Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường
“Đảm bảo chất lượng giáo dục là công cụ quan trọng để gia tăng quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục AUN-QA mà Quý Trường đạt được, đã chứng nhận rằng, 2 chương trình này hoàn toàn có khả năng thực hiện các tiêu chuẩn mong đợi từ chính người học. Tôi hy vọng rằng các chương trình này sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong chuyên môn sâu và sẽ được công nhận trên phạm vi quốc tế” - PGS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường Đại học khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network) đã chia sẻ như trên tại một sự kiện vừa diễn ra sáng nay tại Đà Nẵng.
Hôm nay (13/2), trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận “Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA” cho 2 Chương trình tiên tiến gồm: Ngành Điện tử-Viễn thông và Ngành Hệ thống nhúng.
|
PGS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành ASEAN University Network (ngoài cùng, bên trái, ảnh trên) trao Giấy chứng nhận và tặng hoa chúc mừng đại diện lãnh đạo khoa Điện tử-Viễn thông và chuyên ngành Hệ thống nhúng.
|
Lãnh đạo ASEAN University Network, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo khoa Điện tử-Viễn thông và chuyên ngành Hệ thống nhúng.
|
“Đối với các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên Trường chúng tôi, hôm nay là một ngày rất đặc biệt; một ngày ghi dấu ấn với việc 2 chương trình đào tạo tiên tiến của Nhà trường được Tổ chức kiểm định khu vực AUN-QA đánh giá với số điểm tốt nhất trong các chương trình đào tạo đã được đánh giá tại Việt Nam cho đến nay.
Với số điểm cao nhất này, cả 2 chương trình đào tạo tiên tiến của Nhà trường cũng chính thức được ghi nhận trong nhóm các chương trình đào tạo đạt “kết quả đánh giá cao nhất“ theo tiêu chuẩn AUN-QA của toàn khu vực Đông Nam Á” – GS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trường trường ĐH Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh.
Với mục tiêu bao trùm là phát triển nguồn nhân lực thông qua giáo dục ĐH trong khu vực ASEAN, năm 1995, Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) chính thức được thành lập.
Và nhằm đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng bên trong các trường ĐH trong khu vực, AUN đã đưa ra sáng kiến “đánh giá chất lượng giáo dục ĐH theo những tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN” (ASEAN University Network - Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA).
Bộ tiêu chuẩn của AUN-QA có 18 tiêu chuẩn với 74 tiêu chí. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 7 mức. Từ đó đến nay, chuẩn kiểm định chất lượng AUN vẫn là cái đích mà nhiều trường ĐH tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á hướng tới.
Mục tiêu của các trường ĐH không chỉ là thu hút học viên mà còn khẳng định chất lượng đào tạo, đồng thời dần tiến tới là việc xây dựng “Văn hóa chất lượng của một trường ĐH”.
Đối với AUN, đây cũng là cách để các trường trong mạng lưới nâng cao sự tin tưởng lẫn nhau về chất lượng đào tạo cũng như với các trường ĐH đối tác trên thế giới. Trong tương lai gần, AUN-QA góp phần thúc đẩy sự công nhận thành quả học tập và phát triển hợp tác giữa các trường ĐH trong khu vực Đông Nam Á.
“Lễ đón nhận “Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA” diễn ra hôm nay, đã ghi nhận tổng cộng 5 Chương trình đào tạo của Nhà trường đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức khu vực Đông Nam Á và châu Âu.
Trước đó, 3 chương trình của hệ đào tạo “Kỹ sư Việt-Pháp (PFIEV)” cũng đã được Tổ chức CTI châu Âu, tiếp tục công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2017-2022” – GS.TS Lê Kim Hùng cho biết thêm.
GS.TS Trần Văn Nam-Chủ tịch Hội đồng ĐH vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng (bên phải) và GS.TS Lê Kim Hùng- Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa tặng hoa và quà tri ân đến PGS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành AUN.
Lãnh đạo ĐH Đà Nẵng và ĐH Bách khoa tặng hoa tri ân đến GS.TSKH Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong thời gian là Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa cũng như trên cương vị Giám đốc ĐH Đà Nẵng, GS Ga đã có công lớn trong việc xây dựng nền tảng phát triển cho các Chương trình đào tạo tiên tiến tại ĐH Bách khoa.
Được biết, với Chương trình tiên tiến ngành Điện tử-Viễn thông và ngành Hệ thống nhúng, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng đã thiết lập quan hệ quốc tế đa dạng và bền vững với các trường ĐH, các Viện Nghiên cứu và các tổ chức giáo dục trên thế giới (ĐH Washington, ĐH Bang Portland, ĐH Newcastle, ĐH Leeds, Hội đồng Anh, USAID,...).
Ngoài ra, cũng với Chương trình tiên tiến nêu trên, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã kết nối thành công với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Intel, Texas Instrument, Bosch Việt Nam, Viettel, eSilicon, FPT, …, và đã nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các doanh nghiệp để đầu tư trang thiết bị, phòng thí nghiệm, học bổng, các cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cũng như cơ hội thực tập, làm đồ án tốt nghiệp và cơ hội việc làm cho sinh viên tại các doanh nghiệp, tập đoàn đầu ngành này.
Đơn cử tiêu biểu nhất là trường đã được chọn là 1 trong nhóm 5 trường ĐH kỹ thuật Việt Nam thụ hưởng một dự án đầu tư hàng triệu đô-la của Tập đoàn Intel cho các chương trình phát triển năng lực giảng viên và cán bộ quản lý trong Chương trình HEEAP (Higher Engineering Education Alliance Program). Đây là chương trình liên kết đào tạo giữa Chính phủ, các trường ĐH-CĐ và các doanh nghiệp, với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo kỹ thuật và đẩy mạnh lực lượng lao động có kỹ thuật cao tại Việt Nam.
Với sự công nhận của AUN, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cũng khẳng định vị trí tiên phong và sẽ đảm nhận sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cao cho lĩnh vực viễn thông và công nghiệp CNTT. Đây là 2 lĩnh vực được nhìn nhận sẽ giữ vai trò đột phá trong tầm nhìn phát triển bền vững của Đà Nẵng, trong những năm đến.
Tin và ảnh: T.Ngọc