DHBK

Mùa tựu trường – lặng ngẫm những tri ân

06/09/2019 15:50

Trong lời thỉnh cầu gửi thầy Hiệu trưởng, Tổng thống Mĩ Abraham Lincon viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu nhìn thấy thế giới kì diệu của sách. Nhưng cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn đời của cuộc sống: Đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng, và những bông hoa nở ngát bên đồi xanh…

…Xin thầy giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là hoàn toàn sai lầm”.

Như vậy, trong cái nhìn của Abraham Lincon, mỗi lời dạy của thầy là một thế giới diệu kỳ. Mỗi trang sách là một bậc thang giúp người ta nhận ra sự bí ẩn muôn đời của cuộc sống. Để khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của nó, người ta phải sống chậm, phải lặng lẽ suy tư, trải nghiệm và nhận ra mọi chiều kích của không gian, từ cái lớn lao như bầu trời, cái nhỏ bé của cánh ong và cái mong manh của bông hoa.

Mặt khác, ta thấy cuộc sống là một bản giao hưởng mà mỗi cá thể đều có đóng góp riêng góp phần làm nên một dàn hòa âm say đắm. Cuộc sống được nhìn nhận từ cái chung, nhưng cũng cần tôn trọng những nét riêng biệt. Nhiều cái riêng tạo thành bản sắc giúp cộng đồng phát triển. Khi khám phá cuộc sống, chúng ta đã học được rất nhiều điều ngoài sách vở, trường lớp. Cuộc sống muôn màu giúp ta lớn lên, trưởng thành và tự lập. Đó chính là bài học có ý nghĩa nhất. Nói cách khác, khám phá cuộc sống chính là một hành trình khám phá nội lực của bản thân. Khám phá chính mình nghe thật đơn giản, nhưng nhiều khi phải đổi lại bằng cả đời người. Đó là một khám phá đam mê.

Có thể nói, cuộc đời mỗi người đều bước qua hai “cánh cổng” diệu kỳ: 1/ cánh cổng tri thức; và 2/ cánh cổng cuộc sống. Dù ở cánh cổng nào, sách luôn là nền tảng kiến thức vững chắc, mở ra một chân trời mới, giúp chúng ta khám phá cuộc sống dựa trên kiến thức được lĩnh hội. Việc dẫn dắt một ai đó đi qua cả hai “cánh cổng” kia là một thử thách.. Ở đó, trách nhiệm đè nặng lên vai người thầy. Điều này đã được khẳng định qua lời thỉnh cầu chân thành của vị Tổng thống: “Xin thầy hãy dạy cho con tôi”. Đó chính là nỗi lòng của người cha khi hiểu được những ngày đầu con mình đi học. Ông hiểu nhà trường không chỉ dạy cho con người đức tính tự lập, mà còn dạy cho họ cái nhân ái, rộng mở của tâm hồn. Ở bất cứ bậc học nào, người thầy đều giữ vai trò quan trọng và luôn được xã hội tôn vinh. Từ lời thỉnh cầu của người cha, người tri thức ở trên, soi vào ngành Kiến trúc - một ngành học mang tính ứng dụng cao, một khóa học, chúng ta sẽ nhận ra bên cạnh những khó khăn, thách thức, còn có biết bao niềm biết ơn, tự hào.

Thưa quý Thầy Cô, chúng em - những cựu sinh viên kiến trúc từ các trường Đại học khác nhau cùng về học lớp Cao học Kiến trúc K34 – trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng với mong muốn nâng cao kiến thức và tầm hiểu biết sâu rộng hơn đối với một ngành học. Chúng em rất may mắn khi được thầy cô soi sáng, dẫn đường. Qua thời gian học tập, chúng em cảm nhận được thầy cô như những người bạn, người đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm. Đó là những người dẫn đường, cùng đồng hành cùng chúng em trên con đường vươn tới đỉnh cao chinh phục tri thức. Nhờ công sức khơi gợi ý tưởng, tìm tòi, khám phá mà qua hai năm học tập, chúng em đã tìm thấy ngọn lửa nhiệt huyết cho riêng mình, đồng thời tìm thấy nguồn cảm hứng giúp cho ngọn lửa ấy cháy sáng lên mãi.

Trong bức thư Tổng thống Abraham Lincon gửi thầy hiệu trưởng nơi con trai mình đang theo học, ông cũng đã viết: “Xin thầy giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân dù tất cả mọi người xung quanh đều cho rằng ý kiến đó là hoàn toàn sai lầm”. Đó không chỉ là mong mỏi riêng của bậc làm cha làm mẹ, muốn con mình phải có niềm tin tuyệt đối của bản thân, bởi nếu hoài nghi chính mình chẳng ai có thể tin bạn. Đó không chỉ là phương hướng phát triển cần thiết giúp giáo dục không chỉ tạo ra một con người tốt hơn, mà còn đem đến những ý tưởng mới lạ, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh hơn.

Sứ mệnh của Kiến trúc là đón trước động thái của xã hội về mặt tinh thần và đi trước một bước để tạo dựng cơ sở vật chất đáp ứng sự biến chuyển diễn ra trên diện rộng. Có rất nhiều kiến trúc sư lúc đầu bị cho là “điên rồ”, nhưng khi ý tưởng khác thường của họ mang lại thành tựu thì ai ai cũng tung hô và cho đó là đúng. Vì thế, giữ vững chính kiến của bản thân, tin vào những giá trị bền vững chẳng có gì là sai lầm. Chỉ cần bạn đủ năng lực và kiên trì theo đuổi và chứng minh cho điều ấy là đúng. Để làm được điều đó, yêu cầu người học phải thể hiện tốt khả năng sáng tạo, thói quen suy nghĩ độc lập, đột phá trong thể hiện ý tưởng, kết hợp sự khéo léo trong thể hiện và cảm thụ thẩm mỹ. Ngoài ra, người học còn phải tiếp cận tư duy logic, sự phán đoán chính xác và khoa học đối với các chuyên ngành kỹ thuật liên quan.

Chính vì thấu hiểu tính chất đặc thù và yêu cầu đòi hỏi, sứ mệnh của ngành, nên thầy cô đã dốc hết tâm sức mình cho những trang giáo án, khiến mỗi bài giảng không còn là việc truyền đạt một chiều “thầy đọc trò chép”, mà là sự tương tác giữa người dạy và người học. Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 và nền kinh tế tri thức đòi hỏi người kiến trúc sư phải rèn luyện kỹ năng về khoa học công nghệ, tư duy khoa học, hiệu quả. Thực tế cho thấy, lớp Cao học của chúng em- khóa Cao học Kiến trúc đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã được các thầy cô áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy mới, các kiến thức và phần mềm mới bổ ích cũng thường xuyên được cập nhật. Ngoài những giờ học sinh động trên lớp, những buổi thảo luận nhóm sôi nổi, còn có những giờ nghiên cứu thực tế đầy tính trực quan, những bài tập cá nhân, bài tập nhóm với ứng dụng từ các phần mềm hữu ích. Có như vậy, lý thuyết không còn nằm trên trang giấy mà tiếp cận sâu sát, hiệu quả nhằm tìm ra những giải pháp tốt hơn cho thực trạng đời sống. Qua đó, học viên rèn được kỹ năng tư duy, kỹ năng biểu đạt, khai thác và xử lý thông tin một cách tối ưu. Đó chính là những kỉ niệm đáng nhớ giữa thầy trò và là những kiến thức bổ ích hằn sâu vào tâm trí chúng em.

Thầy cô đã đưa chúng em đến với bến bờ tri thức với một tâm thế người học tự do, tự lập và tự trọng. Chính điều này đã khơi gợi nên sự sáng tạo, tìm tòi, học hỏi, giúp chúng em hiểu sâu hơn kiến thức. Có thể nói, bên cạnh lực lượng giảng viên cơ hữu, nhà trường đã mời cả những người KTS thực hành giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy và đánh giá chất lượng, tạo mối gắn kết mật thiết giữa nhà trường và xã hội.

Thầy cô là người chèo lái con đò tri thức, đưa chúng em đi xuyên suốt hai năm học Cao học. Giờ đây, mỗi người đều có trên tay một tấm bằng Thạc sỹ, một sự tự tin vững vàng hơn trong nghề nghiệp. Niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân và gia đình cứ nhân lên. Chúng em tin chắc rằng, người hạnh phúc nhất chính là thầy cô – những người vun trồng và chứng kiến quá trình đơm bông, kết trái cho một khóa đào tạo đầu mùa..

Tháng Chín đến báo hiệu Ngày tựu trường đã rất gần, nhìn những cơn mưa bất chợt cho cây lá xanh non, chúng em suy nghĩ nhiều về những người thầy, người cô đã tận tâm dìu dắt chúng em trong suốt thời gian qua. Biết bao nhiêu những trăn trở, yêu cầu khắt khe, cầu toàn chính là niềm mong mỏi, lo âu của thầy cô; là những nỗi lo sợ khi học viên của mình vấp phải những sai lầm, quên đi những kinh nghiệm đúc rút mà cả một đời giảng dạy, chiêm nghiệm. Sâu xa hơn, đó còn là những kì vọng về những thành quả kiến trúc tạo ra của các em sau này không chỉ bao hàm giá trị về mặt định lượng, mà còn là trái tim, là tâm hồn các em đặt trong đó. Niềm hạnh phúc và may mắn vĩnh cửu mà mỗi người tìm thấy chính là khi sống hết mình vì người khác, là khi những thành quả lao động của mình đem đến những lợi ích thiết thực và lâu dài cho xã hội. Trên đường đời của mỗi người, có biết bao người đi ngang qua, nhưng có mấy ai đi cùng đến tận cuối đời với chúng em như các thầy, các cô. Bởi dẫu có đi đâu, làm gì thì hình bóng của thầy cô cùng những tri thức nhân văn quý giá về nghề, về lẽ sống luôn sống mãi trong tim chúng em. Khi có ngọn lửa tâm huyết với nghề phải tưởng nhớ đến những que diêm tí xíu khơi nguồn. Dù chỉ cháy một lần nhưng tạo ra ngọn lửa mãi mãi trường tồn, tiếp nối thế hệ này qua thế hệ khác.

Lớp Cao học Kiến trúc K34 chúng em xin gửi lời tri ân sâu sắc đến các thầy cô Khoa Kiến trúc trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cũng như các thầy cô trong và ngoài trường đã tham gia giảng dạy chúng em. Xin kính chúc quý thầy cô một năm học mới thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc và tiếp tục đào tạo thêm những lớp kiến trúc sư có chất lượng cho quê hương Đà Nẵng và cho đất nước!

Đà Nẵng, 9/2019
Lương Lan Phương – học viên lớp Cao học Kiến trúc K34

PS: Nhân dịp đầu năm học mới, Lớp K34 gửi tặng các thầy cô Khoa Kiến trúc một phần quà để giúp các thầy cô có thêm trang thiết bị và cải thiện điều kiện làm việc.


Lãnh đạo Khoa Kiến trúc thay mặt các thầy cô giáo nhận quà tri ân của các cựu học viên lớp K34 Khoa Kiến trúc.


CÁC THÔNG TIN KHÁC