Hội nghị tập trung thảo luận về 3 vấn đề lớn của giáo dục đại học, gồm: Các giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm của SV tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; Các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Đổi mới quản trị đại học để thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo
Đây là hội nghị bàn về chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Chính vì vậy, từ những kiến nghị, giải pháp được đề xuất tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thành những thông tư, nghị định… tạo sự thông thoáng về cơ chế để các trường có thể sáng tạo, chủ động
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặt vấn đề: “Ngành giáo dục đang đứng trước một thách thức rất lớn: Chất lượng giáo dục đại học; cùng đó là nghịch lý: Yêu cầu, nhu cầu về chất lượng giáo dục cao nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng và môi trường, cơ chế, thể chế nền kinh tế thị trường còn nhiều vấn đề cần bàn cãi.
Để giải được bài toán này, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ xã hội, của cả thể chế, nhưng trước hết, các hiệu trưởng trường ĐH phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo.
Tất nhiên chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào các yếu tố bên trong, bên ngoài, cung – cầu, bản thân người đi học nhưng hiệu trưởng phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo trước Quốc hội nhưng hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo tại chỗ”.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiệm vụ của đại học là đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học (NCKH), đây là những yếu tố làm nên thương hiệu của một trường.
Trong đó, NCKH trước hết là đòn bẩy để góp phần nâng cao chất lượng, tiếp đó là chuyển giao sáng chế, phát minh, nghiên cứu ra bên ngoài.
Bộ trưởng phân tích: "Tại kỳ họp Quốc hội, rất nhiều đại biểu chuyển tải ý kiến của cử tri về vấn đề SV ra trường không có việc làm, xã hội bức xúc.
Tất nhiên nguyên nhân SV ra trường thất nghiệp thì có nhiều nhưng nguyên nhân quan trọng là bắt đầu từ phía cung – tức là phía đào tạo của chúng ta.
Trước hết các trường ĐH phải dự báo được thị trường lao động. Chúng ta tuyển sinh năm nay thì 3-4 năm sau SV mới tốt nghiệp ra trường.
Rất tiếc do nhiều lý do, các cơ sở đào tạo dành ít nguồn lực cho công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động.
Chính vì vậy, mới có tình trạng có những ngành truyền thống một thời rất mạnh, bây giờ gặp rất nhiều khó khăn; các ngành thị trường cần nhưng nhà trường lại không có đủ điều kiện, năng lực để đáp ứng, chưa kể là những khó khăn từ môi trường chính sách. Môi trường chính sách chưa kiến tạo được cho các trường đại học tiếp cận với nhu cầu thực tế”.
Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề: “Việt Nam đang đứng trước cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà Chính phủ đang rất chú trọng đến những tác động của cuộc cách mạng này đến việc tăng trưởng, trong đó, ngành giáo dục phải có những đột phá về nguồn lực.
Ngành giáo dục phải có những đột phá gì trong đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Càng ngày nhu cầu của thị trường lao động của các nước trong quá trình hội nhập quốc tế càng cao, nếu chúng ta không chú ý đến việc nâng cao chất lượng đào tạo và dịch vụ thì sẽ thua ngay trên sân nhà”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Yêu cầu bức thiết về đổi mới quản trị đại học
Chúng ta phải thành tâm với những vấn đề chúng ta đang làm thì xã hội sẽ chia sẻ. Làm giáo dục phải có niềm tin, khi xã hội đặt câu hỏi về chất lượng giáo dục tức là đã mất nhiều niềm tin vào chất lượng của giáo dục. Nâng cao chất lượng đào tạo không thể làm nóng vội, phải là một quá trình; nhưng nếu không quyết liệt, không có lộ trình thì sẽ không đạt được kết quả như mong muốn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong xu hướng giáo dục toàn cầu hiện nay, chúng ta có thể nhập, chuyển giao giáo trình, công nghệ đào tạo, thậm chí mời cả giáo sư, giảng viên từ nước ngoài. Vấn đề là chúng ta sáng tạo sao cho phù hợp với điều kiện ở nước ta.
Chúng ta phải làm khác đi, một số trường chương trình đào tạo vẫn cũ, những ngành “ngôi sao” một thời nhưng giờ không phải là “ngôi sao” nữa.
Chúng ta không nên câu nệ vào những ngành truyền thống. Trong xu hướng cạnh tranh quyết liệt và liên tục, thì sợ nhất là chệch hướng so với nhu cầu của thị trường lao động. Nếu biết cách làm thì nguồn lực sẽ vào vì đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.
Ngoài phân tích những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo như đội ngũ, cơ sở vật chất và tài chính, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dành nhiều phân tích về quản trị đại học.
Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần phải đổi mới quản trị đại học. Hiệu trưởng các trường ĐH bây giờ chịu thách thức rất lớn: Thách thức từ yêu cầu chất lượng cao, thách thức làm sao để đáp ứng các yêu cầu về đổi mới và cả thách thức từ hiện trạng đội ngũ giảng viên.
Có những trường có rất nhiều giảng viên giỏi nhưng lại đang tỏa sáng ở những nơi khác; các giáo sư bây giờ quan hệ rộng, đặt mối quan hệ toàn cầu nên làm sao phát huy hết nguồn lực tại chỗ cũng là áp lực của Hiệu trưởng.
Bộ trưởng khẳng định: “Hiện nay, tính hành chính trong đại học rất cao, và ở chỗ nào nặng về hành chính thì sự sáng tạo càng kém. Vì vậy, ĐH phải tự chủ. Tự chủ là xu hướng tất yếu, nhưng phải có lộ trình, phải có hiệu quả chư không phải muốn tự chủ là tự chủ.
Việc đổi mới tinh giản ở khu vực đại học sẽ là tâm điểm trong thời gian tới, sẽ cơ cấu lại, tăng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phải có sự cạnh tranh. Năm nay phân bố tài chính của Bộ cũng có sự thay đổi, không bao cấp.
Bộ trưởng nêu vấn đề: Các trường ĐH phải có sự thay đổi về nhân lực, thay đổi trong quan hệ với khách hàng là doanh nghiệp phải có sự cạnh tranh. Hiệu trưởng các trường ĐH hiện nay bàn về kỹ thuật đào tạo là chủ yếu, chúng ta quản lý vụ việc quá nhiều.
Quản trị đại học phải có sự đột phá. Lâu nay chúng ta cứ có quan niệm các nhà khoa học giỏi sẽ chuyển sang làm quản lý. Thế nhưng trên thực tế, không phải cứ làm nhà khoa học giỏi thì sẽ là nhà quản trị giỏi.
Cũng có thực tế là chỉ tôn vinh các nhà khoa học giỏi nhưng các nhà quản lý giỏi thì lại chưa được chú trọng. Nếu một nhà quản trị giỏi sẽ tạo điều kiện để xuất hiện thêm các nhà khoa học giỏi được tỏa sáng”.
Chiều 7/1, Hội nghị sẽ tiến hành thảo luận nhóm với 3 chủ đề: Các giải pháp nâng cao tỉ lệ việc làm của SV tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;
Các giải pháp tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; Đổi mới quản trị đại học để thực hiện hiệu quả tự chủ đại học.
TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỰ CHỦ THEO LỘ TRÌNH
Về tự chủ đại học, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, chủ trương là tất cả các trường ĐH phải tự chủ, nhưng là tự chủ có lộ trình. 15 trường đang thực hiện tự chủ đại học là thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm nhằm triển khai và nhân rộng.
Cơ quan quản lý nhà nước vẫn cùng đồng hành với các trường thực hiện tự chủ và cấp kinh phí theo nhiệm vụ và chất lượng đào tạo, không phân biệt công lập hay tư thục. Các trường đại học đều bình đẳng trước chất lượng đào tạo.