Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực: Bắt đầu từ mô hình, từ chương trình “bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu hóa”, kỳ 1

03/03/2017 08:18

Như ictdanang đã đưa tin đầu tuần này, ngày 13/2/2017, trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã tổ chức trọng thể lễ đón nhận “Giấy Chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA” cho 2 Chương trình tiên tiến gồm: Ngành Điện tử-Viễn thông và Ngành Hệ thống nhúng. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất đặc biệt, không riêng với khu vực miền Trung, mà còn lan tỏa rộng hơn ở phạm vi cả nước: Lần đầu tiên, hệ thống đào tạo bậc ĐH Việt Nam, có 2 chương trình đào tạo tiên tiến được xếp vào nhóm thứ hạng cao nhất của ASEAN.

Từ ngày 23 đến 28/8/2016, GS.TS Trần Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng ĐH vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng và Phó GS.TS. Võ Trung Hùng – Trưởng Ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường đã có chuyến công tác đến Canada và tham gia nhiều hoạt động với McGill University, Université du Québec à Trois-Rivières, École de Technologie Supérieure (ÉTS) đồng thời tham dự Hội nghị CITEF 2016 được tổ chức bởi Hiệp hội các trường đào tạo Kỹ sư và Kỹ thuật viên của AUF. 

Chuyến công tác đến các ĐH đối tác của lãnh đạo ĐH Đà Nẵng lần này được xác định “mở thêm những cơ hội chuyển tiếp cho sinh viên các chương trình tiên tiến”.

-Ảnh do trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cung cấp


Phóng viên ICTDANANG đã ghi lại các ý kiến xoay quanh chủ đề “Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực: Bắt đầu từ mô hình, từ chương trình bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu hóa” như một kim chỉ nam cho tầm nhìn “bồi dưỡng nhân lực, nuôi dưỡng và phát huy nhân tài”. 

Kỳ 1 của ghi chép này, chúng tôi trích giới thiệu 2 ý kiến.

"Giáo dục và đào tạo của bất kỳ quốc gia nào cũng phải bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu hóa"
GS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN):

Đảm bảo chất lượng là một giá trị gia tăng tự nhiên. Đó là một quá trình mà chúng ta cần phải thường xuyên nuôi dưỡng và phát triển để bắt kịp sự phát triển của kỷ nguyên toàn cầu hóa. Và đó cũng là lý do tại sao hệ thống AUN-QA (Quality Assurance, viết tắt là AUN-QA, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng chung của khu vực ASEAN về giáo dục-đào tạo), luôn tiếp tục phát triển và học hỏi kinh nghiệm từ các hoạt động trong quá khứ.

Hội nghị các lãnh đạo đảm bảo chất lượng AUN sẽ được tổ chức vào tháng 3 tới để thảo luận thêm về sự thích hợp và tính năng động của hệ thống AUN-QA, về cơ chế và đồng thời phê duyệt kế hoạch chiến lược để quản lý hiệu quả hơn các hoạt động của AUN-QA trong năm tới.

 

GS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN). -Ảnh: T.Ngọc. 


Đảm bảo chất lượng giáo dục là công cụ quan trọng để gia tăng và đào tạo nguồn lực con người chất lượng cao cho sự phát triển của khu vực Đông Nam Á. Tôi rất vui mừng rằng ngày càng có thêm nhiều trường ĐH trong cộng đồng chúng ta nỗ lực để đạt được điều đó. 

Với ý nghĩa đó, 2 chương trình đã đạt chuẩn chất lượng AUN-QA của trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đã đạt được thành quả mong đợi, nhưng các bạn hãy luôn luôn lưu ý: Kết quả đánh giá này là căn cứ để tiếp tục cải tiến chương trình và sẽ trở thành chuẩn mực cho các chương trình cùng lĩnh vực chuyên môn trong khu vực. Và tôi vẫn hy vọng rằng các Chương trình sẽ tiếp tục phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chuyên môn để được công nhận trên phạm vi quốc tế.

"Một trong những đột phá quan trọng để phát triển: Đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực khu vực và thế giới
GS.TS Trần Văn Nam-Chủ tịch Hội đồng ĐH vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng:

ĐH Đà Nẵng là một ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đa ngành, đa cấp, đóng vai trò trọng yếu trong đào tạo đội ngũ nhân lực và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. ĐH Đà Nẵng đã gia nhập AUN) kể từ tháng 8/2014.

Với tầm nhìn hướng tới là một trong những trường ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á, tiến đến hội nhập quốc tế với nhiều ngành mũi nhọn trong các lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế, khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, y học, ĐH Đà Nẵng luôn đặt chất lượng lên hàng đầu trong mọi hoạt động và hết sức coi trọng công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN-QA của khối ASEAN.

Từ định hướng này, ĐH Đà Nẵng đã không ngừng hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, liên tục cập nhật, hiện đại hóa chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá.

Dấu mốc rất quan trọng hôm nay trên hành trình nâng cao chất lượng của ĐH Đà Nẵng là 2 chương trình đào tạo ngành “Điện tử - Viễn thông” và “Hệ thống Nhúng”. Tầm nhìn của chúng tôi: Hướng tới là một trong những ĐH hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

 

GS.TS Trần Văn Nam-Chủ tịch Hội đồng ĐH vùng, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, trân trọng trao Giấy Chứng nhận, ghi nhận những đóng góp to lớn của GS.TS. Nantana Gajaseni, Giám đốc điều hành Mạng lưới các trường ĐH khu vực Đông Nam Á (ASEAN University Network - AUN).

-Ảnh: T.T.Nhã.  


Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, theo tôi, phải bắt đầu từ mô hình, từ chương trình. 2 chương trình được Tổ chức AUN kiểm định và công nhận đạt chất lượng khu vực với số điểm rất cao có sự đổi mới rất rõ: Được xây dựng trên nền tảng chương trình tương tự tại University of Washington và Portland State University của Hoa Kỳ và được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Các giảng viên giảng dạy 2 chương trình đào tạo này đều được tuyển chọn với tiêu chí giỏi tiếng Anh và giàu kinh nghiệm. Đa số giảng viên là Tiến sĩ, trong số đó có nhiều giảng viên nước ngoài đến từ các nước tiên tiến trên thế giới, trong đó chủ yếu là Hoa Kỳ.

Các sinh viên học tập ở 2 chương trình đào tạo này còn được hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập tại những tập đoàn, doanh nghiệp, công ty có uy tín cao trên thế giới như Intel, Bosch, Texas Instrument, Renesas...

Một số em sinh viên đã đạt các giải thưởng danh giá trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế, nhiều em đã được học chuyển tiếp hoặc học cao học, nghiên cứu sinh tại các ĐH hàng đầu ở nước tiên tiến trên thế giới. Uy tín của chương trình cũng đã được gián tiếp công nhận với sự tham gia học tập dưới hình thức sinh viên trao đổi của một số sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia tiên tiến như Đức, Bồ Đào Nha, Pháp...

Chất lượng tốt của các chương trình đào tạo sẽ giúp các bạn trẻ có được một hành trình bền vững hướng vào trong tương lai, bởi các em sẵn sàng cao nhất để làm việc trong bối cảnh toàn cầu hóa nền kinh tế và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.

[Theo Trần Ngọc & Thanh Nhã - ICT Đà Nẵng 18/02/2017]