Trước đó, cũng trong năm học 2016 – 2017, trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng đã được Trung Tâm Kiểm Định Chất Lượng Giáo dục - ĐHQG Hà Nội công nhận đạt Chất lượng Giáo dục Quốc gia giai đoạn 2016 – 2021 theo các tiêu chí do Bộ GD&ĐT ban hành; 02 Chương trình Đào tạo Chương trình tiên tiến được Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN) đánh giá ngoài và công nhận đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn đánh giá AUN-QA giai đoạn 2016 – 2019 với kết quả đánh giá chất lượng cao nhất Việt Nam từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, trường có 03 chương trình đào tạo kỹ sư Chất lượng cao PFIEV được tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI) đánh giá tái công nhận đạt Chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI giai đoạn 2016 – 2022. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phó Giám đốc Trung tâm xuất sắc, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng về kinh nghiệm tham gia đánh giá bởi các tổ chức kiểm định quốc tế.
Thưa PGS.TS, xin ông cho biết việc đánh giá cơ sở giáo dục bằng bộ tiêu chuẩn của HCERES có những đặc điểm gì ?
Đánh giá, kiểm định chất lượng là một công việc thường xuyên của các trường đại học. Quá trình đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng bởi một tổ chức độc lập để công nhận các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng là mô hình được nhiều nước trên thế giới sử dụng.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao, việc tự đánh giá và được kiểm định độc lập là minh chứng quan trọng để giải trình chất lượng giáo dục với xã hội, là căn cứ để cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo.
Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (gọi tắt là HCERES), được thành lập năm 2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES). HCERES có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH), các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. HCERES xây dựng 02 bộ tiêu chuẩn đánh giá CTDT và CSGDĐH, và là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học châu Âu (EHEA).
Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 29 tiêu chí: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, bản sắc và truyền thông); Đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, chính sách nghiên cứu, mối quan hệ giữa đào tạo và nghiên cứu); Quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (nguồn lực phục vụ học tập, môi trường học tập và quản lý đào tạo); Quan hệ đối ngoại (chính sách các đối tác chiến lược, quan hệ quốc tế); Quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); Chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).
Trong quá trình tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế, như Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN), Tổ chức Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI), và mới đây nhất là Tổ chức kiểm định châu Âu HCERES, nhà trường đã gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
Trong quá trình tự đánh giá và kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế, trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng gặp một số khó khăn, thách thức: Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh, mục tiêu, chiến lược và chính sách của đơn vị: cần rõ ràng, phù hợp, gắn liền với chiến lược phát triển của đơn vị cấp trên, của địa phương, của quốc gia và có thể cả khu vực (tùy đơn vị). Về cơ sở dữ liệu: chưa được thống kê một cách khoa học, chưa được cập nhật liên tục. Về cơ sở vật chất: cần được nâng cấp hiện đại hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Chương trình đào tạo, đề cương học phần, tài liệu tham khảo, giáo trình… chưa được đánh giá và cập nhật thường xuyên.
Một khó khăn nữa là hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của nhà trường chưa xây dựng được hệ thống ĐBCL bên trong cấp Trường và cấp Khoa/Chương trình một cách hiệu quả. Ở khía cạnh văn hóa đảm bảo chất lượng, chúng tôi cũng gặp không ít trở ngại do sự quan tâm của cán bộ viên chức, người học, các bên liên quan về công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng chưa được đề cao.
Một điều không kém phần quan trọng trong công tác tự đánh giá là cần có kỹ năng viết báo cáo tự đánh giá tốt, phương pháp xây dựng hệ thống minh chứng khoa học, mô tả đúng điểm mạnh, điểm yếu, kế hoạch hành động phù hợp với nội hàm của từng tiêu chí.
Đạt KĐCLGD không phải là điểm cuối cùng mà đây là dấu mốc đầu tiên để các trường ĐH cải tiến và hoàn thiện các điều kiện phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ cộng đồng. Kết quả của những đợt KĐCL chỉ thực sự có ý nghĩa khi cơ sở giáo dục triển khai thực hiện các biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng sau đánh giá nhằm đạt hoặc vượt những chuẩn mực nhất định về chất lượng. Thưa PGS.TS, đây phải chăng là áp lực lớn nhất của các trường tham gia KĐCL khi theo chu kỳ, sau 5 năm sẽ được đánh giá trở lại?
Trong quá trình thực hiện việc Tự đánh giá và Đánh giá ngoài chính thức, chúng tôi nhận thấy toàn bộ các hoạt động nhà trường về đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ phục vụ cộng đồng đã có nhiều chuyển biến cải thiện rõ nét. Mọi hoạt động đều diễn ra thực chất, có chất lượng tốt hơn, đặc biệt việc lưu trữ thông tin đầy đủ hơn vì tất cả các hoạt động này đều là minh chứng cho chất lượng các hoạt động của nhà trường. Tất cả các thành viên trong trường đã thấy được vị trí và vai trò của mình trong việc đảm bảo chất lượng của Nhà trường. Đây là cơ sở để từng bước góp phần tạo lập văn hóa chất lượng trong toàn trường.
Kết quả kiểm định khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường không chỉ trong nước mà trên quốc tế. Qua đó thu hút nhiều hơn nữa các hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học với các đối tác ở châu Âu và trên thế giới. Đó là lợi ích cho trường, cho sinh viên và cho cả ngành giáo dục.
Nhà trường xác định việc đạt được tiêu chuẩn chất lượng trong đợt đánh giá lần này chỉ là bước khởi đầu, không phải là đích đến cuối cùng vì hoạt động đảm bảo chất lượng là một quá trình cải tiến liên tục. Nhà trường sẽ xem xét các khuyến nghị của Trung Tâm Kiểm Định Chất Lượng Giáo dục - ĐHQG Hà Nội, HCERES, của AUN-QA, CTI để tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, phấn đấu thúc đẩy nhà trường và chương trình đào tạo không ngừng phát triển để tiến tới trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực bậc cao gắn liền với nhu cầu phát triển KT-XH của khu vực Miền trung, Tây Nguyên và cả nước.
Xin cảm ơn PGS.TS!