DHBK

Lý luận về ngôn ngữ kiến trúc – Nhìn từ các di sản đến kiến trúc hậu hiện đại

12/01/2021 09:10

Ngôn ngữ kiến trúc là một hệ thống các hình hài kiến trúc mang ngữ nghĩa, có thể chuyển tải nhiều giác độ và nội dung khác nhau bằng cách áp dụng các kỹ thuật cấu tạo và các kiểu sắp xếp, tổ hợp các hình khối này – Tức là ngôn ngữ kiến trúc có cấu trúc ngữ nghĩa, hình thái, ngữ dụng và cú pháp riêng. Điều này có thể được phản ánh bằng mô hình lý thuyết của cấu trúc ngôn ngữ kiến trúc theo bốn chiều hình thái học (Morphology), ngữ nghĩa học (Semantics), cú pháp học (Syntactics), ngữ dụng học (Pragmatics), mỗi chiều trong số đó có vai trò riêng của nó.

Ngôn ngữ của kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng không gian và hình thức vật lý có khả năng truyền tải thông điệp có ý nghĩa. Sự thôi thúc tìm hiểu về ngôn ngữ kiến trúc để thấy chúng chịu tác động như thế nào bởi xã hội, thẩm định vẻ đẹp thẩm mỹ của ngôn ngữ kiến trúc và ý nghĩa của điều này trong thực tiễn đào tạo kiến trúc sư (KTS) và hành nghề kiến trúc đã thôi thúc chúng tôi khơi lại vấn đề này. Nhà văn hóa vĩ đại người Đức J. W. von Goethe (1749 -1832) từng gọi kiến trúc là âm nhạc được đóng băng (“I call architecture frozen music”). Jean Nouvel (2008) thì nhận định “Kiến trúc là sự hóa đá của một thời điểm văn hóa” (“Architecture is the petrification of a cultural moment”). Còn Aaron Betsky – Giám đốc bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati – thì cho rằng “Kiến trúc là một loại ba lê đô thị” [1].

Dựa trên những quan niệm cho rằng KTS là người tạo ra các cấu trúc không gian hay các motif có ngữ nghĩa, trong bài viết này, chúng tôi đã xem xét kỹ hơn cách các ý tưởng và giải pháp kiến trúc có thể được sử dụng để tạo ra không gian mới giàu ý nghĩa, đồng thời đóng góp vào hiểu biết của chúng ta về những không gian đó.

Ngôn ngữ kiến trúc và góc nhìn từ các di sản

Có thể nói nguồn gốc của ngôn ngữ kiến trúc được khởi nguồn từ sự vận động và tiến hóa của muôn loài; đôi khi chỉ là hình lục giác đều có thể gợi nhớ ngay đến tổ ong; hay cấu trúc phân dạng (fractal) của bông cải xanh Romanesco hay bông tuyết hoặc các hình xoáy tròn của ốc anh vũ… Từ khi bắt đầu hình thành xã hội loài người, kiến trúc chịu tác động và chi phối bởi các quan niệm về quan điểm triết học, tôn giáo, tính thẩm mỹ, vật liệu và bối cảnh lịch sử của nền văn minh đó.

Các thức cột cổ điển và ngôn ngữ kiến trúc (Ảnh: tác giả)

Các thức cột cổ điển và ngôn ngữ kiến trúc (Ảnh: tác giả)

Những kim tự tháp Ai Cập cổ đại có hình dạng được cho là tượng trưng cho mô đất nguyên thủy mà người Ai Cập tin là từ đó trái đất được tạo ra, cũng như những tia nắng mặt trời tỏa xuống. Bề mặt của hầu hết các kim tự tháp được lát bằng đá vôi trắng đánh bóng để tạo nên một vẻ ngoài lộng lẫy khi quan sát từ xa. Tên của các kim tự tháp cũng có liên hệ tới ánh sáng mặt trời, chẳng hạn như kim tự tháp cong tại Dahshur có tên là kim tự tháp tỏa sáng ở phía Nam, còn kim tự tháp Senwosret ở el-Lahun có tên là Senwosret tức đang tỏa sáng.

Các thức cột cổ điển Hy Lạp mang các cú pháp và ngữ nghĩa khác nhau. Với mỗi thức có ngữ nghĩa, cú pháp, chúng thường được sắp đặt vào trong mỗi một ngữ dụng tức “ngữ cảnh giao tiếp” nhất định của nó. Thức Tuscan có ngôn ngữ chắc khắn, khỏe mạnh, thường áp dụng trong các công trình pháo đài và nhà tù. Thức Doric tượng trưng cho sức mạnh và đường nét cơ thể người đàn ông, thường được dùng ở các nhà thờ nam thần (thánh) hoặc công trình quân sự. Thức Ionic gợi nhớ vẻ cân đối hài hòa đầy nữ tính, hay thức Corinthian mang vẻ đẹp của một cô gái trẻ, thường dùng cho các đền thờ thánh nữ, đức Maria, các công trình văn hoá.

Trong công trình nhà thờ Santa Maria Novella, ngôn ngữ kiến trúc rất dễ nhận thấy là sự phức tạp, kỳ công bằng cú pháp sắp đặt các chi tiết lên một chỉnh thể thống nhất. Sự hài hòa đòi hỏi có quy tắc, có bố cục cũng như tầm quan trọng của ngữ nghĩa các motif sử dụng. Công trình thể hiện ngữ dụng trong một bối cảnh xã hội rực rỡ, huy hoàng, nơi tính nhân văn được phát huy rộng khắp. Hình thái có sự cân bằng và cú pháp mang tỷ lệ chuẩn mực toát lên vẻ đẹp của nghệ thuật, qua đó làm bật lên sự công bằng, sự thăng hoa thịnh vượng, sự hài hòa về tinh thần chủ nghĩa nhân văn, một lối suy nghĩ đầy nghệ thuật, hoa mỹ nhưng thực tế trong văn hóa Phục Hưng.

Trong các di sản Á Đông, triết lý về vũ trụ, về trời đất, về con người trong tổng hòa đó được phản ánh một cách chặt chẽ trong hình dáng, bố cục, chi tiết kiến trúc, sắp xếp không gian. Điển hình như trường hợp Thiên đàn và Địa đàn ở Bắc Kinh hay số gian nhà, bậc cấp, tầng, đấu củng trong các công trình kiến trúc. Qua đó có thể thấy rằng các kiến trúc di sản ẩn chứa phong phú các đặc tính cần thiết của một ngôn ngữ là hình thái học, ngữ nghĩa học, cú pháp học, ngữ dụng học.

Mặt tiền của nhà thờ Santa Maria Novella, được hoàn thành bởi Leon Battista Alberti vào năm 1470, ở Florence, Ý (Ảnh: Georges Jansoone, giấy phép Creative common - CC)

Mặt tiền của nhà thờ Santa Maria Novella, được hoàn thành bởi Leon Battista Alberti vào năm 1470, ở Florence, Ý
(Ảnh: Georges Jansoone, giấy phép Creative common – CC)

Cách thức thể hiện của ngôn ngữ kiến trúc

1. Ký hiệu học, phép ẩn dụ

Theo Charles Jencks, một trong những thuộc tính của kiến trúc hậu hiện đại – chiến lược chính mà các KTS vận dụng để làm rõ tính đa nguyên của văn hóa – là mã hóa kép: Hòa trộn gu chuyên môn và kỹ năng kỹ thuật của họ với sở thích những khách hàng cuối cùng của họ – người dân [2]. Kiến trúc không phải là một giao dịch hoàn toàn riêng tư giữa KTS và khách hàng. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, vì vậy nó phải dễ hiểu đối với mọi người (Blair Kamin) [1].

Thứ nhất, ngôn ngữ hàn lâm bao gồm nhiều khái niệm, chẳng hạn như hình thức, chức năng, kiến tạo, quy mô, tỷ lệ, đối xứng, nhịp điệu,… Chúng sắp xếp tư duy của KTS cả trong quá trình phát triển của dự án và “quá trình giải mã” nó. Nhờ nó, KTS nói chuyện với các chuyên gia khác (nhà lý thuyết, nhà thực hành, nhà phê bình, các ngành nghề liên quan).

Thiên đàn và Địa đàn (Ảnh: tác giả) biểu tượng cho hệ thống tư tưởng xã hội phong kiến Trung Hoa

Thiên đàn và Địa đàn (Ảnh: tác giả) biểu tượng cho hệ thống tư tưởng xã hội phong kiến Trung Hoa

Thứ hai là ngôn ngữ “bình dân” của hình khối kiến trúc, tức là ngôn ngữ nghệ thuật đặc biệt cho phép thể hiện ý tưởng và ý đồ nghệ thuật trong chất liệu của bố cục, có thể được cảm thụ bởi đông đảo công chúng. Đứng ở một góc độ nào đó, sự tạo tác kiến trúc lại mang dáng dấp của ký hiệu học, trong đó có sự vận dụng đáng kể các ký hiệu và quá trình ký hiệu, biểu hiện, chỉ định, cú pháp, sự giống nhau, tương tự, phép ẩn dụ, biểu tượng, ý nghĩa và thông tin liên lạc. Khác với ngôn ngữ học, ký hiệu học kiến trúc nghiên cứu các hệ thống dấu hiệu phi ngôn ngữ nhằm truyền tải thông điệp của công trình kiến trúc.

Cách hiểu của Jencks có gì đó rất tương đồng với lý thuyết của Micheal Graves. Graves đặc biệt quan tâm đến kiến trúc như là ngôn ngữ của các yếu tố – cửa ra vào, cửa sổ, khuôn đúc, tường,… Trong khi thực hiện các chức năng cấu trúc rõ ràng của chúng, chúng còn mang ý nghĩa biểu tượng mà nền văn hóa đương thời đã thấm đẫm. Graves cho rằng ngôn ngữ kiến trúc được biểu đạt qua hai con đường: Ngôn ngữ “chuẩn mực” và ngôn ngữ “thơ ca”.

Thông điệp mã hóa bởi KTS - theo Charles Jencks (Ảnh: tác giả)

Thông điệp mã hóa bởi KTS – theo Charles Jencks (Ảnh: tác giả)

Biểu đạt của ngôn ngữ kiến trúc của Graves (Ảnh: tác giả)

Biểu đạt của ngôn ngữ kiến trúc của Graves (Ảnh: tác giả)

Theo nhà nghiên cứu Nikos Salingaros, thiết kế kiến trúc là một trong những công việc có tính phức tạp cao. Thiết kế trong kiến trúc và đô thị được chi phối bởi hai ngôn ngữ bổ sung riêng biệt: Ngôn ngữ kiểu mẫu (pattern language) và ngôn ngữ hình thức (form language). Ngôn ngữ kiểu mẫu chứa các quy tắc về cách con người tương tác với các hình thức đã xây dựng. Ngôn ngữ hình thức hệ thống hóa các giải pháp thực tế được phát triển qua nhiều thiên niên kỷ, phù hợp với phong tục, xã hội và khí hậu địa phương. Mặt khác, ngôn ngữ hình thức bao gồm các quy tắc hình học để đặt vật chất lại với nhau. Các ngôn ngữ hình thức khác nhau tương ứng với các truyền thống hoặc phong cách kiến trúc khác nhau. Vấn đề là không phải tất cả các dạng ngôn ngữ đều thích ứng với cảm xúc của con người. Những ngôn ngữ hình thức không thích ứng không bao giờ có thể kết nối với một ngôn ngữ kiểu mẫu [3].

Khái niệm thiết kế thích ứng (phỏng theo Salingaros [3])

Khái niệm thiết kế thích ứng (phỏng theo Salingaros [3])

Khi không có phương pháp thiết kế và ngôn ngữ đi kèm để đánh giá chất lượng một thiết kế, mọi thứ trở nên rất chủ quan và do đó những gì được xây dựng ngày nay dường như bị ảnh hưởng phần lớn bởi thời trang, thị hiếu bắt buộc và mong muốn thu hút sự chú ý thông qua sự mới lạ và đôi khi biểu hiện gây sốc. Phần tiếp theo chúng ta sẽ đến với những câu chuyện như vậy.

2. Câu chuyện từ Las Vegas: Kiến trúc con vịt và nhà kho

Quyển sách “Học từ Las Vegas” [4] được viết bởi Robert Venturi và cộng sự, đã giải mã các dấu hiệu và biểu tượng của dải Las Vegas và chia các tòa nhà thành kiến trúc “con vịt” và “nhà kho được trang trí”, đã sử dụng các ký hiệu để truyền đạt thông điệp của công trình. Nơi mà hệ thống không gian của kiến trúc, kết cấu và chức năng bị nhấn chìm và bị bóp méo bởi một hình thức kiến trúc biểu tượng. Loạt tòa nhà này trở thành tác phẩm điêu khắc mà họ gọi là con vịt (duck). Nơi mà các hệ thống không gian và cấu trúc trực tiếp phục vụ chức năng, và những món trang trí được sử dụng độc lập với chúng, cái này họ gọi là nhà kho được trang trí (decorated shed).

 

Khái niệm kiến trúc con vịt và nhà kho được trang trí (phỏng theo [4])

Khái niệm kiến trúc con vịt và nhà kho được trang trí (phỏng theo [4])

Thông qua các ống đèn neon đầy màu sắc và các biển quảng cáo khổng lồ dọc theo dải Las Vegas sặc sỡ, họ tin rằng kiến trúc giao tiếp với con người như một ngôn ngữ ký hiệu, nhưng bằng mặt tiền giả và đồ trang trí màu mè hơn là các hình thức logic, không gian chức năng hoặc đặc trưng địa phương – theo kiểu con vịt và nhà kho được trang trí.

 

Las Vegas về đêm – Kiến trúc kiểu nhà kho được trang trí (Ảnh: Jean Beaufort, giấy phép: Public domain)

Las Vegas về đêm – Kiến trúc kiểu nhà kho được trang trí (Ảnh: Jean Beaufort, giấy phép: Public domain)

Phần lớn KTS đều phê phán kiến trúc con vịt vì ngôn ngữ có phần thô thiển của nó, sự thật là như vậy. Tuy nhiên kiến trúc con vịt đôi khi mang lại sự thành công bất ngờ trong kiến trúc đương đại. Ví dụ trong trường hợp của quần thể công trình Olympic 2008 ở Bắc Kinh – với hai khối vuông và tròn, xanh đỏ, nước lửa, đất trời – tượng trưng cho triết lý âm dương giao hoà. Ở một góc độ khác, sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh bắt chước hình dáng con sao biển và các trang trí phỏng theo tự nhiên (tán cây mềm mại) dường như thành công hơn, khiến khách đến trầm trồ, ngỡ ngàng. Nhưng chúng đều có một đặc điểm chung là sử dụng nguồn lực khổng lồ để xây dựng và vận hành, vậy liệu có thể coi là một quy luật cho đa số?

Nhà kho được trang trí - Pumping Station, Isle of Dogs, London (Ảnh: Stephen Richards, giấy phép CC)

Nhà kho được trang trí – Pumping Station, Isle of Dogs, London (Ảnh: Stephen Richards, giấy phép CC)

Kiến trúc con vịt, Longaberger Headquarters (Ảnh: Greg Gladman, giấy phép CC)

Kiến trúc con vịt, Longaberger Headquarters (Ảnh: Greg Gladman, giấy phép CC)

Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại và ngôn ngữ kiến trúc hậu hiện đại

1. Liệu kiến trúc thực sự có ngôn ngữ riêng – trường hợp kiến trúc hiện đại

Công trình Olympic 2008 ở Bắc Kinh sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh có nên xem là Kiến trúc con vịt? (giấy phép CC) (Ảnh: Wang Zhitong)

Công trình Olympic 2008 ở Bắc Kinh sân bay quốc tế Đại Hưng ở Bắc Kinh có nên xem là Kiến trúc con vịt? (giấy phép CC) (Ảnh: Wang Zhitong)

Những thiếu sót được thừa nhận của kiến trúc hiện đại là các học thuyết cứng nhắc, giáo điều, tính đồng nhất, thiếu trang trí và thói quen phớt lờ lịch sử và văn hóa của các địa phương nơi nó xuất hiện. Những gì được xây dựng giai đoạn đó là cố tình đơn giản, vô danh, lặp đi lặp lại – những tòa nhà đã mọc lên trên khắp thế giới từ năm 1920 để phù hợp với giáo điều hiện đại như “hình thức phục tùng công năng” và “ít tức là nhiều”. Mục đích là tạo ra thứ kiến trúc sản xuất hàng loạt để phục vụ nhu cầu của một xã hội đại chúng. Tất cả đều rất xã hội chủ nghĩa và tinh thần quân bình, hướng tới việc cung cấp cho mỗi cư dân đô thị ánh sáng, không gian, không khí và mặt trời và chấm hết. Các xã hội tư bản lấy nòng cốt là tài chính hay tiền bạc, chỉ muốn có thêm thật nhiều và nhiều tài sản, tính thẩm mỹ bị lược bỏ, thể hiện sự lạnh lẽo, thiếu mất bản sắc, chiều sâu sự kế thừa của một nền tảng xã hội lâu đời.

(Ảnh: Arne Müseler)

(Ảnh: Arne Müseler)

Vậy thất bại lớn nhất của kiến trúc hiện đại là gì?

Kiến trúc hiện đại vốn chỉ chú trọng chức năng bên trong đã thể hiện một kiểu kiến trúc vô vị, không ngôn từ, không bản sắc, không quan tâm đến khí hậu và thất bại trong việc truyền tải đến cộng đồng những thông điệp cần thiết của một tác phẩm có ảnh hưởng. Kiến trúc hiện đại dường như mang nhiều ý nghĩa về công trình xây dựng theo kiểu “A house is a machine for living in” (Le Corbusier), hơn là kiến trúc như phát biểu của Jay A. Pritzker (Lễ trao giải Pritzker năm 1985): “Kiến trúc nhằm mục đích vượt qua nhu cầu đơn giản về nơi trú ẩn và an ninh bằng cách trở thành một biểu hiện của nghệ thuật” [1]. Còn theo Micheal Graves, chúng thiếu đi thứ ngôn ngữ “thơ ca” mà kiến trúc cần phải có.

Vào năm 1966, Robert Venturi phê phán ngầm kiến trúc hiện đại: “Tôi nói về một kiến trúc phức tạp và mâu thuẫn dựa trên sự phong phú và mơ hồ của kinh nghiệm hiện đại, bao gồm cả kinh nghiệm vốn có trong nghệ thuật… Tôi hoan nghênh các vấn đề và khai thác những điều không chắc chắn… Tôi thích các yếu tố lai tạp hơn là “thuần túy”, thỏa hiệp hơn là “sạch sẽ”,… chứa đựng hơn là loại trừ… Tôi thích sức sống lộn xộn hơn sự thống nhất rõ ràng… Tôi thích “cả – và” hơn “hoặc – hoặc”, “đen và trắng, và đôi khi xám, đến đen hoặc trắng… Một kiến trúc phức tạp và mâu thuẫn phải thể hiện sự thống nhất khó bao hàm hơn là sự thống nhất dễ loại trừ” [5]. Mies van der Rohe cho rằng “Less is more” thì Venturi phản bác “Less is a bore”.

2. Ngôn ngữ kiến trúc trong thời kỳ hậu hiện đại

Kiến trúc hậu hiện đại là một phong trào quốc tế tập trung vào thiết kế tư duy tự do với sự cân nhắc về mặt ý niệm đối với môi trường xung quanh. Những cân nhắc này bao gồm việc tích hợp thiết kế của các tòa nhà liền kề vào các cấu trúc mới, hiện đại để chúng có yếu tố gắn kết trong khi vẫn tạo ra tác động. Sự cân nhắc kỹ lưỡng này có thể được nhìn thấy trong công trình The Neue Staatsgalerie của James Stirling và Michael Wilford, những người đã kết hợp các yếu tố tân cổ điển với một chút pháo sáng hậu hiện đại. Trong khi các tòa nhà hậu hiện đại vẫn phục vụ một chức năng cụ thể, chủ nghĩa hậu hiện đại khuyến khích sự sáng tạo và đi lạc khỏi những quy tắc cứng nhắc của những giáo điều hiện đại vốn quy định sự đơn giản và thống nhất. Bằng cách pha trộn nhiều motif kiến trúc và các yếu tố từ phong trào Arts and Crafts, chủ nghĩa cổ điển, tân cổ điển và nhiều phong cách kiến trúc khác, kiến trúc hậu hiện đại không chỉ tôn vinh lịch sử địa phương mà còn có sức hấp dẫn thị giác độc đáo. Thậm chí kiến trúc hậu hiện đại đôi khi sử dụng cảm xúc của ngành sân khấu, cảm giác về sự phi lý và cường điệu của các hình thức: Hài hước và phong cách “Camp” (Camp là “nỗ lực để làm điều gì đó khác thường, nhưng khác thường một cách lộng lẫy”. Camp “đi ngược lại sự nghiêm túc”).

Phong cách “Camp”: Tòa nhà tại Walt Disney Studios ở Burbank (Ảnh: Coolcaesar, giấy phép CC)

Phong cách “Camp”: Tòa nhà tại Walt Disney Studios ở Burbank (Ảnh: Coolcaesar, giấy phép CC)

Một trong những lời chỉ trích kiến trúc hậu hiện đại là công trình không hoàn toàn hòa nhập với môi trường xung quanh, vì các KTS hiếm khi thiết kế các tòa nhà gắn kết với các cấu trúc lân cận. Đây vẫn là một lý do khiến nhiều người kiềm chế việc tôn vinh kiến trúc hậu hiện đại. Tuy nhiên, ý tưởng về những gì cấu thành thiết kế bắt đầu thay đổi theo thời gian. Sự thay đổi quan điểm này đã giúp đẩy chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng phổ biến.

Phong cách Camp - M2 building, Tokyo, KTS Kengo Kuma (Ảnh: Wiiii, giấy phép CC)

Phong cách Camp – M2 building, Tokyo, KTS Kengo Kuma (Ảnh: Wiiii, giấy phép CC)

Xét về mặt ngữ nghĩa, rõ ràng Kiến trúc hậu hiện đại đã trình diễn thứ ngôn ngữ đa dạng bằng hơi thở trẻ trung, nhiều màu sắc thậm chí vui nhộn. Kiến trúc là một nghệ thuật xã hội và do đó trách nhiệm xã hội của kiến trúc không chỉ đáp ứng các tiện nghi về mặt chức năng và tiện nghi sinh học mà còn cả sự thoải mái về mặt tinh thần. Điều này cho thấy kiến trúc không phải là một “cái máy để ở của Le Corbusier”. Sự đa dạng về mặt ngữ nghĩa của công trình khiến cho công chúng trầm trồ, bàn tán, phỏng đoán, có ấn tượng hay ít nhất là có ấn tượng về công trình đó. Như trường hợp hình tượng Nhà hát Opera ở Sydney được coi như là một ký hiệu được mã hóa. Tuy có người giải mã đó là những con sò, nhưng cũng không ít người nghĩ về những cánh buồm trên hải cảng lộng gió, hay những chú rùa vui vẻ… chứ không đơn giản chỉ là sự mã hóa thô thiển theo kiểu “con vịt”. Theo lý luận của Graves, ngôn ngữ “thơ ca” của công trình Opera Sydney đã chạm vào cảm xúc của công chúng và thậm chí lấn át ngôn ngữ “chuẩn mực” của công trình (vốn được coi là không thành công về mặt âm học [6]).

Lời kết

Ngôn ngữ kiến trúc không trùng lặp với ngôn ngữ thơ ca, ngôn ngữ hội họa, cũng như các ngôn ngữ khoa học kỹ thuật khác, mặc dù nó có những nét tương đồng nhất định. Nó có thể được hình thành như đã được chứng minh rằng kiến trúc có thể được xem như một hệ thống các ký hiệu. Để tránh nhầm lẫn thuật ngữ, tốt nhất nên nói về ngữ nghĩa, hình thái, cú pháp và ngữ dụng của ngôn ngữ kiến trúc, tránh khi có thể bất kỳ thuật ngữ nào được vay mượn từ các ngành khoa học liên quan [7]. Kiến trúc cần có khả năng truyền đạt thứ ngôn ngữ được người thiết kế, người chủ đã gửi gắm vào đó, thay vì thứ hao hao nhau, vô nghĩa. Kiến trúc khác với công trình ở chỗ nó có thể chạm vào cảm xúc của con người qua câu chuyện mà nó mang lại. Thế nên “Architecture is not always synonymous with building (Công trình tòa nhà chưa chắc đã là kiến trúc)” – KTS Mangado (người Tây Ban Nha) đã nhận định như vậy.

Giảng viên Khoa Kiến trúc

(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2020)