Việt Nam - Pháp hợp tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học
28/02/2016 06:02
GD&TĐ - Ngày 25/2, Thứ trưởng Bùi Văn Ga và đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hai buổi làm việc với hai cơ quan đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Pháp: Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI) và Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES).
PGS. Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội - trình bày về kiểm định chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) tại buổi làm việc với CTI
Việt Nam có hơn 3.000 chương trình đang đào tạo ở các trường đại học nhưng mới chỉ có 61 chương trình đào tạo được các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực công nhận, trong đó có 16 chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao.
Hai bên đã trao đổi về hoạt động đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở mỗi nước và bàn về những hoạt động hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này.
Đánh giá và kiểm định chất lượng (chương trình và cơ sở đào tạo) là hoạt động quan trọng trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. Hiện Việt Nam đã thành lập 4 Trung tâm kiểm định chất lượng GDĐH. Các Trung tâm này đang bắt đầu triển khai hoạt động.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, sinh viên theo học các chương trình đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học được các tổ chức có uy tín trên thế giới kiểm định thì bằng cấp sẽ có tính cạnh tranh cao hơn và từ đó có nhiều cơ hội tìm kiếm được việc làm, đặc biệt trên thị trường lao động trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa được hình thành.
Ông Laurent MAHIEU Chủ tịch Uỷ ban Bằng Kỹ sư Pháp (CTI) cho biết: CTI được thành lập từ năm 1934 để đánh giá các trường tư và sau đó là đánh giá các chương trình đào tạo của các trường công lập của Pháp và đến nay CTI đã trở thành một tổ chức đánh giá chương trình đào tạo kỹ sư có tiếng được thế giới biết đến.
CTI chỉ đánh giá các chương trình đào tạo kỹ sư trên 14 tiêu chí và tập trung vào chương trình đào tạo, đòi hỏi về học thuật và nghề nghiệp. Với sự công nhận của CTI, các chương trình đào tạo kỹ sư và văn bằng của các chương trình này được nhà nước Pháp và thế giới công nhận.
Chương trình PFIEV được CTI công nhận trong hai giai đoạn 2004-2010 và 2010-2016. Hiện nay, Chương trình PFIEV đang chuẩn bị đón đoàn chuyên gia của CTI sang Việt Nam tiến hành đánh giá cho giai đoạn sau 2016.
Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giảng dạy đại học HCERES là cơ quan đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập của Pháp để đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các cơ quan nghiên cứu khoa học và các chương trình đào tạo đại học không phải là chương trình đào tạo kỹ sư.
Như vậy, CTI và HCERES là hai cơ quan đánh giá các chương trình đào tạo khác nhau, không có sự trùng lặp và cạnh tranh trong hoạt động. Tuy nhiên, HCERES có thể sử dụng những báo cáo đánh giá của CTI trong các đánh giá có sở đào tạo kỹ sư.
Theo ông Francois Pernot - Giám đốc Hợp tác quốc tế và Châu Âu của HCERES, khi đánh giá cơ sở đào tạo, HCERES tập trung vào 6 tiêu chí: (i) chiến lược và quản lý, (ii) công tác nghiên cứu và đào tạo, (iii) chương trình, hình thức đào tạo và kết quả đào tạo của sinh viên, (iv) kết quả nghiên cứu và khả năng ứng dụng, (v) quan hệ quốc tế và (vi) điều hành.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thảo luận chi tiết với phía bạn về chương trình hợp tác cụ thể trong đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Hai bên căn bản nhất trí:
(1) CTI tiến hành đánh giá và kiểm định lại các chương trình Kỹ sư chất lượng cao để xem xét công nhận giai đoạn 2016 - 2022;
(2) HCERES đánh giá và kiểm định 4 trường Đại học Việt Nam tham gia chương trình PFIEV (Trường ĐHBK Hà Nội, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Trường ĐHBK - Đại học Đà Nẵng và Trường ĐHBK-ĐHQG Tp Hồ Chí Minh);
(3) HCERES đánh giá và kiểm định các chương trình, cơ sở đào tạo khác theo yêu cầu của phía Việt Nam;
(4) CTI, HCERES sẽ làm việc với các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam để hợp tác đánh giá kiểm định đại học quốc tế, giới thiệu tổ chức Kiểm định GDĐH Châu Âu xem xét công nhận các Trung tâm kiểm định GDĐH Việt Nam để tham gia đánh giá, kiểm định quốc tế.