DHBK

Cảm xúc cùng “Một Đà Nẵng hôm nào và hôm nay”

04/05/2021 20:23

(DSA) – Chào mừng kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975 – 2021), Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 và hướng đến ngày Quốc tế Bảo tàng (18 tháng 5); Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (78 Lê Duẩn, Đà Nẵng) phối hợp với Khoa Kiến trúc – trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng và Nhóm Ký họa đô thị – Trải nghiệm văn hóa đô thị ĐÀ NẴNG TÔI, tổ chức triển lãm mỹ thuật với chủ đề: “Đà Nẵng những ngày sau Giải phóng và hôm nay”.

Triển lãm đã khai mạc lúc 17h, chiều qua, thứ Ba, 27/3/2021.

Đường Hùng Vương Đà Nẵng sau ngày giải phóng (17/4/1975) – Tác giả: Họa sỹ Nguyễn Đức Hạnh. Ảnh các ký họa trong bài viết được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.  

Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tặng hoa tri ân các đơn vị phối hợp: Phó GS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Kiến trúc trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng (bên phải) và một bạn trẻ đại diện Nhóm Ký họa đô thị – Trải nghiệm văn hóa đô thị ĐÀ NẴNG TÔI (bên trái).

Triển lãm giới thiệu 60 tranh ký họa, gồm 35 bức được sáng tác bởi cố họa sỹ Nguyễn Đức Hạnh trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1975; 25 ký họa về Đà Nẵng hôm nay do chính các em sinh viên Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng và các bạn sinh viên Nhóm Ký họa đô thị – Trải nghiệm văn hóa đô thị ĐÀ NẴNG TÔI, thực hiện.

Họa sỹ Nguyễn Đức Hạnh – hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Quê nhà ông ở Vĩnh Thành, Yên Thành, Nghệ An, sau đó gia đình vào Đà Nẵng và định cư ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Họa sỹ qua đời năm 2010 (thọ 70 tuổi) và theo di nguyện của ông, người thân đã trao tặng cho UBND thành phố Đà Nẵng 200 bức ký họa – những tác phẩm mà họa sỹ đã kịp thời ghi lại biết bao khoảnh khắc quý giá, phản ảnh nhịp sống của miền Trung Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt (đặc biệt là số lượng lớn tác phẩm ký họa phản ảnh cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968).

Trước đó, vào những năm 1996 – 2000, UBND thành phố đã có chủ trương mua lại (khoảng 150 tác phẩm ký họa) của họa sỹ.

Nhìn sang núi Sơn Trà (13/9/1975)- Tác giả: Họa sỹ Nguyễn Đức Hạnh.

Các bức ký họa của ông phản ảnh lại hiện thực cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Genève hay hình ảnh nhân dân miền Trung tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được nhiều người biết đến như: Cuộc đấu tranh chính trị chợ Được (1954); Cuộc đấu tranh Chiên Đàn; Phút nghỉ ngơi của Nữ tiểu đoàn vận tải (Tiểu đoàn vận tải nữ 232; tên gọi thân mật khác là Tiểu đoàn Bà Thao, tức Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao); Dân quân huyện Nam Giang tập bắn (súng) 12,7mm; …

Chiếm số lượng lớn trong các tác phẩm của người con quê hương Yên Thành, Nghệ An vẫn là chủ đề đấu tranh cách mạng, cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, thực hiện nguyện vọng lớn của nhân dân hai miền: Thống nhất non sông.

Con trai, dâu và hai cháu nội cố hoaj sỹ Nguyễn Đức Hạnh xem tác phẩm của ông, cha mình.

Nung nấu phản ảnh một hiện thực sinh động nhưng muôn vàn khốc liệt, không cùng, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, họa sỹ Nguyễn Đức Hạnh đã có nhiều chuyến đi thực tế về chiến trường xưa. Ông quay lại nơi ông còn lưu giữ trong ký ức và tiếp tục sáng tác theo chủ đề mà ông ấp ủ.

Đóng góp cho sự trọn vẹn của triển lãm còn có 25 ký họa về Đà Nẵng của các bạn sinh viên Khoa Kiến trúc, trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng; các bạn sinh viên thành viên Nhóm Ký họa đô thị – Trải nghiệm văn hóa đô thị ĐÀ NẴNG TÔI.

“20 tác phẩm của các em sinh viên chuyên ngành Kiến trúc trường chúng tôi được chọn triển lãm lần này thể hiện một góc nhìn tươi mình về một Đà Nẵng hôm nay, một Đà Nẵng đã đổi thay rất nhiều tron công cuộc xây dựng và phát triển thành phố. Chúng tôi luôn khuyến khích sinh viên của mình tích cực tham gia những hoạt động như thế này. Bởi từ đó, các em có thêm điều kiện, môi trường để hoàn thiện nhiều kỹ năng rất cần cho công việc của các em, đồng thời, góp phần bồi đắp nhân cách của một kiến trúc sư trong tương lai” – Phó GS.TS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Kiến trúc trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, chia sẻ

Một bạn sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng đang thực hiện đề tài ký họa về Đà Nẵng. Ảnh: bạn Hồng Thủy chia sẻ.

Đó là những góc nhìn của một thế hệ tự hào với thành quả mà cha ông để lại – một Đà Nẵng anh dũng, quật cường với truyền thống đấu tranh bất khuất – tự hào với thành quả của những năm xây dựng và phát triển – một Đà Nẵng đáng sống – và tự hào với những gì thiên nhiên ban tặng cho thành phố – Đà Nẵng có núi, có sông, có biển, có đảo…

Bạn Thái Thị Hồng Thuỷ – nữ sinh viên vừa tròn tuổi đôi mươi , lớp 19KTCLC2 Khoa Kiến trúc – trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng – cho biết, đây là lần đầu tiên “em có tác phẩm được triển lãm cùng các bạn” và cảm xúc thì “vui không thể diễn tả bằng lời”…

Hồng Thuỷ cho biết, đây thực sự là một một khởi đầu mới , tiếp thêm động lực cho bạn để có thể sáng tác, tạo ra nhiều tác phẩm khác. Vẽ ký hoạ, góp phần quan trọng trong hình thành ý tưởng, cũng như hình khối. Qua đó giúp bạn phát hoạ nhanh hơn , tư duy tốt hơn, độ thẩm mỹ được nâng cao dần. Đặc biệt, mỗi bức ký họa giúp bạn cảm nhận và hiểu biết nhiều hơn về kiến trúc ở những địa điểm được vẽ lại.

Tác phẩm của cô bạn sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, còn thời sinh viên thì gắn bó với Đà Nẵng, được chọn triển lãm lần này là Cây Đa di sản trên bán đảo Sơn Trà. Ký họa vừa hoàn thành cách đây khoảng 2 tuần.

Tác giả trẻ Thái Thị Hồng Thuỷ và tác phẩm Cây đa di sản trên bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng.

“Ký họa đã được vẽ theo chủ ý của em. Cây Đa ngàn năm thực sự là một địa điểm không thể bỏ qua khi đi tham quan Bán Đảo Sơn Trà Đà Nẵng. Lần đầu tiên, em đặt chân đến địa điểm này, cách đây cũng được 4 năm rồi. Nhưng không gian, bối cảnh, các dấu tích lịch sử đã in hằng lên trên thân cây đa theo năm tháng, kể cả những thông tin mà em tìm hiểu thêm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm trí em. Em đã quyết định quay lại và ký họa quần thể cổ thụ độc đáo này …” – Hồng Thuỷ bộc bạch.

“Triển lãm hy vọng mang đến cho công chúng nói chung, người dân Đà Nẵng nói riêng những cảm xúc khi gặp lại những con đường, góc phố, hàng cây, dòng sông, bến cảng,… của 46 năm trước. Đó là những mảnh ghép công phu, làm nên bức tranh sinh động về Đà Nẵng trong những ngày tháng lịch sử tháng 3/1975, với bối cảnh thành phố những ngày sau giải phóng (29/3/1975 trở về sau).

Chùa An Long (trên đường 2 tháng 9, quận Hải Châu. Năm 2016).Tác giả Nguyễn Trường Giang.

Đặc biệt theo dòng chảy của lịch sử, chúng ta còn có một Đà Nẵng của những ngày hôm nay, đó là cái nhìn mới mẻ về Đà Nẵng qua ngôn ngữ ký họa của các bạn trẻ là sinh viên chuyên ngành kiến trúc. Thế hệ được sinh ra và lớn lên trong những năm đổi mới, đã và đang gắn bó với thành phố thân yêu này.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng kỳ vọng góp một phần cho không khí của những ngày tháng 4 thiêng liêng, xuyên suốt từ 1975 đến 2021. Đồng thời, đây cũng là dịp công chúng yêu mến mỹ thuật hiểu rõ hơn về nghệ thuật tạo hình trong ký họa” – Thạc sỹ Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.

Công chúng trẻ thích thú tìm hiểu diện mạo và những đổi thay theo dòng thời gian các công trình nổi tiếng của Đà Nẵng.

Triển lãm đặc biệt này diễn ra đến hết ngày 20/5/2021./.

T.Ngọc

Theo Cảm xúc cùng “một Đà Nẵng hôm nào và hôm nay” - Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Đà Nẵng (dsa.org.vn)