiểm định trong thời hạn 2 năm cùng với những kiến nghị sửa đổi

Cấp 3: Cấp giấy chứng nhận cao nhất trong thời hạn 5 năm và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng đã được cấp chứng nhận cao nhất trong thời hạn 5 năm (2017-2022).

5 chỉ tiêu đánh giá kiểm định chất lượng HCERES đối với Nhà trường:

+ Quản trị chiến lược: Nhà trường đã đạt điểm cao nhất đối với cấp quốc tế.

+ Đào tạo và nghiên cứu khoa học: Riêng Chương trình đào tạo của Nhà trường được đánh giá rất cao, còn vấn đề Nghiên cứu khoa học Hội đồng kiểm định cũng xác định Nhà trường còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Tuy nhiên, chiến lược và định hướng của Nhà trường về Nghiên cứu rất tốt và phải có mối liên hệ giữa Đào tạo và Nghiên cứu để Nhà trường đạt được những chiến lược và thông số đề ra.

+ Đời sống sinh viên và hợp tác quốc tế được Hội đồng kiểm định đánh giá mức cao nhất

+ Hệ thống thông tin, Quản lý và điều hành: Hội đồng kiểm định rất hài lòng tuy nhiên còn 1 số yếu tố cần cải thiện trong kiến nghị của HCERES.

+ Đảm bảo chất lượng đào tạo: Hội đồng kiểm định rất thoả mãn với những công cụ mà Nhà trường đã xây dựng để đạt được những tiêu chí về đảm bảo chất lượng và bằng chứng là Nhà trường đã đạt được chất lượng kiểm định cấp Nhà nước và Đông Nam Á. Trong sơ đồ về đảm bảo chất lượng thì vai trò quản trị của Ban giám hiệu cũng rất quan trọng và “đạo văn” cũng là một vấn đề nâng lên ở mức toàn cầu nên Nhà trường cũng cần quan tâm đến vấn đề này.


GS.TS Lê Kim HùngBí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà lưu niệm cho  GS Michel Cosnard - Chủ tịch HCERES

Trong bài phát biểu, GS Michel Cosnard cũng đã đưa ra 3 kiến nghị của cá nhân ông nhằm hỗ trợ một phần về chiến lược để Nhà trường đạt được mục tiêu trở thành Trường Đại học theo định hướng nghiên cứu vào năm 2020.

Thứ nhất: Vấn đề nghiên cứu hiện nay đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ. Vì vậy, Nhà trường cố gắng tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. Đặc biệt là tạo điều kiện cho các Tiến sĩ trẻ có nhiều thời gian phục vụ cho nghiên cứu của mình. Đồng thời tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các giảng viên cao học để trong thời gian ngắn nhất có thể đủ điều kiện để theo học tiến sĩ vì đối tượng này sẽ dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất cho việc nghiên cứu.

Thứ hai: Theo xu thế của thế giới, Sinh viên nên được đặt trọng tâm vào Chương trình đào tạo và vào các hoạt động. Sinh viên không phải là khách hàng của các trường Đại học nữa mà là thành viên cấu thành của trường Đại học đó. Nếu đặt sinh viên vào trọng tâm của chương trình đào tạo, của các hoạt động thì sẽ có những giải pháp để thoả mãn sinh viên và đạt được mục tiêu cuối cùng về đào tạo. Tổ chức Đoàn thể, Hội sinh viên sẽ là đội ngũ hỗ trợ cho Nhà trường và Nhà trường cũng đang làm rất tốt vấn đề này.

Thứ ba: Vấn đề “đạo văn” hiện nay cũng là một vấn đề mà các cơ sở giáo dục đại học rất quan tâm. Trong chương trình đào tạo của Nhà trường nên có thêm phần đào tạo liên quan đến vấn đề đạo đức, khuyến khích sinh viên, giảng viên đăng ký bản quyền vì mỗi ý tưởng được đưa ra là một tài sản không thể xâm phạm.


Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm

Tin, bài: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN