The Water House – “Tổ ấm” đầy nắng và gió Vùng đất miền Trung
25/05/2020 09:25
Những cô cậu KTS cựu sinh viên khóa 11KT của Khoa Kiến trúc - trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm nào đã lập Team thiết kế chung và bước đầu đạt được những thành công rất đáng khích lệ. Công trình giới thiệu dưới đây bởi tạp chí Kiến trúc (Hội KTS Việt Nam) là một trong số kha khá các công trình ấn tượng mà họ đã làm trong thời gian qua. Chúc các anh chị thật thành công trên con đường nghề nghiệp đã chọn.
Quảng Nam – Vùng đất miền Trung nắng gió, quanh năm nơi đây chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, Con người miền Trung phải chịu sự tác động của mùa khô hanh và mùa mưa “dai dẳng” làm cho họ gặp phải rất nhiều thách thức khi trển khai ý tưởng xây dựng một tổ ấm đầy đủ nắng gió, không gian ở hòa với thiên nhiên mã vẫn thích nghi với tất cả các đặc điểm của khí hậu địa phương. Bởi vậy, đơn vị thiết kế đã nhận nhiệm vụ để giúp mong muốn của khách hàng trở thành hiện thực.
- Diện tích: 175m2
- Thiết kế và Thi công: CIA Design Studio
- Kiến trúc sư trưởng: Nguyễn Tiến Chung, Trần Trung
- Nhóm thiết kế: Lê Đức Tú Sinh, Trương Vĩnh Hoàn, Trương Hùng Lĩnh, Phan Nguyễn Thanh Trúc.
- Chủ đầu tư: Trần Văn Hữu
- Năm dự án: 2018
- Địa điểm: Xã Tam Anh Nam, Huyện Núi Thành, Tỉnh Quảng Nam
- Nhiếp ảnh gia: Quang Dam
Với diện tích 7x25m, điểm đặc biệt của nhà phố người Việt là những ngôi nhà nhỏ, được xây dựng liền kề, sát nhau. Nếu không có giải pháp thiết kế giao thông hợp lý, không gian sống sẽ trở nên “bí bách” và “ngột ngạt” do thiếu ánh sáng, không khí. Bắt đầu bằng một khối hình chữ nhật đơn giản, đơn vị thiết kế đã tách khối tổng thành hai khối với kết nối bên ngoài, bên trong bởi không gian đệm bao gồm một hiên nhà và một giếng trời ở trung tâm của ngôi nhà. Không gian chính căn nhà là khu vực sinh hoạt, đi sâu vào trong là một không gian yên tĩnh nằm trong khối phía sau bao gồm ba phòng ngủ và hai nhà vệ sinh.
Các KTS đã nghiên cứu kỹ từng chi tiết về khí hậu, hướng nắng và quỹ đạo di chuyển của mặt trời để đề xuất các giải pháp thu thập ánh sáng tự nhiên, che chắn ánh sáng mặt trời ở phía Tây công trình chính, lấy gió mát của dòng sông phía sau và đưa hơi nước từ hồ trung tâm làm mát khắp toàn bộ ngôi nhà.
Trong phòng khách, một khe sáng dọc theo tường biên được tạo ra nhằm lấy ánh sáng nhiều nhất cho không gian sinh hoạt khách và bếp. Không gian này sẽ được thay đổi bởi hệ thống biểu hiện mặt trời của ngày và mùa của năm tạo ra ngôi nhà như một phương tiện kết nối con người và thiên nhiên.
Một số giải pháp đơn vị thiết kế tạo ra trong công trình này là trồng nhiều cây để ngăn chặn bức xạ nhiệt. Bên cạnh đó, việc sử dụng một hành lang lam che nắng bọc mặt trước và mặt hông công trình, sử dụng các vật liệu tự nhiên như gỗ và đá sẽ có tác dụng làm giảm hấp thụ nhiệt và tăng vẻ đẹp tự nhiên của vật liệu địa phương.
Về khía cạnh nội thất, từ những ý tưởng nội thất cũ mà tại địa phương nhóm đã tạo ra những phương án mới tinh tế hơn nhưng không mất đi bản sắc vốn có. Tất cả gỗ dùng làm sofa, bàn ăn hoặc giường đều được làm từ gỗ tự nhiên tại địa phương. Phía bên ngoài ngôi nhà được bao phủ bằng tấm polycarbonate, kết hợp cùng dây leo từ trên mái xuống. Nhóm thiết kế đã khai thác triệt để hồ bên hông nhà nhằm đưa lượng hơi nước bốc hơi vào mùa hè đi khắp công trình. Ngoài ra, cửa trượt bằng gỗ được sử dụng để cho phòng khách rộng rãi và thông thoáng hơn, giúp tạo ra một cái nhìn tuyệt vời để chiêm ngưỡng cảnh quan xung quanh. Từ đó, biến không gian căn nhà trở thành không gian “2 trong 1”. Để tiết kiệm điện năng, tất cả các phòng đều sử dụng ánh sáng tự nhiên vào ban ngày để giảm lượng điện tiêu thụ.
Đây là một công trình mà nhóm thiết kế đã giải quyết được bài toán liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là tiết kiệm diện tích sử dụng hết mức để có được những không gian xanh. Bên cạnh đó, công trình vẫn đảm bảo tính tiết kiệm năng lượng lẫn kết nối vật liệu truyền thống của địa phương.
Một số hình ảnh của công trình:
Theo Bích Thuỷ – tckt.vn
© Tạp chí Kiến trúc