Tổ chức thành công đợt đánh giá ngoài chính thức CTI cho 03 chuyên ngành của chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV)
03/04/2022 16:38
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tiếp tục khẳng định chất lượng đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua việc tái kiểm định lần thứ 4 liên tục từ năm 2004 cho 3 CTĐT Kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp (PFIEV) bởi Ủy ban bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp (CTI) và Mạng lưới kiểm định Châu Âu các chương trình đào tạo kỹ sư (ENAEE).
Phiên khai mạc đợt đánh giá ngoài chính thức CTI cho 03 chuyên ngành của chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV)
Đợt đánh giá diễn ra trực tuyến trong 2 ngày (31/3 và 1/4/2022). Các chương trình tham gia đánh giá đợt này gồm có chuyên ngành Sản xuất tự động, Công nghệ phần mềm và Tin học công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Đình Lâm – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường và PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường tham dự phiên khai mạc
Tại lễ khai mạc trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường gởi lời cảm ơn các chuyên gia Đoàn ĐGN CTI vì sự linh hoạt điều chỉnh chương trình đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn CTI sang hình thức trực tuyến do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp. Thầy chia sẻ “Năm 2021 là năm thử thách nhất của DUT vì đã phải đối mặt với hai đợt đại dịch Covid. DUT đã chuyển sang làm việc trực tuyến cho hầu hết các hoạt động từ tự đánh giá chương trình, xây dựng chương trình, dạy và học, quản lý đại học. Nhà trường đã cố gắng hết sức để giữ cam kết chất lượng với sinh viên, nhà tuyển dụng, các bên liên quan và xã hội.”
TS. Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng KHCN&HTQT giới thiệu tổng quan về Nhà trường
TS Lê Quốc Huy – Phụ trách CTĐT PFIEV giới thiệu về 3 CTĐT PFIEV
Chương trình Kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp (PFIEV) là một dự án hợp tác về đào tạo giữa chính phủ Pháp và Việt Nam bắt đầu từ năm 1999 và được kiểm định lần đầu tiên vào năm 2004 bởi Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp (CTI). Chương trình PFIEV được thiết kế theo mô hình và chương trình đào tạo Kỹ sư của Pháp, với thời gian đào tạo là 5 năm và trang bị cho sinh viên cả hai ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Các trường đại học và tổ chức của Pháp tham gia CTĐT PFIEV
Chương trình PFIEV được triển khai tại 4 trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam là: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Chương trình PFIEV được 8 trường đào tạo kỹ sư nổi tiếng của Pháp tham gia gồm Trường Centrale-SupÉlec, Trường quốc gia Bách khoa Grenoble, Trường quốc gia Cơ khí và Hàng không Poitiers, Trường quốc gia khoa học ứng dụng Lyon, Trường Cầu đường Paris, Trường quốc gia Bách khoa Toulouse, Trường Đại học quốc gia Viễn thông Bretagne, Trường Bách khoa Marseille; cùng với Trường Trung học Louis Le Grand de Paris hợp tác xây dựng chương trình đào tạo giai đoạn đại cương. Đến nay, PFIEV đã có 23 khóa tuyển sinh. Tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, chương trình PFIEV tuyển sinh từ năm 1999 với 01 chuyên ngành là Sản xuất tự động (hợp tác với Trường quốc gia Bách khoa Grenoble). Đến năm 2007 mở mới chuyên ngành Tin học công nghiệp (hợp tác với Trường quốc gia Bách khoa Grenoble) và năm 2011 mở mới chuyên ngành Công nghệ phần mềm (hợp tác với Trường Bách khoa Marseille).
Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật các phiên tọa đàm đợt đánh giá CTI
Các phiên tọa đàm trong đợt đánh giá CTI
Với CTĐT được kiểm định bởi Ủy ban bằng Kỹ sư Cộng hòa Pháp (CTI) và Mạng lưới kiểm định Châu Âu các chương trình đào tạo kỹ sư (ENAEE), sinh viên tốt nghiệp Chương trình Việt-Pháp có nhiều lợi thế về cơ hội việc làm và nghiên cứu sinh ở trong nước hoặc nước ngoài, đặc biệt là tại các quốc gia Châu Âu. Số liệu khảo sát cho thấy tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Kỹ sư tốt nghiệp chương trình PFIEV có tỉ lệ tìm được việc làm 3 tháng sau khi tốt nghiệp là 93% và 1 năm sau khi tốt nghiệp là 97%, với tỉ lệ du học đạt 10%.
Chụp hình lưu niệm kết thúc các phiên tọa đàm
Chương trình Kỹ sư Chất lượng cao Việt-Pháp PFIEV đã được CTI kiểm định lần đầu tiên vào năm 2004 và liên tục được tái kiểm định 3 lần (chu kỳ 5 năm/1 lần) bởi CTI và bằng Kỹ sư PFIEV được công nhận tương đương với trình độ thạc sĩ tại Pháp và Châu Âu. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã công nhận văn bằng Kỹ sư chất lượng cao PFIEV tương đương trình độ thạc sĩ trong việc xét tuyển học tiếp lên trình độ cao hơn.
Tin, ảnh: Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN