Đánh giá và kiểm định Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng bởi Ủy ban bằng kỹ sư Cộng hòa Pháp (CTI)

25/03/2016 06:42

Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được Ủy ban Bằng kỹ sư Cộng hòa Pháp (Commission des Titres d’Ingénieurs - CTI) đánh giá và công nhận giai đoạn 2004 - 2009 và tái công nhận giai đoạn 2010 - 2016. Hiện nay trên toàn quốc có 61 chương trình đào tạo của các trường đại học được các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực công nhận, trong đó có 16 chương trình đào tạo thuộc Chương trình PFIEV.

  alt

Toàn cảnh buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban CTI

Trong khuôn khổ hoạt động đánh giá và kiểm định chất lượng của Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp CTI đối với Chương trình PFIEV (chu kỳ đánh giá và kiểm định chương trình kỹ sư của Ủy ban CTI là 6 năm), từ ngày 21/3 đến ngày 25/3/2016, Đoàn công tác của Ủy ban CTI sẽ đến đánh giá Chương trình PFIEV  tại 4 trường đại học Việt Nam tham gia chương trình (trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Xây dựng Hà Nội, trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh), nhằm tiếp tục công nhận chất lượng Chương trình PFIEV giai đoạn 2016 - 2022.  

alt

Đoàn công tác Ủy ban CTI tiếp xúc với Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN

Ủy ban bằng kỹ sư Pháp (CTI) là một tổ chức độc lập của Cộng hòa Pháp, trách nhiệm được quy định bởi Luật pháp Cộng hòa Pháp từ năm 1934: đánh giá và công nhận chất lượng đối với tất cả các chương trình đào tạo kỹ sư, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, trao quyền đào tạo và cấp bằng kỹ sư ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Từ năm 1934, Ủy ban CTI thành lập để đánh giá các trường tư và sau đó là đánh giá các chương trình đào tạo của các trường công lập của Pháp. Đến nay CTI đã trở thành một tổ chức đánh giá chương trình đào tạo kỹ sư có tiếng được thế giới biết đến. CTI chỉ đánh giá các chương trình đào tạo kỹ sư theo 14 tiêu chí và tập trung vào chương trình đào tạo, đòi hỏi về học thuật và nghề nghiệp. Với sự công nhận của CTI, các chương trình đào tạo kỹ sư và văn bằng của các chương trình này được Nhà nước Pháp và thế giới công nhận.

alt

Tham quan Phòng thí nghiệm Sản xuất tự động (CRePA-PFIEV)

Ủy ban CTI gồm có 32 thành viên chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất gồm 16 thành viên là các giảng viên từ các trường đại học; nhóm thứ 2 gồm 8 thành viên đại diện cho doanh nghiệp/nhà tuyển dụng; nhóm thứ 3 gồm 8 thành viên đại diện cho các hiệp hội và nghiệp đoàn - đại diện cho giới kỹ sư. Tham gia đánh giá Chương trình PFIEV lần này có ba chuyên gia kỳ cựu của Ủy ban CTI: Ông Manuel SAMUELIDES, Trưởng Đoàn, Ông Gabriel HENRIST, thành viên, Bà Corinne CABASSUD, thành viên.

Chương trình PFIEV tại trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng hiện nay đào tạo 03 chuyên ngành: chuyên ngành Sản xuất tự động (CTI đánh giá và công nhận giai đoạn 2004 - 2009 và tái công nhận giai đoạn 2010 - 2016), chuyên ngành Tin học Công nghiệp (CTI đánh giá và công nhận giai đoạn 2010 - 2016), chuyên ngành Công nghệ phần mềm (CTI đánh giá và công nhận giai đoạn 2014 - 2015).

alt

Tham quan sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên PFIEV

Ngày 22/3/2016, sau khi đánh giá Chương trình PFIEV tại trường ĐHBK - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban CTI tổ chức đánh giá Chương trình PFIEV tại trường ĐHBK - ĐHĐN. Tham gia buổi làm việc với Đoàn chuyên gia CTI tại trường ĐHBK - ĐHĐN có: Đại diện Lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Vụ ODA thuộc Bộ GD&ĐT, Lãnh đạo Văn phòng PFIEV Quốc gia, Đại diện Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và Ban ĐBCLDGD - ĐHĐN, Lãnh đạo trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN, Lãnh đạo các phòng chức năng của trường, Trưởng PFIEV, Trợ lý dự án PFEIEV, các trưởng chuyên ngành PFIEV, đại diện giảng viên, đại diện cựu sinh viên, sinh viên, đặc biệt là đông đảo đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn miền Trung, từng có quan hệ gắn bó với Chương trình PFIEV.

alt

Tham quan Phòng thí  nghiệm Tin học Công nghiệp PFIEV

Trong diễn văn khai mạc tại buổi tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia CTI, Hiệu trưởng, Trưởng PFIEV Đà Nẵng, GS. TS. Lê Kim Hùng ngỏ lời cảm ơn đến Ủy ban CTI, Bộ GD&ĐT, Văn phòng PFIEV Quốc gia, ĐSQ Pháp tại Việt Nam, Đại học Đà Nẵng, Tổ hợp các trường đại học đối tác Pháp và đại diện doanh nghiệp/giảng viên/cựu sinh viên đã hỗ trợ, đóng góp hiệu quả cho sự phát triển bền vững của Chương trình PFIEV, đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. GS.TS. Lê Kim Hùng nhấn mạnh mục tiêu chiến lược của Chương trình PFIEV là “đào tạo những kỹ sư có nền tảng vững vàng về kiến thức toán học, khoa học cơ bản, khoa học kỹ sư; có trình độ ngoại ngữ tốt, sẵn sàng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế; có kỹ năng thực hành cơ bản; có kiến thức chuyên môn vững vàng trong các lĩnh vực tương ứng (Sản xuất tự động, Tin học công nghiệp, Công nghệ phần mềm); đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp”. GS. TS. Lê Kim Hùng cam kết trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN sẽ tạo những điều kiện thuận lợi nhất nhằm phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo tinh hoa, trong đó có Chương trình PFIEV.

cit2016 7

GS. TS. Lê Kim Hùng, Trưởng PFIEV Đà Nẵng phát biểu chào mừng tại buổi làm việc

Tiếp tục buổi làm việc, PGS. TS. Nguyễn Đình Lâm giới thiệu các thành tựu của trường ĐHBK trong thời gian qua về đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quan hệ quốc tế,…, giới thiệu hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo trong Nhà trường, nêu bật định hướng chiến lược phát triển Nhà trường. PGS. TS. Lê Cung tổng kết các hoạt động đào tạo, tuyển sinh, quan hệ doanh nghiệp, cơ hội việc làm... của Chương trình PFIEV Đà Nẵng trong 5 năm qua, đánh giá các điểm mạnh, tồn tại, đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian đến. Đồng thời giải trình việc thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban CTI năm 2010 và năm 2013.  Sau phần làm việc với Lãnh đạo Nhà trường, Đoàn chuyên gia CTI tiếp tục trao đổi, mạn đàm, phỏng vấn đại diện các doanh nghiệp, giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên, tham quan các phòng thí nghiệm của Chương trình PFIEV, Khoa Điện và Khoa Công nghệ thông tin.

alt

PGS. TS. Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng NCKH&HTQT trình bày định hướng chiến lược phát triển Nhà trường

alt

PGS. TS. Lê Cung, Phó Hiệu trưởng, Trợ lý PFIEV, Trưởng chuyên ngành SXTĐ báo cáo tổng kết giai đoạn 2010-2015, giải trình việc thực hiện các khuyến cáo của Ủy ban CTI

Bước đầu, Ủy ban CTI đánh giá đánh giá cao những nổ lực của trường Đại học Bách khoa - ĐHĐN và Chương trình PFIEV Đà Nẵng nhằm đảm bảo các tiêu chí đề ra của Ủy ban CTI đối với chương trình đào tạo kỹ sư. Sau buổi làm việc với trường ĐHBK-ĐHĐN, Ủy ban CTI sẽ tiếp tục có các buổi làm việc với  trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Văn phòng PFIEV Quốc gia và Bộ GD&ĐT. Báo cáo đánh giá của Đoàn sẽ được trình lên Ủy ban CTI và Ủy ban sẽ xem xét công nhận Chương trình PFIEV trong cuộc họp toàn thể.

alt

Chuyên gia Ủy ban CTI trao đổi, mạn đàm với đại diện giảng viên

alt

Chuyên gia Ủy ban CTI trao đổi, mạn đàm với đại diện các doanh nghiệp/cựu sinh viên

alt

Chuyên gia Ủy ban CTI phỏng vấn sinh viên

alt

Tham quan Phòng thí nghiệm Vật lý PFIEV

alt

Tham quan Phòng thí nghiệm Máy Điện (Khoa Điện)

alt

Tham quan Phòng thí nghiệm và Phòng máy tính Khoa Công nghệ thông tin

PFIEV Đà Nẵng