DHBK

Sức khỏe cộng đồng cần được xem xét trong quy hoạch và thiết kế cảnh quan đô thị

05/10/2021 15:29

Quá trình phát triển đô thị trong lịch sử đã qua nhiều giai đoạn, dựa trên Chủ nghĩa không tưởng, Chủ nghĩa duy tâm, Chủ nghĩa tượng trưng và sự thể hiện quyền lực. Quá trình đó cũng được hình thành dựa trên sự cần thiết của các biện pháp khắc phục do thiên tai, dịch bệnh nguy hại đến sức khỏe con người, nhu cầu luân chuyển hàng hóa và con người trong toàn bộ khu vực.

Từ thời kỳ sơ khai đến trung cổ, các nhà lãnh đạo cộng đồng ban đầu là các pháp sư, các thế lực nhà thờ, lãnh chúa phong kiến đã chi phối sự hình thành nơi trú ngụ, thiết lập làng xã, không gian cảnh quan ngoài trời, quy hoạch TP. Họ đóng vai trò như là các nhà quy hoạch, KTS có sự thông hiểu về môi trường, về cơ sở địa lý, về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, xã hội, tôn giáo. Các cộng đồng dân cư ban đầu được quy hoạch tập trung vào các không gian chính, tạo điều kiện cho các hoạt động trọng tâm của cộng đồng – nơi mọi người coi mối quan hệ của họ với vũ trụ, tâm linh; vì vậy nhà thờ hoặc đền thờ đóng vai trò quan trọng trong xã hội lúc bấy giờ. Đây là những toà nhà lớn và được thiết kế công phu với những không gian lớn ngoài trời; một địa điểm tập trung các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như chợ, hành chính, sinh hoạt cộng đồng. Không gian nhà thờ còn là nơi đóng vai trò trọng điểm để mở rộng các khu vực lân cận. Các nhà quy hoạch thiết lập TP ban đầu chưa xem xét đến các góc độ y tế cộng đồng; người dân còn bị ràng buộc bởi các thế lực và tâm linh, sự nhận định khoa học về dịch bệnh chưa được khai mở, bệnh tật bị xem như là một sự trừng phạt của thần linh cho các tội lỗi, và họ chỉ có thể sám hối, cầu nguyện và ăn chay.1

Theo dòng lịch sử, chiến tranh Peloponnesian giữa hai bang hùng mạnh nhất của Hy Lạp cổ đại, về sự nắm giữ quyền lực ở Địa Trung Hải: Hải quân Anthens và binh lính Sparta. Và Sparta đã giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, nhiều giả thuyết cho rằng chiến thắng này có một nhân tố ảnh hướng lớn – một sự kiện đã diễn ra vào năm thứ hai của cuộc chiến Athens – bệnh dịch năm 430 trước công nguyên. Căn bệnh này, phần lớn được các học giả hiện đại cho rằng có thể là sốt phát ban hoặc thương hàn và nó đã trở thành đại dịch tàn phá thảm khốc TP Athens, hơn 25 đến 35% dân số đã chết vì bệnh dịch.2 Chiến lược của các nhà lãnh đạo là đưa những người từ vùng nông thôn vào TP Athens – nơi có tường thành bao quanh, có những đường phố nhỏ hẹp; điều này lại khiến điều kiện vệ sinh trong TP trở nên tồi tệ hơn, làm tăng tỷ lệ lây lan. Thucydides là một vị tướng của người Athens, ông đã nhấn mạnh rằng: Sự đông đúc ở Athens, cùng với nhà ở, điều kiện vệ sinh không đầy đủ, đã gây cho dịch bệnh lây lan nhanh hơn và làm tăng số lượng thương vong. Tuy nhiên, vì sự gia tăng hoảng loạn trong xã hội và hành vi cực đoan, phi lý trí, nhiều người bác bỏ điều mà Thucydides đưa ra, họ tin rằng điều gì đó đã khiến các vị thần tức giận, các vị thần đã ban ra dịch bệnh như một sự trừng phạt. Lúc này, mối quan tâm về mặt tinh thần trong dân chúng cũng lớn dần lên. Năm 541 đến năm 767, thời kỳ Justinian, mặc dù người dân của các TP của đế chế Byzantine (đế chế Đông La Mã) đã xem trọng sức khỏe cộng đồng hơn thời kỳ trước bằng cách cho xây dựng công trình, quy hoạch TP với kỹ thuật tiên tiến, thiết lập không gian thành nơi đáng sống với các hệ thống cống rãnh, cầu dẫn nước, bể chứa nước, cung điện, quảng trường thành quách, cổng thành hay những khu vườn với đài phun nước và cây xanh được sắp xếp bài trí… 3

Tuy nhiên, bất chấp sự tiện nghi đó, một bệnh dịch hoàng hành đã giết chết gần một nửa dân số vào thời điểm đó, góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của đế chế Byzantine. Lũ lụt theo mùa làm ngập các vùng thấp, nước tù đọng làm nơi trú ngụ của muỗi sốt rét, nước thải của bồn tắm công cộng, nhà vệ sinh chung hay bãi tập kết chất thải đã tạo ra môi trường lý tưởng sinh sôi của vi khuẩn.

Vào thế kỷ 14, tại Châu Âu, “cái chết đen’’- bệnh dịch hạch đã giết chết hàng triệu người, hơn 1/3 dân số đã chết. Và nhiều đề xuất của các chuyên gia như KTS , nhà lãnh đạo đã được thực hiện để xây dựng, cải tạo TP với tường lớn bao quanh, tường thành trên các ranh giới quốc gia để xây dựng khu cách ly, theo dõi, và thiết lập các không gian công cộng, công viên nhằm tạo môi trường thư giãn, gặp gỡ và giao dịch. Hơn nữa, các ngôi nhà thời Trung Cổ được thiết kế chú trọng hơn về không gian, thông gió, chiếu sáng. Nâng cấp, cải tiến công trình cấp thoát nước để xóa bỏ môi trường sống tù túng, và chật hẹp, hướng tới một không gian chú trọng y tế cộng đồng. Leonardo Da Vinci, vĩ nhân không chỉ được biết đến là họa sĩ nổi tiếng với các tác phẩm “Bữa ăn cuối cùng” hay “Mona Lisa”, mà còn là nhà sáng tạo trong lĩnh vực quy hoạch và thiết kế kiến trúc. Ông cũng đã nêu ra nguyên nhân chính của “cái chết đen” tại thời Trung Cổ là do môi trường đô thị không đảm bảo vệ sinh, đường phố chật hẹp, môi trường cảnh quan chưa được chú trọng, TP không hợp vệ sinh. Da Vinci đã xây dựng kế hoạch tái thiết “TP lý tưởng” tại Milan, dù kế hoạch này không được đưa vào thực tế nhưng đề xuất của ông đã hướng tới góc độ sức khỏe cộng đồng, quy hoạch TP hợp vệ sinh và hiệu quả bằng cách khoanh vùng, phân chia việc sử dụng đất đô thị theo các mục đích khác nhau . Đề xuất quy hoạch TP lý tưởng của Leonardo Da Vinci bao gồm: TP được chia thành 3 tầng với 3 mục đích: Khu vực thứ nhất là đường giao thông riêng cho xe và ngựa, cho giao thương; Khu vực thứ hai dành riêng cho người dân ở; Khu vực thứ ba là hệ thống các kênh đào trong TP, nối trực tiếp với tầng hầm của các căn nhà, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa. Với cấu trúc TP này, ông giải quyết sự ùn tắc vào đỉnh điểm trên các tuyến đường chật chội bằng đường xá thông thoáng hơn, dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh.

Được vận hành theo những cách khác nhau, TP lý tưởng của Da Vinci phác thảo một TP hiện đại và hợp lý, phù hợp với những lý tưởng của thời Phục hưng. Quy hoạch và thiết kế lấy sức khỏe cộng đồng làm cốt lõi đã thay đổi một cách sáng tạo tình trạng y tế đô thị và các vấn đề dịch bệnh do đông đúc gây ra. Từ các quan điểm ngày nay, người viết cho rằng giả định của Leonardo Da Vinci không chỉ đúng mà còn đưa ra các giải pháp và ý tưởng mang tính dự báo cho các vấn đề sức khỏe cộng đồng có thể gặp phải trong quá trình đô thị hóa. Điều này cho thấy mối quan tâm, nghiên cứu sâu của các nhà quy hoạch thời bấy giờ đến mối quan hệ giữa thiết kế đô thị và phòng, chống dịch bệnh.

Trung tâm TP của đế chế Byzantine với những không gian mở, cảnh quang sân trong kết hợp mặt nước, Jean-Claude Golvin

Vào những thập niên tiếp theo, các lý thuyết, đạo luật, phong trào, các cuộc thảo luận không ngừng xuất hiện để làm rõ mối liên hệ giữa “Căn bệnh đô thị”, đạo luật sức khỏe cộng đồng, phong trào công viên đô thị, lý thuyết TP vườn của Howard…5 Dựa vào đó, các nhà quy hoạch, KTS hiện đại đã thực hiện thiết kế xây đựng TP kết hợp các hệ thống hạ tầng, mở rộng không gian chung, giải phóng mặt bằng, chú trọng hệ thống cấp thoát nước, thiết lập không gian xanh, công viên, quảng trường. Về điều này, phải kể đến kế hoạch tu sửa Paris tại Pháp sau khi dịch bệnh bùng phát vào thế kỷ 19. Các nhà quy hoạch, chuyên gia đã nghiên cứu các mô hình TP chịu ảnh hưởng của đại dịch: Bệnh dịch trầm trọng tại những khu vực mật độ dân số cao, nơi có những con phố đông đúc. Những con đường chật chội, nhỏ hẹp, khó dọn dẹp, khó vệ sinh, khó phong tỏa đã được cải tạo lại thành những đại lộ; hệ thống cống rãnh được mở rộng, các đại lộ và trục dường quy vào đồng tâm, cảnh quan đô thị được định hình.. Paris được tái thiết với hứa hẹn mang đến cho người dân “Nước, không khí, bóng râm”, trở thành một khuôn mẫu được mô phỏng trên toàn thế giới cho các TP công nghiệp – nơi đầy rẫy khu ổ chuột, dân số mật độ cao. Tái thiết Paris là ví dụ tinh túy về cuộc khủng hoảng sức khỏe làm rung chuyển TP, cuối cùng có thể kích thích một sự tái sinh mạnh mẽ.6

Các quy hoạch thời bấy giờ đã thật sự đã ảnh hưởng lớn đến trào lưu thiết kế kiến trúc ở những năm tiếp theo. Điển hình vào thế kỷ 20, yếu tố sức khỏe được lồng ghép trong kiến trúc hiện đại, đi đầu trào lưu này là KTS Le Corbusier với công trình Villa Savoye (1931), công trình được sơn màu trắng giống như một bệnh viện, không gian sống được thiết kế với cấu trúc nhà sàn, cách xa mặt đất, nơi có mầm bệnh; nội thất tối giản để hạn chế lưu giữ vi khuẩn; mái nhà ngang với sân thượng, ban công và vườn trên mái để thiết lập cảnh quan. Những yếu tố này phổ biến trong trào lưu kiến trúc hiện đại. Các chuyên gia, KTS đã thật sự xem xét đến tác dụng chữa bệnh của tự nhiên, của ánh sáng, không khí trong thiết kế quy hoạch, cảnh quan và công trình.

Minh họa bệnh dịch tấn công Constantinople- thủ đô của đế chế Byzantine, 542 –Nguồn: Art Station

Bản thảo của Leonardo Da Vinci về TP lý tưởng- Lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp-Thierry Le Mage

Có thể thấy, đằng sau mỗi trận dịch quy mô lớn, việc xây dựng và phát triển đô thị được thúc đẩy tương ứng, đồng thời cũng nâng cao cải thiện hệ thống y tế công cộng và nhận thức về môi trường của cộng đồng. Nhưng quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã làm suy yếu mối liên hệ này. Các TP là những hệ thống phức tạp khổng lồ, dễ trở thành môi trường ươm mầm cho các loại virut tiềm ẩn. TP hiện đại đang phát triển quá nhanh trong việc theo đuổi lợi ích mà bỏ qua tác động khó lường của các bệnh truyền nhiễm cao hoặc bỏ qua việc xem xét môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Phát triển đô thị cần đi đôi với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và các nhân tố khác, chúng cần thúc đẩy lẫn nhau và gánh vác sứ mệnh chung là bảo vệ nền văn minh nhân loại. Giáo sư y tế cộng đồng và quy hoạch Leonardo Duhl cho rằng: “Một TP giống như một cơ thể sống của con người. Con người không thể khỏe mạnh, nếu một bộ phận bị bệnh”7. Cũng như theo tổ chức y tế WHO: Một TP lành mạnh là TP liên tục tạo ra và cải thiện các môi trường vật chất và xã hội, đồng thời mở rộng các nguồn lực cộng đồng đó cho phép mọi người hỗ trợ lẫn nhau trong việc thực hiện tất cả các chức năng của cuộc sống và phát triển tối đa tiềm năng của họ – Cộng đồng, TP là một “sinh vật” phức tạp và phải được xử lý như một tổng thể.

Mô hình dựng lại thiết kế của Da Vinci về TP lý tưởng- Bảo tàng Leonardo Da Vinci -Prisma achivo

ThS. KTS. Đỗ Hoàng Rong Ly
Khoa Kiến trúc- ĐH Bách Khoa Đà Nẵng
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 07-2021)


Tài liệu tham khảo:

[1] Palmer R.1982. The Church, Leprosy and Plague in Medieval and Early Modern Europe.Cambridge University Press.pp.79–99.
[2] Retief FP, Cilliers L.1998. The epidemic of Athens, 430-426 BC. S Afr Med J.88(1).
[3] Douglas, M.1999. Leviticus as Literature. Oxford: Oxford University Press.
[4] Campanozzi LL, Benvenuto D, Guarino MPL, et al. 2020. Leonardo da Vinci’s advice on public health. Lancet, 395: e16
[5] Alirol E, Getaz L, Stoll B, et al 2010. Urbanization and infectious diseases in a globalized world. Lancet Infect Dis10: 131–141
[6] Feargus O’Sullivan. 4/2021. Pandemic Lessons from the Era of “Les Miserables”-Citylab.
[7] DUHL, L. 1986. The healthy city: its function and its future. Health promotion, 1(1), pp 55–60.

Ghi chú

1. Palmer R.1982. The Church, Leprosy and Plague in Medieval and Early Modern Europe.Cambridge University Press.79–99.
2. Retief FP, Cilliers L.1998. The epidemic of Athens, 430-426 BC. S Afr Med J.88(1),50-3
3. Douglas, M.1999. Leviticus as Literature. Oxford: Oxford University Press.
4. Campanozzi LL, Benvenuto D, Guarino MPL, et al. 2020. Leonardo da Vinci’s advice on public health. Lancet , 395: e16
5. Alirol E, Getaz L, Stoll B, et al.2010. Urbanization and infectious diseases in a globalized world. Lancet Infect Dis,10: 131–141
6. Feargus O’Sullivan. 4/2021. Pandemic Lessons from the Era of “Les Miserables”-Citylab
7. DUHL, L. 1986. The healthy city: its function and its future. Health promotion, 1(1): 55–60.